CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Tôn vinh người thầy thuốc!

(NTO) Anh bạn vong niên của tôi trước đây vốn không có nhiều “thiện cảm” với thầy thuốc bởi nhiều lý do mặc dù trong nhóm bạn bè, bạn học có nhiều người đi theo nghề này và cũng có không ít người thành danh tại các bệnh viện lớn trong và ngoài tỉnh.

Một trong những lý do không thích mà anh “nại” ra là nhiều bác sỹ thời nay làm giàu trên “nỗi đau” của người bệnh!. Cụ thể là sắm xe ô tô sang có giá bạc tỷ, nhà cao cửa rộng…rất tương phản với sự nghèo của không ít người bệnh đến khám ở các phòng khám tại gia của bác sỹ!…Anh còn “tuyên bố” thẳng thừng:- Nếu có bệnh dứt khoát không đến…bác sỹ!. Tất nhiên là nhiều người không đồng tình với suy nghĩ mang tính võ đoán, thậm chí có phần cố chấp của anh. Có người còn nói đây cũng chỉ là suy nghĩ nhất thời, hãy chờ xem!…Và cái ngày đó đã tới. Sau cơn đột quỵ “thập tử nhất sinh”, cũng may là nhờ bạn bè làm nghề y điều trị, chăm sóc tận tình nên mới qua được dù phải ngồi xe lăn. Người quen đến thăm, anh đã hết lời nói tốt thầy thuốc, bạn thân nghe qua chỉ cười ý nhị, ngại nhắc lại chuyện cũ.

Đội ngũ thầy thuốc huyện Ninh Sơn chăm sóc sức khỏe người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Sơn Ngọc

Rõ ràng không nên nhìn “hiện tượng” để rồi đánh giá “bản chất” một cách máy móc như anh bạn tôi. Trong thực tế, tại các bệnh viện, có rất nhiều thầy thuốc đã và đang làm việc hết sức mình, tận tụy vì bệnh nhân, giành giật sự sống cho từng người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó, còn có không ít y, bác sĩ không ngại gian khổ, tình nguyện đến công tác tại các trạm y tế ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… để thực hiện “thiên chức” của người thầy thuốc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngay tại tỉnh ta, rất nhiều thầy thuốc không ngừng học hỏi nâng cao y thuật để chữa bệnh cứu người. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến nay đã thực hiện được 250 kỹ thuật cao thuộc tuyến Trung ương, trong đó có nhiều kỹ thụât phức tạp đối với các bệnh như tim mạch, chấn thương sọ não… qua đó giảm đáng kể số bệnh nhân chuyển tuyến, giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại… Tuy nhiên, thực tế hiện nay đây đó vẫn còn những lời phàn nàn về ngành Y tế và người thầy thuốc. Đó là, tình trạng một bộ phận y, bác sĩ, nhân viên y tế chưa tận tâm với người bệnh; lơ là công việc, vô cảm trước nỗi khổ của người bệnh... Những biểu hiện tiêu cực đó phần nào làm giảm uy tín của ngành, làm mờ đi hình ảnh cao đẹp của những người thầy thuốc.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 hằng năm là dịp để xã hội, các tầng lớp nhân dân tôn vinh và tỏ lòng biết ơn những người làm công việc “trị bệnh cứu người”. Đây cũng là dịp để các y, bác sĩ, nhân viên y tế ghi nhớ, đánh giá việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ với ngành Y: “Lương y phải như từ mẫu” và chỉ có như vậy mới “… coi người bệnh đau đớn như chính mình đau đớn, người thầy thuốc phải đóng vai trò người mẹ thứ hai trong cuộc sống mỗi bệnh nhân, là người chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Từ đó, đã là thầy thuốc thì phải luôn xem trọng, yêu thương, luôn đặt sinh mệnh và lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh; nhất thiết không được khám bệnh, chuẩn bệnh qua loa, không lợi dụng chức trách để vòi vĩnh, gây khó dễ cho bệnh nhân…

Suy cho cùng, khám chữa bệnh là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan chặt chẽ đến sức khỏe và tính mạng con người. Do vậy, hơn bất cứ ngành nghề nào, người thầy thuốc phải là người có đạo đức và được rèn luyện về y đức bởi đó không chỉ là vấn đề nhân đạo, là lương tâm, trách nhiệm, mà còn là nhiệm vụ rất cao quý, vẻ vang mà chỉ người thầy thuốc mới vinh dự có được. Chúng ta hãy nhìn vào đó để chia sẻ, biết ơn, trân trọng; đồng thời góp ý, chấn chỉnh những biểu hiện không hay bằng cái nhìn thiện chí, cùng nhau xây dựng để ngành Y ngày càng phát triển vững mạnh.