Khơi nguồn sức mạnh đại đoàn kết góp sức xây dựng quê hương

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếp thu và phát huy truyền thống quý báu đó, trải qua 32 năm tái lập tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã không ngừng củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết, tạo nền tảng vững chắc, là sức mạnh to lớn đảm bảo sự ổn định, phát triển của tỉnh nhà.

Để làm được điều đó, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, trong muôn vàn khó khăn về tổ chức bộ máy, cán bộ, phương tiện, điều kiện làm việc... Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, xác định và tập trung triển khai đến Mặt trận cơ sở và các tổ chức thành viên thực hiện các chương trình công tác trọng tâm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong đó, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức vận động, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân. Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do địa phương phát động, từ đó góp phần vun đắp tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, tạo ra sự đồng thuận cao, sức mạnh to lớn cùng nhau gánh vác nhiệm vụ, công việc chung của địa phương.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại huyện Ninh Sơn. Ảnh: V.M

Một trong những nét nổi bật của sức mạnh khối đại đoàn kết trong thời gian qua chính là sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác từ thiện, xã hội, chăm lo cho người nghèo. Chỉ tính trong năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động, tiếp nhận trên 15 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 127 nhà đại đoàn kết. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, thông qua việc tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất đã tạo nên diện mạo NTM sáng, xanh, sạch, đẹp; phát huy nếp sống văn minh đô thị, góp phần cùng toàn tỉnh đến nay xây dựng được 2 huyện và 31 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ghi nhận thực tế tại xã NTM Quảng Sơn (Ninh Sơn), địa phương có 95% bà con theo Công giáo, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc của một vùng quê. Bởi, ngoài vốn ngân sách của địa phương, xã Quảng Sơn đã huy động trên 10,5 tỷ đồng từ người dân để xây dựng một số công trình giao thông... Dễ nhận thấy nhất là những con đường lầy lội trước đây nay đã được nhựa hóa, cứng hóa phẳng lì, sạch đẹp được xây dựng từ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ông Nguyễn Ninh, thôn Thạch Hà, cho biết: Khi địa phương phát động tham gia xây dựng NTM, trong đó có chủ trương làm đường bà con ở đây ai cũng đồng lòng tự nguyện đóng góp tiền, ngày công để cùng Nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn, nhất là thực hiện phong trào “Xây dựng hệ thống mương thoát nước đường giao thông nông thôn”, bà con sống dọc hai bên đường ở các thôn đã tự bỏ kinh phí từ 3-5 triệu đồng (tùy diện tích đất giáp mặt đường), xây mương thoát nước trước nhà của gia đình mình.

Điểm sáng trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết còn là sự đồng thuận bàn giao mặt bằng của người dân đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như: Dự án hồ chứa nước Sông Than; hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; công trình đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí; công trình đường cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh; dự án cảng biển nước sâu Cà Ná; Dự án khu du lịch, khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải và công trình khu vực bãi cát ven biển Ninh Chữ... nhất là các dự án có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất. Trong đó có dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Để dự án sớm được hoàn thành, hơn 1.500 hộ dân trong vùng dự án đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đồng thuận bàn giao mặt bằng, nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra. Ông Tô Văn Hùng, khu phố 4, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Tôi sống ở đây trên 40 năm, qua 32 năm tái lập tỉnh, diện mạo quê hương theo thời gian ngày càng đổi mới và phát triển thì rất mừng. Nên khi thực hiện chủ trương của Nhà nước, gia đình cũng đã nhanh chóng dỡ bỏ nhà ở với tổng diện tích hơn 30m2 để dự án mở rộng đường sớm được thực hiện. Đến nay tuyến đường hoàn thành, so với trước đã trở nên khang trang, hiện đại, xe cộ qua lại cũng tấp nập hơn, đường rộng mở giúp bà con có thể buôn bán, nâng cao thu nhập. Những công trình phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, những tuyến đường giao thông nông thôn thênh thang, rộng mở hôm nay là minh chứng cụ thể nhất cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Ban Liên lạc đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí cho Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh năm 2024. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Mở rộng khối đại đoàn kết, Mặt trận đã hỗ trợ thành lập 17 câu lạc bộ thân nhân kiều bào tại các địa phương, chủ động phối hợp tạo điều kiện và hỗ trợ Ban Liên lạc đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nâng cao hiệu quả hoạt động. Bằng các hình thức phù hợp, tổ chức các buổi họp mặt bà con kiều bào; các chức sắc, tôn giáo, trí thức tiêu biểu; họp mặt đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, qua đó tuyên truyền, động viên con em Ninh Thuận đang sinh sống, học tập, công tác tại các địa phương và bà con kiều bào đẩy mạnh các hoạt động hướng về quê nhà; chung tay xây dựng cộng đồng vững mạnh, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt; đồng thời quảng bá, kêu gọi đầu tư, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà.