Siết chặt quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp

(NTO) Mặc dù các cấp, các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tuy nhiên, việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cải thiện môi trường làm việc tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nguy cơ cao tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Ngày 26-4, tại thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải (Ninh Hải), anh N.L.N (36 tuổi), công nhân kỹ thuật đường dây thuộc Công ty Điện lực Ninh Thuận đang tiến hành tu sửa đường dây trung thế thì bất ngờ bị trụ điện bêtông gãy đổ đè lên người, tử vong. Vụ tai nạn còn làm một công nhân khác bị thương nặng. Đây chỉ là một trong các vụ TNLĐ thương tâm xảy ra trong thời gian qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNLĐ, làm 1 người chết, 4 người bị thương. Qua điều tra, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do người lao động (NLĐ) bất cẩn, sơ ý hoặc không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong vận hành máy móc, sản xuất; do tai nạn giao thông trong thời gian làm việc, trên đường đi đến nơi làm việc hoặc ngược lại...

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)cho biết: Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân còn thờ ơ, thiếu ý thức trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật ATVSLĐ, cũng như chưa quan tâm chăm lo sức khỏe, cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ. Điển hình như trong Tháng hành động vì ATVSLĐ năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 15 doanh nghiệp về thực hiện chính sách pháp luật lao động, Luật ATVSLĐ. Kết quả, có 12 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ tại đơn vị; 10 doanh nghiệp không báo cáo định kỳ về ATLĐ-VSLĐ theo quy định; 12 doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ; 13 doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ…

Trong khi chủ doanh nhiệp thờ ơ, không quan tâm, NLĐ cũng chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ; trong quá trình lao động, sản xuất còn chủ quan, sơ ý, không tuân thủ các quy trình vận hành máy móc, bảo hộ lao động... Ngoài ra, nhiều lao động do kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn. Đây là những nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến TNLĐ, BNN.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý vừa thiếu, vừa yếu; việc áp dụng các biện pháp chế tài, xử lý các trường hợp vi phạm sau thanh tra, kiểm tra vẫn chưa quyết liệt, mạnh mẽ tạo sự chủ quan, xem thường pháp luật của nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

Như vậy, để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thường xuyên tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp cần phát huy vai trò, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ; tích cực tham mưu, phối hợp với lãnh đạo đơn vị, chủ doanh nghiệp chủ động kiểm tra, đánh giá, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật, các vật tư, máy móc, trang thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, cháy nổ tại đơn vị; đồng thời kiến nghị cải thiện môi trường làm việc, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách để hạn chế tối đa TNLĐ, BNN, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của NLĐ cũng như vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.