Ngành công nghiệp vượt khó, tạo đà tăng trưởng

(NTO) Sau một thời gian khá dài tăng trưởng chậm, đến cuối năm 2016, ngành Công nghiệp (CN) nội tỉnh bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, với chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, năng lực sản xuất của ngành CN tỉnh ta vẫn còn nhiều sức bật mới.

Nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch

Xác định phát triển CN là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã “dồn sức” rất nhiều cho lĩnh vực này như: Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; động viên, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, kết thúc năm 2016, trong tổng số 23 sản phẩm chủ yếu của ngành, có tới 12 sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm 2015, gồm: Nhân hạt điều tăng 25,4%; quần áo may sẵn tăng 22,3%; bia đóng lon tăng 12,6%; thủy sản đông lạnh tăng 2,1%; gạch nung tăng 12,6%; nước uống tăng 10,1%; bột rau câu tăng 14,2%; gạch không nung tăng 13,1%; khăn bông tăng 10,6%; đường RS tăng 4,6%; điện thương phẩm tăng 7% và xi măng tăng 1%.

Công ty TNHH May Tiến Thuận nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: V.M

Theo phân tích của đơn vị chủ quản, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành CN năm 2016 vẫn là lĩnh vực chế biến, chế tạo, với54,1%. Với chỉ số giá trị sản xuất tăng 9,35%, nhóm CN này đã đóng góp tăng 5,06% vào chỉ số sản xuất chung toàn ngành. Tiếp đến là nhóm sản xuất và phân phối điện, chiếm tỷ trọng 26% vàchỉ số sản xuất tăng 3,2% so với cùng kỳ, đã đóng góp tăng vào chỉ số sản xuất chung toàn ngành 0,8%. Riêng lĩnh vực cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, tuy chỉ chiếm tỷ trọng 3,7% trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành, nhưng chỉ số sản xuất tăng đến 9,6% so với cùng kỳ và đóng góp tăng 0,36% vào chỉ số sản xuất chung. Đó là chưa kể các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực tiểu thủ CN và làng nghề đang duy trì sản xuất ổn định, góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất chung của ngành.

Từ những số liệu nêu trên cho thấy, ngành CN tỉnh ta đang dần vượt qua giai đoạn khó khăn và có chiều hướng tăng trưởng trở lại. Minh chứng cụ thể đó là kết thúc năm 2016, ngành CN đã đạt tổng giá trị sản xuất trên 5.580 tỷ đồng, tăng 4,24% so với cùng kỳ. Trong đó, CN chế biến tăng gần 7%; CN điện, khí đốt tăng 2,5% và CN cung cấp nước, xử lý nước thải tăng 8,8%. Về tình hình triển khai dự án, trong năm 2016 có 2 dự án khởi công mới là Nhà máy Điện gió Mũi Dinh và Trung Nam, 2 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động là chế biến Muối Khánh Vinh (giai đoạn 2) và Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (giai đoạn 2). Đây là những điểm sáng hứa hẹn tạo năng lực mới, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng chung của ngành trong thời gian tới.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Để tạo động lực, đưa ngành CN tiếp tục phát triển, ngày 26-10-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển CN tỉnh giai đoạn 2016–2020, với mục tiêu đến năm 2020 đưa giá trị sản xuất ngành CN chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng GRDP của tỉnh (bình quân hàng năm tăng 19-20%). Quán triệt tinh thần Nghị quyết đề ra, trong năm 2017, Sở Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, giá trị sản xuất của ngành đạt khoảng 6.473 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong đó, các sản phẩm chính như bia đóng lon đạt 100 triệu lít; tôm xuất khẩu đạt 8.200 tấn; xi măng đạt 180.000 tấn; đường RS đạt 18.000 tấn; nhân hạt điều 5.000 tấn; muối các loại 400.000 tấn; tinh bột mì 18.000 tấn; may công nghiệp 2,5 triệu sản phẩm; thuốc lá điếu 24 triệu bao; khăn bông đạt 3.800 tấn…

Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận sản xuất gạch không nung
thân thiện với môi trường. Ảnh: Văn Miên

Để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, ngành Công Thương tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương để tham mưu UBND tỉnh chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Tiếp tục theo dõi tình hình các dự án đang triển khai như: Nhà máy Dệt Quảng Phú giai đoạn 2 (dự kiến quý I-2017 đưa vào hoạt động); Nhà máy Rượu vang nho của Công ty TNHH Đồ uống Phan Rang... để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ về những chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư mới; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút, kêu gọi các dự án sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, CN hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các giải pháp trên, tỉnh còn tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án vi phạm tiến độ để kêu gọi nhà đầu tư mới, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai. Tiếp tục phối hợp tháo gỡ các khó khăn cho DN về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, vốn đầu tư…, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng các khu, cụm CN như: Khu CN Cà Ná, Phước Nam, Du Long; quan tâm đầu tư hạ tầng cụm CN Tháp Chàm, Quảng Sơn, Tri Hải, Hiếu Thiện… tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các DN đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo phát triển CN theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.