Bệnh viện Mắt thực hiện lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”

(NTO) Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Mắt tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện y đức, trau dồi chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân.

Bác sĩ Phạm Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện Mắt cho biết: Bệnh viện hiện có 52 cán bộ, viên chức, người lao động trong đó có 7 bác sĩ, làm việc tại 5 khoa lâm sàng, 1 khoa cận lâm sàng và 4 phòng chuyên môn. Chi bộ đơn vị luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, việc làm thường xuyên; đồng thời, chỉ đạo cho mỗi cá nhân, tập thể thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn. Do đó việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành chuẩn mực, động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phấn đấu trở thành người thầy thuốc giỏi, nhân viên mẫn cán.

Cải tiến cung cách làm việc, hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ bệnh nhân là một việc làm thiết thực, được bệnh viện quan tâm đẩy mạnh để đưa việc học tập và làm theo lời Bác đi vào nền nếp, làm thay đổi từ nhận thức cho đến hành động của mỗi cá nhân. Mỗi cán bộ, viên chức nghiêm túc thực hiện tốt 12 điều y đức, đặc biệt là khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo” và quy tắc ứng xử “Lời chào, cảm ơn, xin lỗi” khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà theo tinh thần Quyết định số 2151/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế”. Cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên còn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, gần gũi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ghi nhận phản ảnh, giải quyết những yêu cầu chính đáng hoặc giải thích những vấn đề liên quan đến công tác khám, chữa bệnh, nhờ vậy khắc phục những hạn chế, sai sót, ngày càng hoàn thiện chất lượng dịch vụ.

 
Các y, bác sĩ Bệnh viện Mắt phẫu thuật mắt cho bệnh nhân. Uyên Thu

Trong công tác chuyên môn, bệnh viện tích cực thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả khám và điều trị, hoàn thành các mục tiêu phòng chống mù lòa, chăm lo sức khỏe nhân dân. Để kịp thời phát hiện bệnh nhân mới trong cộng đồng, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về phòng chống các bệnh về mắt, bệnh viện cùng mạng lưới chăm sóc mắt các tuyến thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh lưu động tại các thôn, khu phố, trường học... Bác sĩ Phạm Văn Hải chia sẻ: Trong công tác phòng chống mù lòa, việc làm quan trọng và cũng khó khăn nhất đó là làm sao phát hiện và đưa các bệnh nhân về bệnh viện điều trị. Đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do nhận thức, kiến thức các bệnh về mắt còn hạn chế nên mỗi lần địa phương có đợt khám bệnh miễn phí, nhiều người dân mặc dù bị bệnh, thậm chí gần như mù lòa vẫn tránh tiếp xúc, không chủ động đến khám để được tư vấn. Nhiều bệnh nhân được khám, phát hiện bệnh nhưng vẫn không chịu đến bệnh viện để được điều trị. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và cái tâm của người thầy thuốc, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên vẫn luôn bám sát cơ sở, kiên nhẫn, ân cần, tận tình tư vấn, vận động, đưa từng bệnh nhân về điều trị, chăm sóc, mang lại ánh sáng, niềm vui cho nhiều người. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tổ chức khám mắt tại cộng đồng cho trên 5.200 lượt người, trong đó khám sàng lọc thủy tinh thể miễn phí cho gần 3.100 lượt người; phát hiện và đưa về đơn vị phẫu thuật cho 365 bệnh nhân đục thủy tinh thể. Ngoài bệnh nhân được khám tại cộng đồng, thời gian qua, bệnh viện còn tiếp nhận 9.786 lượt người đến khám và điều trị. Nhờ tinh thần trách nhiệm, những việc làm thiết thực đã góp phần quan trọng đẩy lùi các bệnh về mắt. Hiện tỉnh ta đã giảm tỷ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể xuống còn 0,7%; cơ bản thanh toán xong bệnh lông quặm do biến chứng mắt hột.

Không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động còn tích cực vận động các mạnh thường quân, đồng thời tự đóng góp tiền hỗ trợ hàng ngàn suất ăn miễn phí cho những bệnh nhân nghèo. Y sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nhân viên Phòng Chỉ đạo tuyến, chia sẻ: Trong những chuyến đi khám bệnh tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi hiểu được khó khăn, vất vả của nhiều bà con. Một số bệnh nhân nghèo khi được đưa về bệnh viện điều trị không có tiền, thậm chí người thân chăm sóc. Chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn ấy, tôi cũng như anh chị em trong đơn vị động viên, bảo ban nhau, tùy vào điều kiện của mỗi người, góp tiền và tích cực vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo, giúp họ giảm đi phần nào băn khoăn, lo lắng để an tâm điều trị.

Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, gắn với các phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phòng chống mù lòa mà tỉnh đã đề ra; phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể xuống còn 0,5%, kiểm soát được các bệnh gây mù có thể phòng tránh được; đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tạo được sự tin tưởng, quý mến của người dân, làm theo lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”.