Rất muốn sao lại nói không

(NTO) Dịp giỗ tổ Vua Hùng, may mắn tôi gặp lại vị giáo sư dạy mình. Vẫn cái chất hài pha chút trào phúng thầy hỏi: Cậu “thiếu sót” (thầy gọi tiến sĩ như vậy) thấy người đẹp có thích ngắm nhìn không? Dạ, thầy sao em vậy. Thế có muốn làm ông này, ông nọ không? Dạ, thầy biểu số em không làm lãnh đạo mà... và một loạt câu hỏi mà đã là người phàm có lẽ không ai không muốn. Rồi thầy nói khẽ như để chỉ mình nghe, ở đời kể cũng lạ, ai cũng muốn nhưng trước người khác lại tỏ ra ta không cần.

1. Chuyện ứng cử viên hiệu trưởng

Nghe thầy nói, tôi nhớ đến chuyện ở một trường trung học phổ thông (THPT) quê mình. Chẳng là, thầy Hiệu trưởng của trường đến tuổi nghỉ hưu, người kế cận theo quy hoạch là Hiệu phó lại đột nhiên ngã bệnh phải nhập viện do bệnh tim. Sau khi xuất viện, thầy Hiệu phó đề đạt nguyện vọng với cấp trên xin chuyển làm giáo viên vì lý do sức khỏe. Thế là có dịp để các ứng cử viên đua vào vị trí hiệu trưởng. Dư luận trong ngành cho rằng, là trường điểm của tỉnh hiệu trưởng sắp tới xem ra chỉ có trưởng phòng THPT của sở là phù hợp. Khổ nỗi, trưởng phòng còn gần 5 năm nữa nghỉ hưu, thôi thì phó phòng cũng được chứ sao. Được thăm dò ý kiến ứng cử viên hiệu trưởng, phó phòng THPT phân bua rằng, nếu được cho em làm hiệu phó giúp bác trưởng phòng là phù hợp nhất. Nói vậy, bởi anh ta biết khả năng mình làm hiệu trưởng sẽ rất cao bởi trưởng phòng đã chia sẻ: Mình làm công tác quản lý nhà nước quen rồi, nay tuổi đã lớn chuyển sang làm lãnh đạo quản lý trường THPT điểm, thời gian ngắn khó đảm đương nổi. Chị Chánh văn phòng sở cũng là ứng cử viên sáng giá cho chức danh hiệu trưởng thì đề nghị xin làm hiệu phó. Chị nghĩ rằng mình cần khiêm tốn, tỉnh đang có chủ trương tăng cường cán bộ lãnh đạo trẻ là nữ, vậy nên vị trí hiệu trưởng chắc trong tầm tay. Ngoài hai ứng cử viên tiềm năng còn một số ứng cử viên khác, bề ngoài họ tỏ vẻ dửng dưng nhưng lại đang tìm mọi cách “đua” để mình là hiệu trưởng.

2. Rất muốn sao lại nói không

Nghe chuyện ứng cử viên hiệu trưởng, mấy bác “Lý” (lý sự) có dịp chứng minh cái việc, trong bụng thì rất muốn nhưng miệng thì nói không. Đấy các vị xem, thời bao cấp mình có giấy mời ghế hàng đầu tiên xem đoàn ba lê Nga biểu diễn, chuyển cho ông cụ. Ai dè, coi về ổng biểu anh cho tôi xem cái váy xòe còn ra thể thống gì nữa!? Lần sau có đoàn ba lê Bạch dương biểu diễn, cụ bảo nghe nói đoàn này diễn hay lắm. Biết ý, mình mua cho cụ vé hàng giữa rạp, vừa rẻ lại khỏi sợ cụ phê. Lần này thì cụ nói như hờn dỗi, anh thừa biết mắt tôi yếu, vậy mà cho tôi vị trí ngồi xem hư hư, thực thực. Nghe chuyện bà xã mình chì chiết, cho ba đi xem nghệ thuật mà cứ như bịt mắt cụ lại. May mắn, tháng sau nhân dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười, đoàn ba lê của ta tổ chức biểu diễn vở Hồ thiên nga, nhờ chỗ quen biết mình xin được giấy mời ghế tùy chọn. Đưa cụ đến sớm để tự chọn vị trí ngồi, ai dè ổng chọn ghế hàng đầu, ngồi chính giữa. Hôm sau cụ bảo, ba lê mình diễn hay hơn nước ngoài. Nghe lạ, tôi nói ba lê mình chỉ là học trò của nước bạn, xem ba lê quan trọng là chọn vị trí ngồi đúng mới cảm nhận đầy đủ sự hoành tráng, cái đẹp, chất lãng mạn cổ điển của vở diễn. Cụ bảo, anh có học nói chí phải, lần sau có đoàn ba lê nào diễn anh cho tôi ghế như vừa rồi ấy. Chuyện mấy bác Lý kể đúng, sai thế nào khoan bàn. Việc các cụ phàn nàn chẳng qua do thời thế, còn thích ngồi gần sân khấu để thưởng thức cái đẹp của nghệ thuật múa ba lê cũng là lẽ đương nhiên.

Ai cũng muốn nhưng bề ngoài thì tỏ vẻ khác. Có người cho rằng đó là nghệ thuật biểu lộ. Tôi a lô hỏi thầy mình thì ổng biểu, lòng vả cũng như lòng sung, mọi sự ngụy biện đều là dấu hiệu của kẻ cơ hội và nguy hiểm nhất là họ vô tư nói một đằng làm một nẻo, cứ hư hư thực thực.