Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017: Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu

(NTO) Năm 2017-Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5, với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Nhân dịp này, Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế về các hoạt động trong tháng ATTP.

Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc
Phó Giám đốc Sở Y tế

Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá chung về tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc: Trước tình trạng báo động mất ATTP, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan, nhất là 3 ngành chức năng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh thông tin, truyên truyền, thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý…Qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; cũng như nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm quy định ATTP. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy nhiều cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận kiến thức ATTP, Giấy khám sức khỏe cho người lao động. Một số cơ sở sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chế biến thực phẩm; sử dụng chất phụ gia vượt ngưỡng cho phép. Đối với các loại thực phẩm rau, củ, quả vẫn còn tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công tác quản lý thức ăn đường phố ở tuyến xã, phường chưa đạt hiệu quả như mong muốn… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 73 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 1.961 cơ sở, phát hiện 298 cơ sở vi phạm, xử phạt 14 cơ sở với số tiền 26.650.000 triệu đồng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, qua đó đã tiến hành xử phạt, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Phóng viên: Tháng hành động vì ATTP năm nay tập trung vào những hoạt động gì?

Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc: Với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, mục tiêu của Tháng hành động vì ATTP năm nay là nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP đối với các thực phẩm tươi sống, kiểm soát và phòng ngừa ngộ độc rượu. Vì vậy, trong Tháng hành động, ngoài tổ chức Lễ phát động từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, các địa phương cùng các ngành chức năng sẽ triển khai các đợt chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP. Đối tượng ưu tiên tuyên truyền là các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế/giết mổ, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu rau, thịt, thủy sản tươi sống; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu; cơ sở nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể - nơi thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm tươi sống với số lượng lớn và người tiêu dùng thực phẩm… Nội dung truyền thông là tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rượu, rau, thịt, thủy sản an toàn. Nói ‘không” với sử dụng tạp chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia và các điều kiện bảo đảm ATTP trong sơ chế, chế biến rau, thịt, thủy sản tươi sống… nhằm phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, các bệnh lây nhiễm qua đường thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc rượu.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện hiện các quy định pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến rau, thịt, thủy sản tươi sống trên địa bàn toàn tỉnh; nhất là các cơ sở xếp loại C- chưa đủ các điều kiện hoạt động. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; công khai các hành vi vi phạm trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm; cảnh báo kịp thời cho cộng đồng; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, kiến thức trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sử dụng thực phẩm rau, thịt, thủy sản tươi sống, rượu cho các cơ sở cũng như người tiêu dùng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!