VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Tạo “đột phá” trong phát triển ngành công nghiệp tỉnh nhà!

(NTO) Nhìn lại giai đoạn 2011 – 2015, qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 7-11-2011 của Tỉnh ủy (khoá XII) về phát triển công nghiệp, có thể nói tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển trên một số mặt; hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Nhiều chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp được triển khai; một số dự án sản xuất công nghiệp mới được đầu tư đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực chế biến...Ngành Công nghiệp từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận chế biển hải sản xuất khẩu. Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, nhất là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo được sự bứt phá như mong muốn... Nguyên nhân, ngoài những yếu tố khách quan, có thể thấy về chủ quan đó là chưa phát huy hết lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có khá dồi dào từ sản phẩm của ngành nông - lâm - thủy sản tại địa phương (nho, táo, dê, cừu, cá, mực,...) để phát triển ngành Công nghiệp chế biến, làm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Một số dự án ngành Công nghiệp có quy mô lớn giai đoạn nói trên chưa được triển khai đúng dự kiến cũng là nguyên nhân chính làm hạn chế tốc độ tăng trưởng của ngành so với kế hoạch. Một nguyên nhân khác đó là khả năng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ còn yếu, quy mô cơ sở sản xuất công nghiệp đa số còn nhỏ, vốn kinh doanh có hạn… Điều này làm hạn chế khả năng sản xuất về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, hạn chế việc mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu hoặc thay đổi sản phẩm theo thị trường, do vậy sức cạnh tranh kém và thị trường khó được mở rộng...

Để đưa ngành Công nghiệp thực sự là “đầu tàu” trong nền kinh tế của tỉnh, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Phấn đấu trong giai đoạn này giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm

19-20%, đồng thời toàn ngành chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng GRDP của tỉnh... Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng những biện pháp cụ thể, theo chúng tôi tỉnh cần tạo điều kiện phát triển sản xuất những sản phẩm công nghiệp có tỷ trọng giá trị sản phẩm cao và hướng đến xuất khẩu, trong đó tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; chế biến thực phẩm, đồ uống và hóa chất gắn với nguồn nguyên liệu có lợi thế của địa phương như: chế biến thủy sản, thịt gia súc, rượu nho, muối tinh và các sản phẩm hóa chất sau muối... Đôn đốc và hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án công nghiệp trọng điểm giai đoạn 2016-2020, nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, công tác đầu tư phát triển năng lực mới rất quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành. Đặc biệt các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) sẽ tạo động lực để tăng trưởng bứt phá. Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển ngành công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư chiều sâu, mở rộng và đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; tăng giá trị hàm lượng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng tăng trưởng...

Với những mục tiêu và giải pháp sát hợp, quyết tâm cao trong thực hiện, hy vọng ngành Công nghiệp của tỉnh sẽ có bước phát triển “đột phá”, thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, đưa quy mô nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.