Nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra

(NTO) Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh; 42 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận.

Phóng viên: Thưa đồng chí, sau 42 năm tỉnh nhà được giải phóng, đặc biệt qua 25 năm tái lập tỉnh, đến nay nhìn chung tỉnh nhà đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đồng chí cho biết những thành quả nổi bật, nhất là về kinh tế-xã hội và bài học kinh nghiệm?

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, được tách ra từ tỉnh Thuận Hải (cũ) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-1992. Trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt của một tỉnh mới tái lập, nhưng với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm duy trì ở mức cao, bình quân 25 năm qua tăng 8,8%/năm. Riêng năm 2016, là năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đạt 8,6%; rút ngắn nhanh khoảng cách về thu nhập bình quân so với cả nước, từ vị trí những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước ở những năm đầu mới tái lập tỉnh, đã tăng lên mức 50% năm 2008 và tăng lên 62,3% vào năm 2016. Nổi bật, thu ngân sách từ vài chục tỷ đồng của năm 1992, đến năm 2011 đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng và năm 2016 đạt 2.088 tỷ đồng, tăng gấp 62,7 lần so với năm 1992.

 
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng theo hướng công nghiệp và dịch vụ; tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 54,8% năm 1992 xuống 38,6% năm 2016; công nghiệp, xây dựng tăng từ 15,8% lên 20,4% và các ngành dịch vụ tăng từ 29,4% lên 41% trên tổng GRDP của tỉnh.

Các ngành, lĩnh vực phát triển triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 7,5%; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, theo chuỗi giá trị và cung cấp sản phẩm cho vùng và cả nước; quy mô sản xuất giống thủy sản được mở rộng trên 21,9 tỷ con giống/năm, tăng gấp 219 lần so với năm 1992; cơ sở hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn, năng lực tàu cá tăng nhanh, sản lượng khai thác hải sản năm 2016 đạt trên 83.800 tấn, tăng gấp 6,6 lần so với năm 1992. Lĩnh vực công nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp tăng bình quân 14%/năm, đã hình thành một số ngành Công nghiệp tỉnh có lợi thế với nhiều dự án sản xuất quy mô lớn đang được triển khai. Lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc, năm 2016 đã thu hút trên 1,7 triệu lượt khách, gấp 45,6 lần so với năm 1995, tốc độ tăng bình quân 19,9%/năm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh.

 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện đáng kể, nhiều công trình hồ chứa nước quy mô lớn đầu tư được hoàn thành, đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt; các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là cấp điện, giao thông, trường học, bệnh viện được tập trung đầu tư cơ bản. Tiềm năng và lợi thế của tỉnh được đánh giá đúng mức; hình ảnh và thương hiệu mới của tỉnh từng bước được tạo dựng, tạo ra làn sóng đầu tư mới, mở ra nhiều triển vọng mới, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đến năm 2020 nói chung, năm 2017 nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tỉnh ta cần tập trung vào những khâu đột phá nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, cùng nỗ lực, phấn đấu thực hiện có hiệu quả những giải pháp sau:

Một là, xác định các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để xây dựng các giải pháp trọng tâm, đột phá, kết hợp với chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, địa phương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo định hướng tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, phù hợp tình hình và phát huy lợi thế của địa phương, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm chất lượng, có tính khả thi cao, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp giữa các loại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

 
Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.

Hai là, tập trung chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác triệt để tiềm năng về năng lượng tái tạo; đồng thời cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là ứng dụng khoa học-công nghệ để chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng ưu tiên phát triển những cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có năng suất, chất lượng cao, trở thành đặc sản của địa phương như nho, táo, hành, tỏi, bò, dê, cừu... và hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ công nghiệp chế biến.

Ba là, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, huy động các nguồn lực các thành phần kinh tế, đặc biệt là thu hút nguồn vốn FDI có vai trò hết sức quan trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), du lịch, công nghiệp chế biến nông, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời thu hút được công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại của đội ngũ chuyên gia giỏi. Huy động các nguồn vốn NGO để đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, vùng nghèo và nâng cao dân trí của người dân.

Bốn là, tăng cường năng lực cho đào tạo nghề theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là các ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với khả năng và điều kiện của tỉnh để thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi, những doanh nhân thành đạt về làm ăn và sinh sống tại tỉnh, xây dựng môi trường sống và làm việc hấp dẫn đội ngũ chuyên gia nước ngoài.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước: Tiếp tục kiện toàn các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao tính chủ động trong tham mưu đề xuất, trách nhiệm người đứng đầu, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

 
Công ty TNHH May Tiến Thuận nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: V.M

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án về xây dựng môi trường xanh, sạch nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.

Bảy là, tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Trọng tâm là xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện và có nét đặc sắc riêng, tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo, trí tuệ con người Ninh Thuận. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.

Phóng viên: Trong niềm vui kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh; 42 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí có những chia sẻ với cán bộ, nhân dân trong tỉnh?

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Trong không khí tự hào của những ngày Tháng tư lịch sử, thay mặt UBND tỉnh, tôi thân ái gửi đến các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, người dân Ninh Thuận, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chúng ta vô cùng tự hào về những thành tựu đã đạt được qua 25 năm xây dựng và phát triển quê hương. Những thành tựu to lớn đó là nền tảng quan trọng và niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục đoàn kết, gắn bó và phấn đấu để đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa trong những năm tới.

Kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, bước vào chặng đường mới, với quyết tâm xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh; toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, phát huy tiềm năng, thế mạnh; chủ động, sáng tạo; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; tạo ra bước phát triển đột phá, thực hiện tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với tinh thần trách nhiệm, tập thể UBND tỉnh sẽ đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, hướng đến xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc trao đổi này!