Những giọt nước mắt trùng phùng

Chiến tranh, với những lớp thế hệ trẻ như chúng tôi hôm nay, thật sự chỉ là mảng quá khứ từ những câu chuyện kể.

“Thảo bây giờ sao rồi, còn Kha nữa?....” nữ cựu quân nhân ôm vai người đồng đội hỏi dồn trong tiếng nấc nghẹn ngào sau mấy mươi năm xa cách. Hội trường Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sáng hôm 22/12, ngập tràn niềm xúc động của những nữ quân nhân một thời vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường …

Chiến tranh, với những lớp thế hệ trẻ như chúng tôi hôm nay, thật sự chỉ là mảng quá khứ từ những câu chuyện kể. Để rồi hôm nay, giữa bao nhiêu xô bồ, bon chen của cuộc sống, có mặt trong Lễ kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 21 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân và gặp mặt nữ cựu quân nhân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, chúng tôi như được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Ngày ấy, các cô là những thiếu nữ căng đầy nhựa sống, với những ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, ấm êm bên gia đình. Nhưng mỗi ngày, nhìn quê hương lầm than, đất nước nhuốm cảnh phân ly, tự trong sâu thẳm, lòng yêu nước luôn thôi thúc các cô phải luôn sẵn sàng để… hành động.

Và rồi, cơ hội ấy đã đến… Các anh bộ đội về làng, vận động bà con ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến đem lại hòa bình cho quê hương. Cô Chamaléa Thị Cuốn (Phước Chính – Bác Ái) bồi hồi: “Ngày đó mình 20 tuổi, nghe bộ đội vận động, mình hiểu ra, cùng chị em đi tải đạn. Vui lắm, có biết sợ giặc Mỹ là gì đâu…” Trong môi trường cách mạng, các cô hăng hái tham gia đủ mọi công việc, từ tải đạn, chăm sóc thương binh đến hậu cần, giao liên,… Khắp các cánh rừng ngập tràn tiếng cười trong trẻo, tinh nghịch của các cô.

Những năm tháng cơm rừng, nước suối ấy đi đến đâu cũng nghe danh Tiểu đoàn vận tải H50, hoạt động sâu trong lòng địch. Những hòm đạn qua bao rừng, bao suối, từ các kho vũ khí trên đường Hồ chí Minh đến được tay bộ đội đã phải mất bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các cô gái…

Hôm nay, dấu vết thời gian còn hằn in trên những bàn tay, những khuôn mặt các cô. Những nụ cười hạnh phúc, những cái ôm hôn siết chặt, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi… , khán phòng ngập tràn cảm xúc khó tả. Nâng niu chiếc khăn rằn kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ đã bạc màu và sờn rách, cô Chama léa Thị Bánh (Phước Chính – Bác Ái) thuộc Tiểu đoàn H50 năm nào, nhớ lại: “ 18 tuổi mình đã đi tải đạn với chị em, vậy mà đến bây giờ mới có dịp gặp nhau. Mấy chục năm rồi còn gì…”

Móm mém nhai trầu, cụ Nguyễn Thị Kiếm (Nhơn Hải- Ninh Hải) năm nay đã ngoài 83 tuổi, tham gia hai cuộc kháng chiến, lặng lẽ nhìn những nữ cựu quân nhân, nghẹn ngào: “Đi thoát ly lúc mới 17 tuổi. Chị em đồng đội bây giờ cũng không còn ai…”

Chúng tôi, những người trẻ, đứng giữa 100 người phụ nữ đã trải qua hoặc một, hoặc cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Sự sống mà chúng tôi đang có, sự yên bình của thời khắc này được đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân của các cô, bằng những dấu chân xuyên rừng tải đạn.

Giữa thanh âm rộn ràng của cuộc sống hiện đại, những giọt nước mắt mừng tủi trong ngày vui trùng phùng của những nữ cựu quân nhân như nốt nhạc trầm ấm, ngân nga trong tiết trời se lạnh cuối đông, thể như chào đón một mùa xuân mới của đất nước đang đến…