Phước Hà: Quỹ CDF giúp phát triển hạ tầng nông thôn miền núi

(NTO) Phước Hà là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Nam. Toàn xã có 5 thôn, với 651hộ, 3.218 nhân khẩu, trong đó có đến 95% là đồng bào Raglai, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với thế mạnh là trồng lúa, bắp, các loại đậu và chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen…

Đồng chí Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Phước Hà, cho biết: Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã khá nghèo nàn và thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản của người dân. Hệ thống điện, đường nội thôn, trường học, trạm y tế do Nhà nước đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân nhưng hệ thống giao thông nội đồng trong xã đa phần là đường cấp phối sỏi, dọc theo tuyến kênh nên vào mùa mưa bị ngập úng, gây khó khăn cho bà con đi lại và nhất là không thể vào vùng sản xuất được.

 
Quỹ CDF đầu tư 283,2 triệu đồng xây dựng chợ thôn Giá, tạo nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa nông sản trên địa bàn xã Phước Hà.

Từ năm 2011, nhờ hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), mà trực tiếp là Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF), Ban Phát triển xã ưu tiên tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh. Đến nay, trên địa bàn xã đã hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng 11 công trình, bao gồm: chợ, 3 công trình cầu đúc, 4 công trình thủy lợi, 3 tuyến đường giao thông nội thôn, nội đồng phục vụ các chuỗi giá trị trồng trọt và chăn nuôi ở địa phương, với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để khuyến khích bà con đẩy mạnh sản xuất, cũng từ nguồn vốn thuộc Quỹ CDF, Dự án HTTN tiếp tục hỗ trợ 55 con giống và xây dựng 53 chuồng trại cho hộ nghèo và cận nghèo thuộc 5 nhóm sở thích (NST) nuôi bò và 2 NST nuôi cừu; hỗ trợ giống, vật tư đầu vào cho 2 NST trồng lúa và 4 NST trồng đậu xanh với số lượng hơn 2 tấn; hỗ trợ máy cày cho nhóm trồng lúa thôn Giá, Rồ Ôn; hỗ trợ máy cắt cho nhóm trồng lúa Là A, Trà Nô; mở 28 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng; biết cách chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tập huấn lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường cho các NST… Quỹ CDF cũng tiếp thêm nhiều nguồn vốn khác để các NST đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng lúa “1 phải, 5 giảm”; nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; trồng bắp lai và đậu xanh giống cao sản... Phấn khởi nhất là giao thông nội đồng được bê-tông, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện cơ giới hóa.

Đồng chí Tạ Yên Thị Cam cho biết thêm: Quỹ CDF là hợp phần trong Dự án HTTN triển khai trên địa bàn xã với mục tiêu cung cấp nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng công cộng, phát triển các chuỗi giá trị và nâng cao năng lực sản xuất cho người dân trong vùng. Tác động thấy rõ từ Quỹ CDF là thông qua hoạt động đào tạo nâng cao năng lực làm kinh tế, hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng tạo điều kiện để người dân sản xuất, vận chuyển, buôn bán nông sản thuận lợi… được người dân rất đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, từ chỗ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, đến nay, địa phương đã định hình được một số vùng sản xuất tập trung, với các loại cây trồng chính như lúa, bắp, đậu xanh... Tập quán sản xuất thay đổi, bà con có cách nhìn mới trong trồng trọt và chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.