Tác động tích cực của các chuỗi giá trị chăn nuôi ở xã Phước Thái

(NTO) Phước Thái là một trong ba xã thuộc vùng hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) của huyện Ninh Phước. Toàn xã có 6 thôn, với 3.690 hộ/15.158 nhân khẩu, những năm qua, từ việc chú trọng phát triển các chuỗi giá trị về chăn nuôi đã tạo cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.

 
Dự án Hỗ trợ Tam nông triển khai ở xã Phước Thái tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo  phát triển chăn nuôi cừu. Ảnh: A.Tùng

Từ lợi thế địa phương có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc nên Phước Thái lựa chọn chăn nuôi bò, dê, cừu làm chuỗi giá trị chính để tập trung phát triển. Dựa vào điều kiện tự nhiên và định hướng của DASU huyện, Ban Phát triển xã đã tiến hành thành lập 9 nhóm cùng sở thích (NST) với 538 hộ tham gia, bao gồm 149 hộ nghèo và 188 hộ cận nghèo. Trong đó, có 2 NST nuôi bò, 6 NST nuôi dê và 1 NST nuôi cừu. Để các nhóm đi vào hoạt động, từ năm 2013 đến nay, từ các nguồn Quỹ CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng) và Quỹ CSG (Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh), Dự án HTTN đã trực tiếp hỗ trợ con giống cho các thành viên trong nhóm. Cụ thể, 2 nhóm chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Tà Dương được cấp 10 con bê cái nuôi theo mô hình Heifer; nhóm chăn nuôi dê thôn Thái Hòa được hỗ trợ 50 con dê cái và nhóm chăn nuôi cừu thôn Thái Giao được hỗ trợ 39 con cừu nuôi sinh sản. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ xây dựng 45 chuồng bò, 17 chuồng dê và 19 chuồng cừu…

Ông Lưu Văn An, thành viên Ban Phát triển xã, cho biết: Từ khi thực hiện Dự án HTTN, để nâng cao năng lực cho các tổ, nhóm trong sản xuất chăn nuôi, Ban Phát triển xã đã phối hợp với các ngành chức năng mở 19 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại các thôn. Đồng thời, hàng tháng, mỗi nhóm đều tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm, báo cáo tình hình với Ban Phát triển xã để đưa ra phương pháp chăm sóc đàn vật nuôi được tốt hơn. Nhờ vậy, thành viên các nhóm đều biết cách chăm sóc, biết cách ủ, dự trữ phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc hợp lý, nên hầu hết con giống được hỗ trợ đều sinh trưởng và phát triển tốt, số lượng tăng lên đáng kể, một số nhóm đã thực hiện bàn giao luân chuyển cho những hộ kế tiếp, tạo sự phấn khởi cho các hộ tham gia. Anh Trần Văn Hùng, Trưởng nhóm nuôi dê thôn Thái Hòa, chia sẻ: Nhóm thành lập từ giữa năm 2014, với 13 thành viên, khi bắt đầu hoạt động, được Dự án hỗ trợ 9 dê cái và 6 chuồng nuôi. Khi nhận dê về nuôi, mỗi thành viên đều phân công cụ thể từng thành viên thay phiên nhau chăm sóc kỹ lưỡng nên đến nay đàn dê đã tăng lên 25 con.

Được hưởng lợi từ Dự án HTTN, các chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn xã đã tạo cơ hội cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn được “tiếp sức” vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đáng kể đời sống gia đình. Để tiếp tục phát huy lợi ích của Dự án HTTN đến với người dân trong thời gian tới, đồng Chí Nguyễn Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa phương sẽ tăng cường củng cố và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ, NST; đồng thời đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các NST tiếp cận thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Phấn đấu đưa ngành chăn nuôi gia súc trở thành hướng sản xuất chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho nông dân.