Ninh Hải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng lớn

(NTO) Vụ đông - xuân 2018, huyện Ninh Hải quyết tâm triển khai có hiệu quả mô hình cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa ở xã Xuân Hải, tạo tiền đề thực hiện CĐL sản xuất nho tiếp theo.

Xác định xây dựng thành công mô hình CĐL sẽ góp phần vào đạt mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân nên được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đi sau Ninh Phước về xây dựng CĐL, huyện Ninh Hải học được nhiều kinh nghiệm, chọn cách làm hay áp dụng vào điều kiện thực tế của địa phương. Cũng như một số nơi khác, Ninh Hải coi trọng vai trò của hợp tác xã nông nghiệp làm khâu trung gian trong liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố tổ chức sản xuất tập trung trên quy mô lớn. Từ cách làm đúng hướng, chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã vận động được 220 hộ “dồn điền” sản xuất 100 ha lúa giống, thời điểm hiện nay đã gieo sạ xong, bước đầu diễn ra suôn sẻ.

Ninh Hải được đánh giá có tiềm năng phát triển nông nghiệp, để khai thác tối đa lợi thế, huyện có cách làm hay, công tác quy hoạch luôn đi trước một bước. Đến nay, huyện đã quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 300 ha ở xã Xuân Hải và vùng nuôi thủy sản 500 ha tại khu vực Đầm Nại. Công tác khảo sát, đánh giá, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù cũng được triển khai song hành; trong đó, nho, tỏi, tôm giống, măng tây xanh được xác định là lợi thế, giàu tiềm năng phát triển. Để vươn lên thành trung tâm sản xuất nho chất lượng cao của cả tỉnh, bên cạnh xây dựng vùng trồng nho tập trung quy mô lớn ở xã Xuân Hải, Vĩnh Hải, thị trấn Khánh Hải, huyện chú trọng triển khai các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Vụ mùa năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện triển khai mô hình thử nghiệm sản xuất nho xanh không hạt ở thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải) tạo bước đột phá mới trong nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Kết quả tỷ lệ đậu trái cao, lợi nhuận tăng thêm 40% so với nho có hạt tạo cơ sở để các xã trên địa bàn nhân rộng mô hình trong năm 2018.

Nông dân xã Nhơn Hải sản xuất cây ớt ở vùng chuyển đổi cây trồng
cạn thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn. Ảnh: V.M

Cũng như nhiều địa phương khác, quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, huyện Ninh Hải gặp những khó khăn, nhất là nông dân ảnh hưởng tập quán sản xuất nhỏ lẻ, chưa sẵn sàng vươn ra “biển lớn”. Năm 2016, huyện quy hoạch vùng canh tác cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả ở khu vực hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải), tuy nhiên công tác chuyển đổi thiếu bền vững, khi trời có mưa nông dân vẫn tự phát trồng lúa trở lại. Đến năm 2017, với việc thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện thu hút được Công ty Cổ phần đường Biên hòa - Phan Rang đầu tư trồng 4,6 ha mía ở khu vực chuyển đổi cây trồng cạn hồ Thành Sơn, mở ra triển vọng mới trong khai thác tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với cây mía, cây măng tây xanh cũng đã “bám rễ” trên đất Ninh Hải, quy mô diện tích ngày càng mở rộng, từ 5 ha vào năm 2016 đến nay tăng lên 28 ha.

Lộ trình từ nay đến năm 2020, Ninh Hải tập trung đầu tư vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản chất lượng cao ở xã Nhơn Hải, vùng sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao ở xã Xuân Hải, Vĩnh Hải… để hướng tới mục tiêu hình thành nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Huyện đề ra giải pháp thực hiện là tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tích cực hưởng ứng chương trình chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng, vật nuôi. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp làm tốt vai trò trung gian liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất hàng hóa. Tiếp tục phối hợp, triển khai có hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp thông qua triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá mới cho sự phát triển; thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.