Tháng “áp Tết” giá cả tiêu dùng tăng nhưng không…nóng!

Theo dự báo, tháng 2-2011 giá cả tiêu dùng có khả năng tiếp tục tăng do nhu cầu mua sắm tăng cao trong những ngày tết.

Tháng 1-2011 cũng là tháng giáp tết Nguyên đán Tân Mão nhưng không như nhiều người tiêu dung trong tỉnh đã quá lo lắng về “đợt” tăng giá mới do sức mua sẽ tăng cao trong dịp Tết mà điều đáng mừng là tuy giá cả có tăng nhưng chưa đến mức “quá nóng” như ở tháng cuối năm 2010. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 tăng 1,06% nhưng vẫn thấp hơn 1,32% so với tháng 12 năm 2010 và nếu so với chỉ số tăng bình quân của cả nước 1,74% thì vẫn còn thấp 0,68%.. Trong đó chỉ số nhóm hàng hóa tăng 1,14% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 1,56%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,65%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,87%. Điều cũng đáng nói là trong khi khu vực thành thị chỉ tăng 1,02% thì khu vực nông thôn tăng đến 1,10%. So với các năm trước CPI tháng 1 năm nay có tốc độ tăng tương đối theo quy luật ở những tháng đầu năm (tháng 1-2007 tăng 1,07%; tháng 1-2008 tăng 2,06%, tháng 1-2009 tăng 0,64%; tháng 1-2010 tăng 1,03%) .

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, so với tháng 12-2010, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%. Mức tăng của tháng này thấp hơn ở những tháng cuối năm 2010 do giá gạo tẻ khá ổn định, giá các loại rau giảm do vào mùa vụ thu hoạch. Tuy nhiên do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán nên giá gạo nếp, lương thực chế biến, giá thịt gia súc, gia cầm… đều tăng. Do giá các loại thịt tăng nên đã đẩy giá thịt chế biến như giò lụa, chả quế, lạp xưởng … cũng tăng lên (tăng 2,75%). Các mặt hàng dầu ăn, bánh kẹo, chè, cà phê, ca cao tăng mạnh từ 2% đến 7%. Các loại sữa đặc biệt là sữa của hãng vinamilk tăng khoảng 10%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,44% chủ yếu là đồ uống ngoài gia đình tăng.

Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,85%, đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, chủ yếu là do đồ uống không cồn tăng 5,48%, thuốc lá tăng 5,01%.Chỉ số nhóm mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,37% (chủ yếu là giày dép và dịch vụ may mặc tăng); chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,28% (nhóm này tăng do các mặt hàng thép và dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng, giá gas tăng); chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,84%; chỉ số nhóm giao thông, bưu chính viễn thông tăng 0,18% chủ yếu là do vé tàu hỏa tăng, giá dầu diezen tăng 190đ/lít; chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,54%; chỉ số nhóm giáo dục tăng 0,02%; chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông vẫn giữ ở mức ổn định.

Giá vàng tháng 1-2011 so với tháng 12/2010 giảm 0,17% và nếu so với tháng 1-2010 đã tăng đến 33,71%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1-2011 giảm 0,97% so với tháng 12-2010, và tăng 8,43% so với tháng cùng kỳ năm 2010.

Qua tình hình trên cho thấy, giá mặt hàng lương thực-thực phẩm có xu hướng tăng và tiếp tục tăng cao trong những ngày giáp tết. Một số thiết bị và vật dụng phục nhu cầu trong gia đình có xu hướng giảm do các cơ sở kinh doanh sử dụng phương thức giảm giá, khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng. Trong khi đa số những mặt hàng khác bình ổn do hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng về số lượng và chủng loại…

Theo dự báo, tháng 2-2011 giá cả tiêu dùng có khả năng tiếp tục tăng do nhu cầu mua sắm tăng cao trong những ngày tết. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý tốt thị trường, kiểm soát kiềm chế giá cả …Mặt khác, người tiêu dùng cần cân nhắc, tính toán hợp lý trong chi tiêu, tránh tình trạng “quá tay” theo kiểu “giàu ba ngày tết, khó ba ngày mùa”.