Nhịp sống thượng nguồn sông

Đến xã vùng cao Phước Chiến, chúng tôi như đắm mình trong không gian xanh biếc của những vườn điều sau mùa cho trái đang đâm chồi nẩy lộc, những rẫy bắp treo lưng chừng núi đang chuẩn bị thu hoạch thoảng hương thơm ngát... Điều này cho thấy công trình hồ chứa nước Sông Trâu đã phát huy hiệu quả đầu tư, đang từng ngày làm thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào Ra glai ở phía thượng nguồn sông.

Niềm vui của già làng

Hệ thống giao thông xã Phước Chiến đầu tư xây dựng
góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Gặp lại chúng tôi, già làng Chamaléa Thơm tay bắt mặt mừng. Qua 63 mùa rẫy nhưng hàng ngày ông vẫn tích cực tham gia cùng cấp ủy và chính quyền địa phương chăm lo việc bản làng. Thời trai trẻ, tham gia đánh Mỹ trên chiến trường Bác Ái Đông. Khi đất nước độc lập, ông giữ cương vị Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch UBMTTQVN xã Phước Chiến.

Chỗ thân tình, ông bộc bạch niềm vui: “ Bản làng bây giờ đổi mới nhiều rồi, nhà báo ạ. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện- đường- trường- trạm hoàn chỉnh là điều kiện căn bản giúp nhân dân địa phương làm ăn vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt công trình hồ chứa nước Sông Trâu tạo cho xã Phước Chiến có tiểu vùng khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhờ đó mà cây trái bốn mùa xanh tốt. Cả mùa khô năm nay ở địa phương chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Có được nguồn nước dồi dào và đồng cỏ tự nhiên quanh khu vực lòng hồ, bà con chăn nuôi con bò, con dê mau lớn lắm. Qua hơn 5 năm đưa vào sử dụng, công trình thủy lợi hồ Sông Trâu đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống nông dân. Nhiều gia đình xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm phương tiện sinh hoạt, nuôi con ăn học đều nhờ vào nguồn thu nhập chăn nuôi gia súc và cây điều cho hiệu quả kinh tế cao. Sau hơn 18 năm tái lập tỉnh, xã vùng cao Phước Chiến có ba cái “mốc” quan trọng đánh dấu sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một là, tháng 12 năm 1999, điện lưới quốc gia bừng sáng khắp bản làng. Hai là, tháng 2 năm 2001, con đường từ Du Long lên Phước Chiến thông xe giúp bà con đi lại thuận lợi gần gũi với miền xuôi. Ba là, tháng 4 năm 2005, công trình hồ Sông Trâu phát huy hiệu quả tưới tạo môi trường xanh mát và nguồn nước dồi dào phát triển chăn nuôi gia súc có sừng. Toàn xã hiện có 854 hộ, với 4.146 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Ra glai. Cùng với các chính sách quan tâm chăm lo của Nhà nước kết hợp phát huy truyền thống tự lực, tự cường bà con đoàn kết giúp nhau làm ăn vươn lên xây dựng nông thôn mới ngày càng no ấm. Tính đến cuối năm 2009, toàn xã còn 38,3% số hộ nghèo theo chuẩn mới; giảm gần 15% hộ nghèo so với cuối năm 2006. Bà con bản làng biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Sông Trâu vừa phục vụ tưới cho vùng hạ lưu của huyện Thuận Bắc vừa đem lại hiệu quả xã hội to lớn cho nhân dân địa phương”. Già làng Chamaléa Thơm rút điện thoại di động nheo nheo mắt bấm phím. Ông cười hào sảng: "Mình lưu số máy của nhà báo lại. Địa phương có sự kiện gì mới là mình “a-lô” mời nhà báo lên đưa tin phổ biến cho anh em trong tỉnh biết về đời sống phát triển của bà con xã Phước Chiến mình chớ”.

Nhịp sống mới vùng cao

Đồng chí Chamaléa Quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính xã Phước Chiến đưa chúng tôi đi thăm thú hỏi chuyện làm ăn của bà con bản làng. Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước nhịp sống mới của các khu dân cư được hưởng lợi từ công trình hồ chứa nước Sông Trâu.

Đây là một trong những hệ thống thủy lợi quan trọng bậc nhất của tỉnh ta. Lòng hồ có sức chứa 31 triệu mét khối nước thuộc dự án phát triển đa mục tiêu của tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng. Công trình hoàn thành vào giữa năm 2005 bảo đảm tưới cho 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước ngọt cho 900 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho trên 50 ngàn người dân thuộc các xã Phước Chiến, Công Hải, Lợi Hải, Tân Hải, Bắc Sơn.

Xã Phước Chiến có 373 hộ ở các thôn Động Thông, Ma Trai, Đầu Suối B thuộc diện di dời nhường đất xây dựng công trình hồ Sông Trâu. Ngoài chính sách đền bù đất sản xuất, vật kiến trúc, Nhà nước còn đầu tư xây dựng cho mỗi hộ một ngôi nhà 60 m2 trị giá 30 triệu đồng trên diện tích đất thổ cư 1.000 m2.

Chỉ tay về phía cánh đồng đang gieo lúa vụ mùa, anh Pinăng Doanh, 48 tuổi ở thôn Đầu Suối B phấn khởi nói: Bà con tôi canh tác lúa nước được tưới từ Trạm bơm điện do Nhà nước đầu tư xây dựng bên bờ Sông Trâu. Cuộc sống của bà con thuộc diện tái định cư phát triển no ấm bền vững hơn nơi ở cũ. Nhà mới được xây dựng khang trang, có điện nước sinh hoạt, có trạm y tế và trường học ngay tại khu dân cư. Đường đi lối lại thôn xóm được xây dựng kiên cố, sạch đẹp. Bà con ở gần nhau thuận lợi cho việc học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt dân cư, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Ngay tại mỗi thôn đều có cơ sở dạy học cho học sinh từ mẫu giáo đến tiểu học. Các cháu đi học gần nhà, tránh cảnh vượt suối trong mùa nước lũ như những năm trước”.

Công trình thủy lợi hồ Sông Trâu góp phần quan trọng tạo động lực mới đưa đời sống nhân dân xã vùng cao Phước Chiến phát triển lên một tầm cao mới. Ngoài diện tích trồng bắp và trồng lúa nương rẫy, nông dân còn canh tác 25 ha lúa nước chủ động bơm tưới. Sản lượng lương thực hàng năm của địa phương đạt 1.550 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 367 kg, tăng 100 kg so với năm 2005. Từ năm 2006 đến nay, nông dân địa phương đã chấm dứt tình trạng thiếu ăn giáp hạt. Với số lượng đàn bò 3.349 con và đàn dê 2.624 con đưa Phước Chiến trở thành một trong những đơn vị “đầu bảng” trong nghề chăn nuôi gia súc có sừng ở các xã miền núi. Bình quân mỗi nông hộ có 4 con bò và 4,7 con dê cừu trị giá trên 30 triệu đồng. Các nông hộ Đá Mài Bán, Đá Mài Ca, Chamaléa Chiến, Chamaléa Biên nêu gương sáng đảng viên làm kinh tế giỏi cho bà con thôn xóm noi theo. Chúng tôi gặp Kỹ sư Đào Công Vụ, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thuận Bắc, lên Phước Chiến trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả cao cho nông dân địa phương.

Về Phước Chiến, chúng tôi gặp các em học sinh xinh tươi trong bộ trang phục mới nô nức đến trường bước vào năm học mới. Ngôi trường THCS Phước Chiến vừa được Nhà nước đầu tư 1,7 tỉ đồng xây dựng 6 phòng mới học hai tầng lầu bảo đảm điều kiện học tập cho trên 150 học sinh. Nhà công vụ cho giáo viên các cấp học được đầu tư 2,2 tỉ đồng xây dựng mới 16 phòng ở. Phước Chiến có trên 500 học sinh các cấp học đến trường trong năm học mới 2010- 2011.

Toàn xã có 5 thanh niên tốt nghiệp trung cấp sư phạm hệ cử tuyển trở về địa phương giảng dạy. Phước Chiến hiện có em Ka-tơ Vé đang học năm thứ ba khoa Sư phạm Tiểu học - Trường Đại học Quy Nhơn. Và em Pi-năng Hoánh học năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Đây là hai thanh niên đầu tiên của bản làng học đại học chính quy thúc đẩy phong trào học tập ở xã vùng cao Phước Chiến ngày càng khởi sắc.

Định hướng phát triển

Đồng chí Đá Mài Bán, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến bày tỏ niềm vui: "Từ các chính sách đầu tư của Nhà nước và tinh thần vượt khó làm ăn của bà con nông dân đã nâng cao toàn diện đời sống đồng bào Ra glai địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Chiến nhiệm kỳ 2011- 2015 xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của hệ thống chính trị địa phương là huy động mọi nguồn lực tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Phát huy hiệu quả tích nước cải thiện môi trường sinh thái của công trình thủy lợi hồ Sông Trâu thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Đồng thời chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao nâng mức thu nhập 1 ha canh tác lên 25-30 triệu đồng. Phát triển đàn gia súc có sừng theo hướng chăn nuôi bền vững. Phấn đấu đên năm 2015 giảm hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 25%. Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ học vấn cao trở về tham gia xây dựng địa phương giàu mạnh tiến kịp miền xuôi”.

Đây là những định hướng quan trọng tạo nên nhịp sống mới trên vùng đất anh hùng ở phía thượng nguồn Sông Trâu.