Tết đến nhớ món thịt cừu thương hiệu Ninh Thuận

(NTO) Đầu Xuân về cánh đồng chăn thả gia súc trải dài từ thôn An Hòa, xã Xuân Hải (Ninh Hải) đến thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái), nhìn đàn cừu trắng nhởn nhơ gặm cỏ dưới ánh nắng ban mai, chợt nhớ món thịt cừu nướng hương vị thơm nồng, đặc sản vùng đất nắng gió được nhiều gia đình sử dụng trong các ngày lễ, tết.

Qua hàng trăm năm chọn lọc của tự nhiên, cừu đã thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, thịt cừu Ninh Thuận có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng trong cả nước yêu thích. Rong ruổi cùng các hộ chăn cừu giữa đồng cỏ xanh mơn mởn bao quanh hồ Thành Sơn, chúng tôi chứng kiến nhiều điều thú vị. Giữa bao la trời đất, từng đàn cừu lên đến hàng ngàn con nhấp nhô trắng như những tảng mây bồng bềnh trôi trước gió, cảnh vật hiền hòa, thơ mộng cuốn hút không ít du khách đến tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh với người dân du mục làm kỷ niệm.

Như lẽ tự nhiên, người dân nơi đây hằng ngày rảo bước trên cánh đồng bất tận, thực hiện các đợt di chuyển đàn từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác, tạo nên “bức tranh” đồng quê êm ả, thanh bình. Nơi vùng núi non nhấp nhô, mới sáng tinh mơ bà con đã thức dậy lùa đàn gia súc ra đồng, bắt đầu một ngày làm việc mới. Từng đàn cừu chạy ra từ những dãy chuồng làm bằng gỗ nối đuôi nhau “hành quân” giữa thảm thực vật thấp là tà, hòa lẫn trong tiếng kêu be be của cừu con gọi mẹ, nghe thật dễ thương. Khi xuân qua, chớm hạ, thời tiết bắt đầu vào mùa khô, nếu có dịp đến đây du khách sẽ rất thích thú tận mắt chứng kiến các hộ chăn nuôi thực hiện cuộc di chuyển đàn rầm rộ, hàng ngàn con cừu từ chân núi Chà Vum được chủ lùa về khu vực hồ Thành Sơn để uống nước mát, thưởng thức những cọng cỏ non mới nhú trên cánh đồng bo bo, vừng đen vừa thu hoạch xong.

Xuân mới, các hộ chăn nuôi đón niềm vui mới khi sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

Nghề nuôi cừu của người bản địa có từ lâu đời, được các gia đình truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và đang ngày càng phát triển, giúp nhiều hộ thoát nghèo, trở nên giàu có. Hiện tổng đàn cừu trên toàn tỉnh đạt gần 87 ngàn con, lớn nhất cả nước. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp, đến năm 2020 quy mô đàn cừu lên đến 190 ngàn con. Hướng tới sản xuất bền vững, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương tăng cường Chương trình lai tạo giống cừu Dorper và White Sufflk của Úc có khả năng kháng bệnh cao, tăng trọng nhanh, cho nhiều thịt. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã tích cực liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cừu. Ngày 24-10-2017 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận, làm gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm đặc thù của tỉnh trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao cho hộ nuôi. Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Chuyên ngành, Sở KH&CN, cho biết: Tỉnh ta có nhiều mặt hàng thực phẩm đặc thù, nhưng thịt cừu vẫn nổi trội hơn. Ngay sau khi được bảo hộ, ngành chức năng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, quảng bá thương hiệu, đưa thịt cừu đến với nhiều vùng miền trên cả nước. Các điều kiện phục vụ công tác quản lý như hệ thống lô-gô, bao bì, nhãn mác, kiểm soát chất lượng cũng được Sở KH&CN quan tâm thực hiện, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Phát huy giá trị Chỉ dẫn địa lý thịt cừu, ngành chức năng đang tiến hành khảo sát, đánh giá về điều kiện tự nhiên vùng chăn thả, đặc điểm nguồn gốc thức ăn, sinh trưởng và phát triển giống cừu tốt. Phân tích, mô tả chất lượng sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận so sánh với cừu các vùng đối chứng. Kết quả của công tác phát triển sản phẩm đã được bảo hộ có tác dụng nâng cao vị thế thịt cừu Ninh Thuận trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi và các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, hợp tác xã, hiệp hội sản xuất, kinh doanh, làm cơ sở ứng dụng tiến bộ KH&CN vào chăn nuôi, thiết lập các kênh tiêu thụ ổn định, đưa nghề nuôi cừu phát triển lên tầm cao mới.