Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tình hình mới

Đồng chí Trần Minh Lực
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

(NTO) Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận được thành lập lại vào ngày 1-4-1992 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Thuận Hải. Số đại biểu HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa V, nhiệm kỳ 1989-1992 được phân bổ từ HĐND tỉnh Thuận Hải là 16 đại biểu (chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh để hoạt động theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1989 quy định là 45 đại biểu). Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, cùng với đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức bầu cử bổ sung 19 đại biểu HĐND tỉnh để thành lập HĐND tỉnh khóa V, nhằm tổ chức và hoạt động đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, đánh dấu chặng đường quan trọng trong quá trình phát triển của HĐND tỉnh, góp phần đảm bảo quyết định những vấn đề kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp chính quyền; quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phát huy quyền dân chủ, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh Ninh Thuận trong 25 năm qua.

HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh các khóa V, VI, VII, VIII, IX và X luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, tiếp tục đổi mới toàn diện cả về tổ chức, từng bước được kiện toàn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, đảm bảo cơ cấu, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. HĐND tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 1989-1992) khi thành lập tỉnh có 16 đại biểu, đến nay HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2016-2021) số đại biểu là 50, đảm bảo tỷ lệ cơ cấu, thành phần: đại biểu nữ 28%, dân tộc thiểu số 14%, trẻ tuổi 6%, ngoài đảng 4%, tôn giáo 10%; Thường trực HĐND tỉnh bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Trong đó, các chức danh Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban, Chánh Văn phòng, Phó trưởng các Ban HĐND khóa X (nhiệm kỳ 2016-2021) đã được bố trí là các đại biểu hoạt động chuyên trách, hiện có 9 đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách; Ủy viên các Ban HĐND tỉnh là đại biểu hoạt động không chuyên trách được bố trí các đồng chí tỉnh ủy viên, lãnh đạo các Ban đảng Tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy đã nâng cao số lượng, chất lượng tổ chức của HĐND tỉnh lên một bước quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh hiện nay và thời gian đến. Cùng với việc kiện toàn tổ chức gắn với đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, vị trí, vai trò của HĐND tỉnh được nâng lên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Trong những thành tựu đạt được 25 năm qua của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của HĐND các cấp, thể hiện qua việc ban hành các nghị quyết của HĐND để quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Qua đó, riêng HĐND tỉnh đã nghiên cứu sâu sát, thẩm tra, thảo luận và quyết định ban hành 545 nghị quyết chuyên đề (trong đó, giai đoạn từ ngày 1-4-1992 đến tháng 3-1994 là 35 nghị quyết; nhiệm kỳ 1994-1999 là 36 nghị quyết; nhiệm kỳ 1999-2004 là 38 nghị quyết; nhiệm kỳ 2004-2011 là 216 nghị quyết và nhiệm kỳ 2011-2016 là 160 nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay 60 nghị quyết).

Nghị quyết chuyên đề do HĐND tỉnh ban hành là những lĩnh vực cần thiết, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời để giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng mà đa số cử tri và Nhân dân quan tâm, đề xuất, kiến nghị. Đa số nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh ban hành đều phát huy hiệu quả, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ nhất, về lĩnh vực phát triển kinh tế: HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế–xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2016-2020; Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013-2020; Nghị quyết Phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020; Nghị quyết Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tỉnh Ninh thuận, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết phê duyệt Đề án về chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; Nghị quyết phát triển kinh tế–xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020. Đây là định hướng để các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

HĐND tỉnh chú trọng ban hành các nghị quyết về phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn như một số Nghị quyết về việc ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận; Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011–2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trong những năm 1992-1994, tỉnh Ninh Thuận với điểm xuất phát thấp, kết cấu cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật vừa thiếu, cũ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông, công nghiêp-tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng nhu cầu 10% chi. Sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh Ninh Thuận đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ kinh tế qua từng giai đoạn luôn đạt ở mức cao, đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14,2%; thu ngân sách tăng khá, nhiệm kỳ 2016-2020 khả năng thu ngân sách đáp ứng 50% chi là tiền đề để Ninh Thuận hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà...

Thứ hai, về lĩnh vực văn hóa-xã hội: HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề tập trung trong việc phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nghề nông thôn, về bảo vệ môi trường... Trong lĩnh vực giáo dục chủ yếu là các nghị quyết về chính sách động viên khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng dạy và học. Nổi bật như các Nghị quyết về phê duyệt Đề án phát triển giáo dục–đào tạo các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Ninh Thuận; Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ quản lý học sinh bán trú trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh...

Trong lĩnh vực y tế chủ yếu là các chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo trình độ sau đại học, các chuyên khoa, kỹ thuật mới... nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu sử dụng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó có thể kể đến một số Nghị quyết như: Nghị quyết về quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011–2020; Nghị quyết về việc thông qua Đề án sử dụng nhân viên y tế thôn kiêm nhiệm cô đỡ thôn bản đối với các thôn thuộc xã miền núi, vùng khó khăn của tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết về Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; về Đề án đào tạo bác sỹ theo địa chỉ.

Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, đã ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thúc đẩy việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường cũng được quan tâm thực hiện như: Nghị quyết về thông qua Đề án đào tạo cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Nghị quyết thông qua Đề án hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cận nghèo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012–2015; Nghị quyết về phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp”; Nghị quyết về việc phê chuẩn Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020; các chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất, xuất khẩu lao động nước ngoài…

Trong những năm đầu thành lập, từ một tỉnh có nền giáo dục-đào tạo, y tế, xã hội ở mức thấp, tụt hậu so với các địa phương trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% dân số, đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh là 12,54%. Giai đoạn 1992-2016, toàn tỉnh tạo được 12.000 việc làm mới cho người lao động. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm, qua đó số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,2% năm 1995 lên 52% năm 2016.

Thời điểm mới tái lập tỉnh, đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu, cơ sở vật chất trường lớp còn nghèo nàn, lạc hậu. Đến nay, hệ thống giáo dục của tỉnh từng bước được hoàn chỉnh; quy mô giáo dục được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, mạng lưới giáo dục phát triển đến các thôn, xã có trường mầm non, trường Tiểu học và THCS, 100% các huyện, thành phố có trường THPT. Chất lượng các ngành học, bậc học từng bước được nâng lên; số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, số học sinh hoàn thành các bậc học và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng qua các năm. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 34,5% (113/327) trường đạt chuẩn quốc gia. 

Hệ thống y tế được củng cố và phát triển, đến năm 2016 đạt 7,7 bác sĩ/vạn dân (năm 1992 là 1,94 bác sỹ/vạn dân); 100% thôn có nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản hoạt động; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 61,5% trạm y tế có bác sĩ; tính đến năm 2016, 72,3% xã, phường được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng chỉ còn 17%, giảm 35,3% so với năm 1992.

Thứ ba, lĩnh vực quốc phòng-an ninh, tổ chức xây dựng chính quyền: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng công an xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2014-2020; Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về việc lập quỹ quốc phòng và an ninh tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là chính sách hỗ trợ việc xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng và an ninh tại địa phương.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chức danh, số lượng và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này được ban hành đã khuyến khích, động viên những người làm công tác ở cơ sở tích cực hoạt động tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Theo đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức hội trong hỗ trợ sản xuất, cải thiện đời sống Nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục thế hệ trẻ tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh.

Trong 25 năm qua, hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, chất lượng được nâng lên. Các nghị quyết của HĐND đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi vào thực tiễn cuộc sống. Chất lượng các kỳ họp HĐND các cấp từng bước được nâng lên. Công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND ngày càng được chú trọng; công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy, các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND được quan tâm thực hiện. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của HĐND ngày càng được tăng cường. HĐND các cấp từng bước phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao...

Kế thừa và phát huy có hiệu quả những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được của các khóa HĐND trước đây; tiếp tục đổi mới. Thường trực HĐND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2016-2021”, đồng thời tham mưu cho Đảng Đoàn HĐND tỉnh trình Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 30-12-2016 “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của HĐDN các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”. Đây là cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, bảo đảm HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần cùng chính quyền địa phương quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận trong tình hình mới.

Thường trực HĐND tỉnh xác định nhiệm vụ trong thời gian đến:

Thứ nhất: Nâng chất lượng công tác giám sát, khảo sát, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ.

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc nâng chất lượng công tác giám sát, khảo sát của HĐND các cấp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lắp. Chú trọng đi vào chiều sâu, lựa chọn những vấn đề bức xúc, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để thực hiện giám sát.

- Nghiên cứu đổi mới về phương thức, hình thức giám sát gắn với tăng cường trách nhiệm, vai trò giám sát của từng đại biểu, Tổ đại biểu HĐND. Chỉ đạo thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, khảo sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, bảo đảm các kiến nghị đều được giải quyết theo đúng quy định.

Thứ hai: Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp.

Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đảng về tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng tổ chức các kỳ họp HĐND. Chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị trước kỳ họp, nhất là đối với các nội dung trình HĐND xem xét, quyết định; lãnh đạo tốt công tác cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm... Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của đại biểu HĐND các cấp trong quá trình tổ chức các kỳ họp, nhất là việc nghiên cứu, thảo luận, chất vấn, giải trình tại kỳ họp. Nâng chất lượng nghị quyết của HĐND các cấp, bảo đảm sát đúng, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của cấp ủy đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt các hoạt động sau kỳ họp theo luật định; bảo đảm các nghị quyết, quyết định của HĐND trong kỳ họp được triển khai ngay và sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả.

Thứ ba: Nâng chất lượng công tác chất vấn tại kỳ họp.

Đổi mới, nâng chất lượng công tác chất vấn của đại biểu HĐND các cấp tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND theo hướng tập trung đi vào chiều sâu, giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc được nhiều cử tri quan tâm. Hoạt động chất vấn phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần thẳng thắn, xây dựng; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những cam kết của các tổ chức, cá nhân về trách nhiệm đã hứa trước HĐND và cử tri.

Thứ tư: Tăng cường và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp.

Lãnh đạo việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp về việc phải thường xuyên tăng cường sâu sát cơ sở; chỉ đạo tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân theo hướng sâu sát, thiết thực, hiệu quả; quan tâm tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Chú trọng mở rộng các đối tượng cử tri được mời tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của HĐND; đồng thời, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kiến nghị giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư của công dân theo luật định.

Thứ năm: Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND các cấp theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, đảm bảo cơ cấu theo quy định, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Đổi mới, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu HĐND. Nâng cao trình độ năng lực và tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thường trực HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2016-2021) trân trọng ghi nhận, tiếp thu, kế thừa những thành tích, kết quả, kinh nghiệm của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh các nhiệm kỳ của 25 năm qua và tiếp tục cố gắng, trách nhiệm, sáng tạo đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.