Người dân tham gia cảnh giới, thêm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

(NTO) Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trên suốt tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh ta, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Thuận Hải đề ra giải pháp phối hợp với người dân địa phương làm cảnh giới tại các điểm đường ngang giao cắt với đường sắt có nguy cơ TNGT cao.

Với giải pháp này, công tác bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Tại các “điểm nóng”, từ khi có người dân địa phương làm cảnh giới, không xảy ra TNGT đường sắt, ý thức tham gia giao thông của người dân địa phương dần đi vào nền nếp.

Người dân thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná (Thuận Nam) làm cảnh giới tại km 1433+637.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 10 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm 4 người chết, tăng gấp 2 lần số vụ xảy ra trong cả năm 2016. Phần lớn các vụ TNGT đều xảy ra tại các vị trí đường ngang hợp pháp và các lối đi dân sinh đường sắt, không người canh gác. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện giao thông còn kém, chủ quan, không tuân thủ các quy định pháp luật khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông qua đường ngang, lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt.

Trước thực trạng trên, nhằm giảm đến mức thấp nhất về TNGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp Công ty Cổ phần Đường sắt Thuận Hải tổ chức ký kết hợp đồng, đưa người địa phương vào làm nhiệm vụ cảnh giới tại các đường ngang giao nhau với đường sắt có nguy cơ xảy ra TNGT cao. Ông Trần Văn Dũng, Phó phòng Kỹ thuật-An toàn (Công ty Cổ phần Đường sắt Thuận Hải), cho biết: Từ tháng 6-2017, công ty đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh hợp đồng bố trí người địa phương tham gia làm cảnh giới giao thông tại 3 vị trí “điểm nóng” đường ngang: xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc (km 1387+018); xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (km 1400+775); xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (km 1433+637). Đồng thời, công ty cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về giao thông đường sắt; cung cấp, hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị cho người địa phương khi làm nhiệm vụ gác cảnh giới. Theo đó, người được hợp đồng làm cảnh giới giao thông tại 3 vị trí, bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều và được Công ty Cổ phần Đường sắt Thuận Hải hỗ trợ điện thoại di dộng để được cung cấp thông tin về giờ tàu chạy ra-vào, từ đó biết thời gian tàu đến để cảnh báo ATGT cho người dân.

Ông Huỳnh Ngọc Đức và Trần Trọng Vinh, làm cảnh giới tại km 1433+637, thôn Lạc Sơn 3 (xã Cà Ná), cho chúng tôi biết: Trong thời gian gắn bó với chốt trực, các ông đã chứng kiến không ít lần người dân tự đặt mình vào nguy hiểm khi cố tình vượt qua barie đã đóng, bất chấp đoàn tàu chuẩn bị chạy qua. Để bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt, các ông luôn nhắc nhở, ngăn cản người dân, thậm chí xử lý nhanh những tình huống khẩn cấp phát sinh. Từ khi chúng tôi đảm nhận làm cảnh giới tại điểm này, người và xe đã ý thức hơn khi tham gia giao thông qua đoạn đường này. Còn ông Nguyễn Văn Lắm, làm cảnh giới tại km 1400+775, ở thôn An Hòa (xã Xuân Hải), cho biết: Ban đầu làm công việc này cũng rất bỡ ngỡ, bởi điểm giao cắt có nhiều xe máy cố tình vượt qua đường ngang rất nguy hiểm. Tuy nhiên, qua một thời gian làm cảnh giới, đến nay không còn tình trạng thanh niên chạy xe nhanh và đàn gia súc địa phương vượt ẩu khi có tín hiệu cảnh giới. Hầu hết người tham gia giao thông đã chấp hành hiệu lệnh dừng chờ tàu hỏa đi qua để đảm bảo an toàn.

Trao đổi với người dân sinh sống xung quanh khu vực cảnh giới, ông Nguyễn Văn Lộc, thôn An Hòa (xã Xuân Hải) chia sẻ: Từ khi có người dân tham gia cảnh giới, nhất là vào mùa mưa, tại các điểm trực luôn thấy có người địa phương làm cảnh giới, nên mọi người rất an tâm khi đi qua đường sắt.

Ông Trần Văn Dũng cho biết thêm: Tính từ thời điểm bố trí người cảnh giới đến nay, không có vụ TNGT nào xảy ra tại các “điểm nóng” đường ngang nói trên. Bên cạnh việc bố trí người cảnh giới tại các “điểm nóng”, Ban ATGT tỉnh và ngành Đường sắt cũng tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân sinh sống ven đường sắt tự giác nâng cao ý thức tham gia giao thông khi đi qua đường sắt, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường sắt.