Ninh Thuận - 25 năm xây dựng và phát triển

 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

(NTO) Tỉnh Ninh Thuận được tái lập từ ngày 1-4-1992 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII. Khi mới tái lập, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ, vừa thiếu, vừa yếu; kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của tỉnh. Nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị; qua 25 năm xây dựng và phát triển, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận đã kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển quê hương đạt được những kết quả to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

- Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân hàng năm 8,8%, quy mô tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 31,2 lần, từ 585,7 tỷ đồng năm 1992 lên 18.209 tỷ đồng năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, từng bước tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Giá trị GRDP bình quân đầu người năm 1995 mới chỉ đạt 1,37 triệu đồng/người, đến năm 2016 đạt 30,3 triệu đồng/người, tăng 22,1 lần. Thu ngân sách tăng khá, năm 1992 thu 33,3 tỷ đồng và năm 2016 đã tăng lên 2.088 tỷ đồng; từ tỉnh có vị trí thứ 4 các tỉnh, thành phố có mức thu nhập thấp nhất cả nước vào năm 2008 lên vị trí thứ 11 vào năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt 80,2 triệu USD, tăng 47,2 lần so với năm 1992, tăng bình quân giai đoạn 1992-2016 đạt 17,4%/năm. Các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ, 7/7 huyện đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,54%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 17%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường.

 
Một góc Tp. Phan Rang -Tháp Chàm hôm nay. Ảnh: L.V.H

Với đặc điểm là tỉnh thuần nông, ngay sau khi tái lập, tỉnh đã tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp, thủy sản làm tiền đề phát triển kinh tế và từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Qua đó lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có bước phát triển nhanh; sản lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản từng bước được nâng lên.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây trồng có năng suất, chất lượng cao, trở thành đặc sản của địa phương (nho, táo, mía, hành, tỏi), hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ chế biến (mì, mía); qua đó giá trị sản xuất/ha đất tăng từ 57 triệu đồng năm 2010 lên 105 triệu đồng năm 2016. Phát triển mạnh chăn nuôi đã gắn với quy hoạch đồng cỏ; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng từ 4.927 tấn năm 1992 lên 21.423 tấn năm 2016. Sản xuất thủy sản tiếp tục giữ được ổn định và phát triển, giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 1992-2016 tăng 10,2%/năm. So với năm 1992, tổng diện tích nuôi trồng tăng từ 422 ha lên 1.067 ha, sản lượng tăng từ 633 tấn lên 8.120 tấn. Sản lượng đánh bắt tăng từ 12.650 tấn lên 83.800 tấn. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất giống thủy sản có chất lượng cao của cả nước thực hiện có kết quả, quy mô sản xuất từ 100 triệu con tăng lên 21.954 triệu con.

Công nghiệp có bước phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt 5.580 tỷ đồng, tăng bình quân 14%/năm1. Một số dự án có quy mô công suất lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy Bia Sài Gòn, May Tiến Thuận, Dệt may Quảng Phú, Tôm đông lạnh, chế biến nhân điều, sản xuất xi măng Luks, sản xuất nước yến, mở rộng sản xuất muối công nghiệp và chế biến muối... Đã quy hoạch 4 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.830 ha, trong đó có 3 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 19 dự án, tạo việc làm ổn định trên 3.200 lao động; những năm gần đây lĩnh vực năng lượng tái tạo kêu gọi đầu tư 13 dự án điện gió/1.072 MW; khảo sát 39 dự án điện mặt trời/8.607,8 MW đang mở ra hướng đi mới cho ngành Công nghiệp của tỉnh. Các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được quan tâm khôi phục và phát triển như: gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp gắn với phát triển du lịch và giải quyết việc làm.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến
ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng giữa các ngân hàng với doanh nghiệp tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016.

Thương mại-dịch vụ phát triển khá mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ giai đoạn 1992-2016 tăng bình quân 16%/năm; năm 2016 đạt 15.731 tỷ đồng, tăng 35 lần so với năm 1992. Cơ sở hạ tầng thương mại ngày càng được hoàn thiện, toàn tỉnh hiện có 5 siêu thị, 101 chợ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Lĩnh vực tài chính-ngân hàng có bước phát triển nhanh, năm 1992 trên địa bàn tỉnh có 2 chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước, đến nay có 35 chi nhánh, phòng giao dịch và 3 quỹ tín dụng. Công tác huy động vốn năm 2016 đạt 9.050 tỷ đồng, tăng 559 lần so với năm 1992; dư nợ cho vay đạt 14,8 nghìn tỷ đồng, tăng 330 lần so với năm 1992. Hoạt động bưu chính-viễn thông từng bước được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc trong nước và quốc tế; mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, thôn trong tỉnh.

Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, các dự án trọng điểm về du lịch được triển khai; hạ tầng du lịch được đầu tư, dịch vụ du lịch được cải thiện, qua đó đã thu hút được một lượng lớn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng từ 33,55 tỷ đồng năm 1996 lên 750 tỷ đồng năm 2016.

Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư được quan tâm nhằm quảng bá, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh; đồng thời chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó thu hút 290 dự án với số vốn đăng ký 59.213 tỷ đồng, đến nay đã có 166 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn 10.108 tỷ đồng, chiếm 57,2% số dự án và 17% số vốn. Doanh nghiệp trên địa bàn đã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng, năm 1992 tỉnh có 3 doanh nghiệp, vốn đăng ký hơn 9 tỷ đồng, đến nay đã có 2.357 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 14 nghìn tỷ đồng (tăng 1.555 lần về vốn đăng ký).

 
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) tạo việc làm cho lao động địa phương.
 Ảnh: TL

Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, huy động được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng hưởng ứng tham gia và đạt được nhiều kết quả quan trọng; từ năm 2011-2015 huy động được 5.584 tỷ đồng để triển khai thực hiện, đến hết năm 2016 có 16/47 xã được công nhận đạt chuẩn (đạt 34%), dự kiến đến năm 2020 có 1 huyện và 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo, có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện.

Giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh; năm học 1992-1993, toàn tỉnh có 202 trường học, đến nay là 327 trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, lầu hóa; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn chiếm 97%. Phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì; chất lượng dạy và học ở các cấp tiếp tục được nâng lên. Đào tạo nghề cho lao động được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,2% năm 1995 lên 52% năm 2016.

Hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được quan tâm tổ chức với nhiều sự kiện nổi bật, có quy mô, có sức lan tỏa, qua đó giới thiệu, quảng bá, tạo dựng được hình ảnh của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Ninh Thuận đã được nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình không ngừng phát triển và đổi mới, là kênh thông tin bổ ích và là cầu nối tin cậy giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

 
Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Kháng (Bác Ái) khám bệnh cho bệnh nhân.

Các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; có 98% đối tượng chính sách có mức sống trung bình của người dân địa phương, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng. Có 4.976 nhà tình nghĩa được xây dựng, đề án xóa nhà tạm cho hộ nghèo với hơn 4.200 căn nhà được xây dựng, góp phần hoàn thành mục tiêu không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,54%.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới; từ năm 1992 đến nay đã triển khai hơn 285 đề tài nghiên cứu khoa học, với tổng kinh phí 113,9 tỷ đồng; trong đó đa số tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, phục vụ phát triển nông thôn, miền núi (chiếm gần 70%); đã chuyển giao nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Công tác quản lý bảo vệ môi trường được tăng cường, triển khai Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” đạt một số kết quả bước đầu; vệ sinh, môi trường đô thị, nông thôn và khu vực du lịch ven biển có chuyển biến tiến bộ; công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm được chú trọng. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình đê, kè ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu.

- Quốc phòng-an ninh luôn được củng cố và tăng cường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh luôn được chú trọng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và cuộc sống yên bình của Nhân dân.

 
Giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: DA

- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm chăm lo, coi đây là nhiệm vụ then chốt và cấp bách; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trưởng thành, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận không ngừng phát triển và lớn mạnh, đến nay có 12 đảng bộ trực thuộc, 479 tổ chức cơ sở đảng, với trên 17.200 đảng viên, tăng gần 5 lần so với năm 1992.

- Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp cùng với sự phối hợp hoạt động giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội ngày càng rõ nét và phát huy hiệu quả; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và tăng cường. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có chuyển biến tích cực và đang tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh còn có các khó khăn, hạn chế:

- Tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất còn chậm; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Chưa có sự đột phá trong công nghiệp để tạo động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ còn thiếu; làng nghề tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển. Ngành Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thu ngân sách trên địa bàn còn thấp, đa số các doanh nghiệp quy mô nhỏ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu chưa nhiều. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tuy phát triển, nhưng còn chậm, chưa đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chất lượng giáo dục miền núi vùng sâu, vùng xa còn thấp. Năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh còn hạn chế so với yêu cầu. Phong trào thực hiện nếp sống văn hóa ở một số nơi chưa tốt. Mức thụ hưởng văn hóa của người dân ở nhiều nơi còn chưa cao.

- Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn có lúc còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực, nhũng nhiễu ở một số ngành, địa phương chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức.

- Vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Công tác dự báo, nắm bắt, phản ảnh tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội có lúc chưa đầy đủ, kịp thời.

Về một số định hướng phát triển trong thời gian tới

Những năm tới dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khu vực tiếp tục được đẩy mạnh; tuy nhiên, cạnh tranh thương mại, thị trường, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn. Để kịp thời nắm bắt được thời cơ và vận hội, biến nó thành giá trị hiện thực cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm và quyết tâm cao vì mục tiêu chung “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đảng bộ; phát huy truyền thống đoàn kết; huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kinh tế biển là động lực, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân cả nước; bảo đảm quốc phòng-an ninh”.

- Tiếp tục bám sát quy hoạch tổng thể của tỉnh đã được phê duyệt, thực hiện đồng bộ các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo bước phát triển mới cho tỉnh. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực mũi nhọn như: phát triển kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo.

Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có khả năng chịu hạn gắn với ứng dụng công nghệ cao; phát triển các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Chú trọng nâng cao năng lực tàu thuyền để khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển. Tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng.

Quan tâm phát triển công nghiệp năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; chú trọng lựa chọn những nhà đầu tư lớn, có uy tín và đủ năng lực thực hiện.

Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Chú trọng nâng chất lượng đô thị đối với Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, xây dựng đô thị văn minh, xanh-sạch-đẹp.

- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trọng tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các chính sách về y tế, dân số-gia đình và trẻ em; trọng tâm là Chương trình giảm nghèo bền vững.

- Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

- Tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nâng chất lượng trên tất cả các mặt của công tác xây dựng Đảng; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ mang tính chiến lược, lâu dài, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả đạt được trong 25 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt qua những hạn chế, khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, văn minh.

(1) Theo giá 2010