CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Hiểm họa đuối nước ở trẻ em!

(NTO) Mới đây, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra cái chết thương tâm của 2 học sinh cùng học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nhị Hà (xã Nhị Hà, Thuận Nam) do tai nạn đuối nước, đã gióng lên hồi chuông báo động về mối hiểm họa đuối nước luôn rình rập trẻ em nói chung.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng chủ yếu vẫn là do sự chủ quan, lơ là của các bậc cha mẹ trong việc nhắc nhở con cái không được tắm sông, suối, hoặc vui đùa, bắt cá tại các vũng, ao nước đọng; thậm chí có gia đình còn khuyến khích con em mỗi khi mang cá bắt được về nhà thay vì nghiêm cấm!. Có những trường hợp trẻ em còn sử dụng lưới, kéo điện để chích cá tại các mương nước thủy lợi mà không nghĩ rằng chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể thiệt mạng do điện giật…Thực tế cũng đã xảy ra chết người, kể cả người lớn.

Các bậc phụ huynh quan tâm cho con em tập bơi, phòng tránh đuối nước. Ảnh: Sơn Ngọc

Đối với nhà trường, nhất là những vùng nông thôn lại thiếu lưu ý nhắc nhở học sinh không được tắm sông, suối, ao, hồ... thường là có nhiều do đặc thù sản xuất nông nghiệp của nông thôn vốn là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Điều cũng đáng nói là phần lớn đầm nước, hồ ao đều không có rào chắn, trong khi trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích nghịch nước…, Mặt khác, những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp của người lớn kịp thời…

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế thực trạng nêu trên?. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, có đến 84% trẻ bị đuối nước do không biết bơi lại thường chơi đùa gần khu vực ao, hồ, sông... thiếu rào chắn an toàn, do vậy, để phòng đuối nước cho trẻ em, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ em biết bơi. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi này chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, phổ biến ở một số nơi có điều kiện trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, còn ở những vùng có “nguy cơ cao” như nông thôn thì hầu như trẻ em “tự bơi”, nên khi gặp những tình huống bất ngờ, nguy hiểm trẻ em thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tử vong. Cũng có ý kiến cho rằng, chương trình trong nhà trường chưa triển khai rộng môn dạy bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học vốn có nguy cơ đuối nước rất cao. Vì vậy, cần đưa môn thể thao này vào chương trình học kỹ năng căn bản cho trẻ em ở các trường là việc rất cần thiết. Việc làm này không những rèn luyện cho trẻ khả năng nhận biết nguy hiểm và ứng phó nguy cơ đuối nước mà còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em. Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, còn rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, suối, biển… mà không có người lớn đi cùng trông nom. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh tự ý đi tắm sông, ao hồ…hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn...

Mùa hè đang đến gần, để hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn thương tâm từ đuối nước, mong rằng hơn ai hết chính các bậc cha mẹ cần thực sự quan tâm bảo vệ con em trước “sức hút” của “hà bá”, quan trọng nhất là phải tập cho trẻ em biết bơi, có như vậy mới tránh được những tai nạn không mong muốn xảy ra.