Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Phan Hữu Đức
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh

(NTO) Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhờ sức mạnh đại đoàn kết, nhân dân ta đã đánh bại những kẻ thù xâm lược tàn bạo và lập nên những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta, Người thấy rõ sức mạnh đoàn kết của toàn dân phải bắt đầu từ dân, có dân thì có tất cả. Kể từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta được phát huy ngày càng cao hơn bởi có sự kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống quý báu của dân tộc và sự định hướng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, sự ra đời và không ngừng phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-tổ chức nòng cốt phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là kết quả mà Bác Hồ và Đảng ta đã tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển. Thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 87 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ, tạo thành sức mạnh vĩ đại. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và  xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận đã vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được phát huy, nhất là trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc chủ trì tiến hành. Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bằng các phương thức tập hợp Nhân dân và các tổ chức thành viên, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 cuộc vận động lớn, đó là: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa.

 
Các đồng chí: Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh
tặng hoa cho các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tại lễ phát động (năm 2016).

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, đổi mới để phát triển phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ, nhất là để phù hợp với các nội dung, yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự phát triển của các đô thị, đồng thời kế thừa các thành quả và kinh nghiệm triển khai 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã điều chỉnh nội dung và thống nhất phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên đã tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động tới tận thôn, khu phố và các hộ gia đình; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, gắn kết đồng bào các dân tộc xích lại gần nhau, đoàn kết, giúp nhau trong mọi lĩnh vực; tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với nhiều nội dung, hình thức phong phú ở hầu khắp các khu dân cư trong toàn tỉnh. Từ đó, truyền thống yêu nước, sức mạnh và khả năng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân được khơi dậy, phát huy cao độ; đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Kết quả là khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Ninh Thuận tiếp tục được củng cố và tăng cường, các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh luôn một lòng theo Đảng, đồng thuận chung sức, chung lòng vì quê hương, đất nước. Qua đó, đã góp phần thiết thực trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt; đồng thời đóng góp thiết thực vào thành tựu chung trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… của tỉnh nhà.

Qua 25 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn đạt ở mức cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo, y tế, an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, tạo sự thống nhất về chính trị và đồng thuận trong Nhân dân.

Có thể khẳng định, 25 năm tái lập tỉnh là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên thử thách, khó khăn của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, những thành tựu phát triển mọi mặt của tỉnh Ninh Thuận là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong chặng đường tiếp theo. Chặng đường xây dựng, phát triển Ninh Thuận theo hướng bền vững vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở phía trước đang mở ra cho Ninh Thuận nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển, nhưng cũng đan xen không ít những khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và phát huy những thành quả đã đạt được, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới; tập trung phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Hai là, động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp khả năng, trí tuệ, sự sáng tạo tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng Ninh Thuận ngày càng phồn vinh.

Ba là, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp theo hướng sát dân, hướng về cơ sở, đáp ứng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, sự đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.