Nêu cao y đức người thầy thuốc

(NTO) Trong xã hội, mỗi một ngành nghề đều có vai trò, vị trí và đóng góp nhất định, cùng những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp riêng. Trong đó, Y tế là ngành cao quý, có sứ mệnh cao cả, luôn được xã hội tôn vinh và đề cao, song cũng đòi hỏi đạo đức và tinh thần trách nhiệm hơn bất cứ nghề nào.

Danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y…”. Có thể nói y đức là những phẩm chất tốt đẹp nhất của người làm nghề y.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng y đức. Trong 20 năm, từ 1947-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục bức thư gửi ngành Y. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, Người đặc biệt quan tâm đến y đức, đạo đức cần phải có của người thầy thuốc cách mạng, vì dân. Theo Bác, “ngành Y  tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh”. Ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị Y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết, học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành Y tế. Đặc biệt, cách đây 62 năm, trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27-2-1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu “Lương y phải như từ mẫu”, Bác cũng đã nhắc nhở nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, thầy thuốc cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Đội ngũ y bác sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho  người dân địa phương.
Ảnh: Sơn Ngọc
 

Có thể nói, tư tưởng y đức “Lương y phải như từ mẫu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm và khẩu hiệu hành động của ngành Y tế, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước nhà. Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, thực hiện đúng với tôn chỉ, mục đích nghề nghiệp, giữ gìn y đức, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Hiện nay, công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước đã và đang đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho đội ngũ những người thầy thuốc cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, đòi hỏi những người thầy thuốc phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tu dưỡng về y đức; phát huy truyền thống tốt đẹp “Lương y như từ mẫu” trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện những lời Bác dạy đối với đội ngũ những người làm công tác y tế…

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam hằng năm là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác y tế nhận thức sâu sắc và khắc sâu lời dạy ân tình, sâu sắc, thiết thực của Bác Hồ kính yêu về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và trau dồi y đức, bồi đắp lòng nhân ái, lương tâm, trách nhiệm, giữ gìn hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của những người thầy thuốc. Mỗi cán bộ y tế trên từng vị trí công tác nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành một người thầy thuốc chân chính, vừa có tài vừa có đức, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề, xứng đáng với truyền thống “Lương y như từ mẫu” và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân .