Nhóm nuôi bò sinh sản thôn Trà Giang 4, mở hướng “sinh kế” cho hộ nghèo

(NTO) Được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) là cơ hội để nhiều địa phương phát huy thế mạnh các chuỗi giá trị sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều mô hình, cách làm hay của các nhóm cùng sở thích tại những xã nằm trong vùng dự án đã phát huy hiệu quả. Tại vùng dự án xã Lương Sơn (Ninh Sơn), nhóm nuôi bò sinh sản thôn Trà Giang 4 đã tạo ra cơ hội cho những hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được thành lập vào đầu năm 2014, với hộ 10 thành viên (chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo), trong đó có 6 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua gần 2 năm triển khai, đây là một trong những nhóm sở thích chăn nuôi được Ban Phát triển xã Lương Sơn đánh giá cao về kết quả hoạt động, số lượng hộ nghèo được kết nạp hưởng lợi từ dự án đã tăng thêm 4 hộ.

Ông Nguyễn Bá Đường, Trưởng nhóm chung sở thích nuôi bò sinh sản thôn Trà Giang 4, cho biết: Ngoài quy chế hoạt động chung theo định hướng của Dự án HTTN tỉnh, thì nhóm đề ra mục tiêu chính là làm sao khi dự án kết thúc phải thu hút và tạo thêm cơ hội cho nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Bởi phần lớn bà con trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo, hộ khó khăn còn rất nhiều.

 
Chị Bùi Lý Kim Cương chăm sóc bò được hưởng lợi từ dự án.

Thực tế cho thấy, mục tiêu mà nhóm nuôi bò sinh sản Trà Giang 4 đang hướng đến là rất đúng đắn và tạo được sự đồng thuận cao từ các thành viên, cũng như người dân địa phương. Được biết, thôn Trà Giang 4 hiện có trên 40% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu làm nghề nông. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn còn gần 45% (theo chuẩn mới).

Liên quan đến kết quả mà nhóm nuôi bò thôn Trà Giang 4 đã đạt được sau gần 2 năm đi vào hoạt động, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó khoảng cuối năm 2014, nhóm được hai nguồn vốn là Quỹ CDF và Quỹ CSG hỗ trợ mua 10 con bò cái với kinh phí khoảng 210 triệu đồng. Trong đó, với nguồn vốn Quỹ CDF thì kinh phí dự án hỗ trợ hoàn toàn, các thành viên trong nhóm chỉ đối ứng 20% nhưng chủ yếu là phí để làm chuồng trại. Riêng với nguồn vốn từ Quỹ CSG thì dự án hỗ trợ 100% để hoạt động, trong vòng 3 năm nhóm chỉ phải trả lại 10% vốn đối ứng. Hiện nay, số lượng đàn bò của nhóm đã tăng lên gần 20 con so với 10 con được nhận trước đó. Trong số này, có 8 con đã tiếp tục cấn chửa và dự kiến đến cuối năm nay, số lượng đàn sẽ tiếp tục tăng.

Một điều vui mừng nhất là nhóm nuôi bò sinh sản Trà Giang 4 đã triển khai được bước luân chuyển con giống và kết nạp mới được 4 hộ nghèo trên địa bàn thôn tham gia vào dự án để cùng hưởng lợi. Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Lý Kim Cương, thành viên trong nhóm, phấn khởi: “Khi được nhóm nuôi bò sinh sản của thôn xem xét, đề xuất tham gia vào dự án, gia đình rất vui. Mặc dù thời gian nuôi để được hưởng lợi trực tiếp hơi dài, nhưng khi đến bước chuyển con giống thì gia đình cũng có vốn giữ lại để xoay sở”. Được biết, tháng 10-2015, chị Kim Cương được đề xuất nhận một con bò cái luân chuyển của nhóm về nuôi (trị giá 20 triệu đồng), gia đình chỉ bỏ ra đối ứng 5 triệu đồng. Qua gần 1 năm, chị đã bàn giao một con bê cho hộ mới và nhận lại 50% vốn đối ứng. Hiện chị đã sở hữu riêng một con bò cái từ dự án đã cấn chửa trị giá gần 25 triệu đồng.

Có thể nói, hoạt động phát triển về nuôi bò sinh sản của nhóm chung sở thích thôn Trà Giang 4 là khá hiệu quả và rất đáng ghi nhận. Số hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án đã và đang từng bước được nâng lên, mở ra hướng “sinh kế” trước mắt cho các hộ khó khăn có điều kiện vươn lên.