Đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020

(NTO) Ngày 26-10-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN) tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Để triển khai, thực hiện có kết quả các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, mục tiêu cụ thể mà ngành đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020 để đưa Nghị quyết số 06-NQ/TU sớm đi vào cuộc sống?

- Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan: Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, ngành CN tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CN là 17,92%, chiếm tỷ trọng 15,2% giá trị GRDP toàn tỉnh. Qua đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành CN tiếp tục ổn định và phát triển trên một số mặt. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, đó là: Ngành CN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có sự bứt phá; năng lực sản xuất mới tăng chậm; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm CN còn thấp. Chủ trương thu hút các doanh nghiệp (DN) mạnh vào các ngành, lĩnh vực CN có lợi thế còn hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa nhiều...

Để tạo động lực, đưa ngành CN tiếp tục phát triển, ngày 26-10-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển CN tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, ngành đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết thành mục tiêu cụ thể để triển khai thực hiện như: Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm CN, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, nhất là những dự án đầu tư quy mô lớn thuộc các lĩnh vực: Phát triển CN chế biến nông-lâm-thủy sản, CN năng lượng, CN nặng, CN vật liệu xây dựng, CN hỗ trợ, CN và tiểu thủ CN khác. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như nhân điều, tôm đông lạnh… và coi trọng việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu ngân sách. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020 giá trị sản xuất CN tăng bình quân hàng năm 19-20% và chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng GRDP của tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 150 triệu USD. Giá trị sản xuất tiểu thủ CN và làng nghề tăng bình quân hàng năm 16-18%; tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động.

Phóng viên: Như vậy, để thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung nêu trên, ngành Công Thương có giải pháp gì để tạo đột phá đưa ngành CN phát triển trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan
Giám đốc Sở Công Thương

- Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan: Với quan điểm, phát triển CN phải gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng-an ninh và tăng cường tiềm lực khoa học-công nghệ, trong giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh kiên quyết không thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mà khuyến khích hình thành và phát triển các DN có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, để tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng. Cụ thể là tập trung phát triển các ngành CN có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp...

 
Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận sản xuất gạch không nung thân thiện với môi trường.

Bám sát tinh thần chỉ đạo trên, đến nay ngoài việc đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết đẩy mạnh phát triển ngành CN tỉnh giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương còn tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động chung triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, để các sở, ngành và địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Mặt khác, Sở Công Thương đang xây dựng kế hoạch riêng của ngành để chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện. Các giải pháp chủ yếu, cụ thể mà ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là:

 
Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận chế biển hải sản xuất khẩu.

Thứ nhất, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút, kêu gọi các dự án sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, CN hỗ trợ để đầu tư vào các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm ngành CN.

Thứ hai, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm CN như: Khu CN Cà Ná, Phước Nam, Du Long; quan tâm đầu tư hạ tầng cụm CN Tháp Chàm, Quảng Sơn, Tri Hải, Hiếu Thiện…, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các DN đầu tư phát triển sản xuất.

Thứ ba, tập trung phát triển thị trường thông qua thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, để đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng mới, mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để tham gia phát triển thị trường, tạo điều kiện cho các DN xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên, vật liệu.

 
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: V.M

 Thứ tư, tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển các ngành có tỷ trọng giá trị gia tăng lớn, có lợi thế so sánh, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên, để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ngoài các giải pháp trên, ngành còn ưu tiên hỗ trợ DN trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phối hợp tháo gỡ các khó khăn cho DN về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, vốn đầu tư…, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!