Mặt trận phối hợp thực hiện vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm

(NTO) Căn cứ Chương trình phối hợp số 926/KH-UBND-MTTQ ngày 20-3-2017 của UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thực hiện vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành pháp luật và nêu cao trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP.

Cụ thể là phối hợp với các tổ chức thành viên, chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác thông tin ATTP trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Theo đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong năm qua, sau khi ký kết Chương trình phối hợp trên, vào ngày 25-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ phát động thi đua thực hiện Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại xã Phước Hữu (Ninh Phước) với sự tham gia của đại biểu tỉnh, huyện, xã và gần 500 người dân, học sinh, đoàn viên-thanh niên. Trong nội dung thi đua, có đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2017, các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí về ATTP. Đó được coi là nhân tố quan trọng tác động tới việc thực hiện Chương trình phối hợp số 926/KH-UBND-MTTQ về ATTP. Ngay sau lễ phát động, MTTQ các huyện, thành phố cũng chọn 1 xã hoặc phường để tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động trên, trong đó gắn với phối hợp tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân thực hiện các tiêu chí về ATTP.

Nông dân trong tỉnh trồng nho theo hướng VietGAP nhằm
bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, biết lựa chọn rau, thịt đảm bảo an toàn vệ sinh, chỉ sử dụng sản phẩm khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; kiên quyết đấu tranh với các hành vi sử dụng chất cấm, chất kích thích trong sản xuất; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là vận động các cơ sở sản xuất đặt yếu tố cộng đồng và xã hội lên trên, coi việc bảo đảm ATTP vừa là lương tâm, vừa là trách nhiệm xã hội; tuân thủ nguyên tắc, chấp hành và thực hiện các điều kiện ATTP theo quy định của pháp luật, không sử dụng các chất hóa học cấm. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đăng tải nhiều tin, bài, ảnh, các thông điệp, thông tin tuyên truyền về ATTP trên Trang thông tin điện tử cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thu hút trên 17.000 lượt người quan tâm theo dõi; xuất bản Bản tin Mặt trận với số lượng 1.800 cuốn (600 cuốn/quý) có nội dung tuyên truyền về ATTP.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn hướng dẫn Mặt trận các cấp thực hiện tốt công tác giám sát về ATTP. Cán bộ Mặt trận các cấp đã tham gia các đợt kiểm tra, thanh tra, giám sát về ATTP vào dịp Lễ hội, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP năm 2017; theo dõi việc giải quyết những đề xuất, kiến nghị sau khi tổ chức giám sát độc lập đối với việc chấp hành pháp luật về ATTP. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức khảo sát ngẫu nhiên ý kiến người dân về ATTP tại địa bàn khu dân cư, khảo sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và giám sát các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; phát 1.500 phiếu lấy ý kiến hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Thanh Hải (Ninh Hải) và An Hải (Ninh Phước), trong đó có nội dung về ATTP.

Kết quả giám sát cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có quy chế phối hợp thực hiện; phân công trách nhiệm rõ ràng; người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn và đồng tình với việc đề nghị tăng hình phạt đủ sức răn đe trong lĩnh vực vệ sinh ATTP. Đơn cử trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, toàn tỉnh đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra 694 cơ sở về ATTP. Theo đánh giá chung, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống chấp hành tốt các quy định về ATTP, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, có giấy tiếp nhận công bố ATTP, nội dung ghi nhãn sản phẩm đúng quy định, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, người trực tiếp sản xuất được trang bị kiến thức về ATTP (có khám sức khỏe định kỳ), dụng cụ dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo ATTP. Tuy nhiên ngoài 520 cơ sở đạt tiêu chuẩn, phát hiện có 174 cơ sở vi phạm; đã xử lý vi phạm hành chính 15 cơ sở và nhắc nhở 159 cơ sở.

Trong năm 2018, nhằm tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 926/KH-UBND-MTTQ. Theo tinh thần đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giám sát về ATTP trên địa bàn, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh.