Hiệu quả sau hai năm thực hiện Đề án 06

Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), với rất nhiều quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được các mục tiêu cơ bản của đề án.

Cụ thể, với nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, hiện toàn tỉnh đã cung cấp 829 DVC trực tuyến (334 dịch vụ toàn trình và 495 dịch vụ một phần). Đến nay, đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812/829 dịch vụ lên Cổng DVC quốc gia (đạt 97,95%). Tổng số TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến là 484 thủ tục (cấp tỉnh 383 thủ tục; cấp huyện 71 thủ tục; cấp xã 30 thủ tục). Để tiếp tục cung cấp danh mục TTHC tích hợp lên Cổng DVC quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kết nối các hệ thống phần mềm của các bộ về Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh (kế hoạch và đầu tư 15 thủ tục; lao động - thương binh và xã hội 2 thủ tục; tư pháp 3 thủ tục; y tế 2 thủ tục); có 899 tài khoản được đăng ký phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 70,29% (trung bình cả nước 64,25%). Việc tổ chức thực hiện 53 DVC thiết yếu, đến nay đã tiếp nhận và giải quyết 344.904/542.974 hồ sơ (đạt 63,5%); riêng 11 DVC trong công an đã tiếp nhận 271.289/378.659 hồ sơ (đạt 71,6%). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC đối với 25 DVC thiết yếu giải quyết 27.403 hồ sơ các loại.

Công an phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Đối với nhóm tiện ích xã hội, toàn tỉnh đã có 79/79 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) đạt 100%. Tính đến nay, tổng số tra cứu bằng CCCD đi khám, chữa bệnh BHYT là 1 triệu lượt, trong đó có hơn 8.000 lượt tra cứu thành công, đạt trên 80%. Cùng với đó, việc triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đã được thực hiện; qua đó đã tiếp nhận, phê duyệt 8.151 trường hợp giấy khám sức khỏe lái xe, 6.405 trường hợp giấy chứng sinh, xác nhận và trả kết quả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.494 trường hợp, phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Việc thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) trong chi trả an sinh xã hội được thí điểm tại một số địa phương, chiếm 25,63%; thanh toán viện phí KDTM đạt 10,7%; tỷ lệ thu học phí KDTM trên địa bàn tỉnh đạt 44,3% (trong đó các trường thuộc địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đạt 100%), với tổng số tiền thanh toán học phí KDTM trên 28,373 tỷ đồng. Chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu qua tài khoản cá nhân cho 28.279/37.638 trường hợp, đạt 75%. (khu vực đô thị đạt 80%, khu vực khác 60%). Cục Thuế đã đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử KDTM đối với các tổ chức, doanh nghiệp; đến nay đã có 4.996 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, đạt 99,57%. Có 50 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (đạt 100%) và 137.211 hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được phát hành. Tỷ lệ hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đã được khởi tạo trên toàn tỉnh đạt 93,9%; đến nay đã có 567.865/652.237 hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn tỉnh được cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh đạt 87,06%.

Thượng tá Nguyễn Tiến Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án 06, công an các địa phương đã thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 561.747 hồ sơ cấp CCCD và 448.639 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản ĐDĐT, hiện có 322.042 tài khoản ĐDĐT đã kích hoạt. Qua đánh giá, Ninh Thuận là một trong 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc hoàn thành sớm chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD và là một trong 24 tỉnh, thành phố hoàn thành sớm chỉ tiêu kích hoạt tài khoản ĐDĐT cho công dân. Việc chuẩn hóa dữ liệu hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư cũng được chú trọng. Nổi bật là việc đẩy mạnh số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng đã, đang cập nhật thông tin; đối chiếu làm sạch dữ liệu, cập nhật thông tin vào phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đánh giá của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ các nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Đề án 06. Quan tâm đầu tư, củng cố hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực tham gia triển khai thực hiện đề án đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Công an tỉnh đã phát huy được vai trò cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa phương, đã tập trung chỉ đạo công an cấp huyện tham mưu UBND cùng cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD, ĐDĐT và công tác làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Tập trung, chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đối với 53 DVC thuộc Đề án 06 tại 3 cấp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tất cả các DVC có phát sinh hồ sơ đều đạt trên 80% hồ sơ giải quyết thông qua DVC trực tuyến. Công tác thông tin, tuyên truyền Đề án 06 được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là doanh nghiệp, nhân dân trong triển khai thực hiện Đề án 06.