Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp qua triển khai Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp

(NTO) Theo Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), qua triển khai các dự án được tài trợ từ Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) và một số nội dung liên quan đến việc kết nối, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) và các tổ nhóm, đã có những tác động tích cực bước đầu đối với DN và người dân trong vùng dự án. Từ nguồn lực của dự án, các cơ sở, DN đã tăng cường và mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết được một phần nỗi lo “được mùa, rớt giá” thường xuyên xảy ra đối với nông dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội và đóng góp thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Là một trong những đối tác chuyên môn thực thi Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tiến hành điều phối vận hành các tiểu dự án được tài trợ từ Quỹ CBG, cụ thể đã đầu tư mới máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng… của các DN tham gia. Đáng nói là thông qua việc ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 225 hộ nông dân, đã đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu đầu vào cho DN. Trong sản xuất đã hình thành được 10 mô hình liên kết sản xuất đối với các chuỗi giá trị ở địa phương giữa DN với nông dân, nhất là đối với các chuỗi bò, dê, cừu, táo, nho, tỏi, mía; từng bước kết nối các DN, cơ sở thu mua chế biến với người sản xuất. Ngoài các tiểu dự án nói trên, trong năm nay, với sự tham gia của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang, đã tạo phấn khởi cho các tổ nhóm nông dân trồng mía ở Ninh Sơn. Điểm mới là thay vì nhận tài trợ của dự án, công ty thông qua triển khai Quỹ CBG, đã huy động vốn của mình để hỗ trợ cho người dân.

 
Hệ thống pin năng lượng mặt trời dùng chạy máy bơm nước của nông dân trồng mía xã Quảng Sơn (Ninh Sơn).

Là DN sản xuất chế biến đường từ nguyên liệu mía cây, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân thông qua ký kết hợp đồng hằng năm. Thông thường để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến đường, từ đầu niên vụ, công ty đã lên kế hoạch đầu tư, hỗ trợ trồng, thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây mía tại các đơn vị, hộ nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2016, thông qua triển khai Quỹ CBG, công ty đã đầu tư không hoàn lại hệ thống tưới phun mưa (12 triệu đồng/hệ thống) cho 48 hộ trồng mía. Công ty còn hỗ trợ vật tư phân bón, đầu tư 11ha mía trồng theo phương thức sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bình quân mức vốn đầu tư là 53 triệu đồng/ha, trong đó có 33 triệu đồng không hoàn lại. Bên cạnh đó, có 11 hộ tham gia được công ty cho vay không lãi, thời gian thu hồi là trong 2 năm với mức 20 triệu đồng/ha.

Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang, cho biết: “Các hộ nhận hỗ trợ từ DN tập trung tại các xã Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn). Bước đầu cho thấy qua hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt, cây mía sinh trưởng và phát triển tốt, giảm được lượng nước tưới và giảm chi phí thấy rõ”. Ngoài ra, công ty cũng đã đầu tư 12 hệ thống pin năng lượng mặt trời để chạy máy bơm nước (gồm 11 hệ thống ở xã Quảng Sơn, 1 hệ thống ở xã Mỹ Sơn) với kinh phí bình quân 72 triệu đồng/hệ thống. Nguồn vốn này được đầu tư cho 12 hộ ở khu vực trồng mía chưa có điện lưới thuộc 2 xã trên, trong đó có 37 triệu đồng/hộ không hoàn lại và công ty cho vay không lãi, thu hồi trong 3 năm với mức 35 triệu đồng/hộ. Một số người trồng mía như bà Bùi Thị Bích Thủy (thôn Triệu Phong 1), ông Phan Mỹ (thôn Triệu Phong 2) ở xã Quảng Sơn cho biết hiệu quả mang lại của việc sử dụng pin năng lượng mặt trời rất thiết thực, vừa giảm bớt chi phí nhiên liệu bơm tưới, giảm bớt công lao động, lại vừa vận hành bơm tưới rất ổn định và đơn giản, tiện ích cho nông dân.

Theo ông Văn Hữu Thận, từ tác động của đầu tư thông qua triển khai Quỹ CBG, đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, giảm chi phí trồng mía, tăng hiệu quả kinh tế và tạo mối liên kết sản xuất bền vững giữa nông dân trồng mía và hoạt động chế biến đường của công ty. Qua hỗ trợ một phần chi phí đầu vào, ngoài việc giúp người nông dân trồng mía hưởng lợi và yên tâm hơn trong tiêu thụ nguyên liệu, công ty còn hướng đến mục tiêu làm gia tăng chuỗi giá trị mía ở địa phương.