Bước chuyển từ Quỹ WDF sang Quỹ Xã hội của phụ nữ

(NTO) Từ năm 2012 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là đối tác chính thực hiện tiểu hợp phần “Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn” của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh.

Thực hiện tiểu hợp phần trên, thông qua Quỹ Phát triển Kinh tế phụ nữ (WDF), từ năm 2014 đến tháng 6-2016, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập, củng cố được 121 nhóm tiết kiệm-tín dụng (TK-TD), giải ngân vốn vay cho 1.811 thành viên, với tổng số tiền 17,940 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả gốc lãi hằng tháng đạt 100%. Bên cạnh đó, các thành viên đã được thực hành tiết kiệm và dần thay đổi nhận thức về việc có vay có trả và việc tiết kiệm, hiện có số tiền tiết kiệm trên 560 triệu đồng. Tuy nhiên so với nhu cầu tiếp cận vốn rất lớn của người dân, thực tế nguồn TK-TD của Hội chỉ mới đáp ứng được phần nào. Còn để giúp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, giúp PN nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội và nâng chất lượng cuộc sống, cần thiết phải có một mô hình tài chính phù hợp.

 
Phụ nữ thôn Mỹ Hiệp (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) vay vốn đầu tư chăn nuôi cừu, cải thiện sinh kế gia đình.

Chị Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Theo các cuộc điều tra, khảo sát, tỷ lệ PN tỉnh ta có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình chiếm khoảng 52% trên tổng số nữ trong độ tuổi lao động, tập trung ở chị em buôn bán nhỏ, làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hầu hết chị em là những chủ hộ PN có thu nhập ở mức trung bình hoặc thấp, nhu cầu vay phổ biến từ 5-30 triệu đồng. Trong lúc đó, để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người vay cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của từng chương trình nên việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng này của PN còn hạn chế.

Trước thực tế trên, thực hiện cam kết với nhà tài trợ IFAD, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thống nhất chủ trương thành lập Quỹ Xã hội hoạt động có tư cách pháp nhân, có bộ máy chuyên nghiệp và có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Theo đó, trên cơ sở Quỹ WDF của dự án sẽ nâng cấp thành Quỹ Xã hội, tên chính thức là Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh, được triển khai thực hiện tại 27 xã vùng dự án, vốn là những xã còn nhiều khó khăn.

Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, trên cơ sở được cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ theo Quyết định số 1402/QĐ-UBND, ngày 6-6-2016; được công nhận đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ nhiệm kỳ 2016-2021 theo Quyết định số 2083/QĐ-UBND, ngày 24-8-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, từ ngày 1-9, Hội LHPN tỉnh bắt đầu vận hành cơ chế hoạt động của Quỹ.

Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh sẽ hoạt động trên nguyên tắc kế thừa, duy trì và phát triển các mục tiêu mà nhà tài trợ đã đề ra. Cụ thể Văn phòng IFAD Việt Nam đã đồng ý chuyển 14 tỷ đồng phân bổ cho Quỹ WDF thành nguồn vốn góp thành lập Quỹ Xã hội của PN. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh sẽ huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ PN phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường phù hợp tôn chỉ, mục đích của Quỹ và quy định của pháp luật.

Với nhiều gói sản phẩm vốn vay phù hợp nhu cầu đầu tư của từng hộ gia đình, Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh đang hướng tới chiến lược mở rộng vùng tiếp cận, tăng khối lượng vốn trong thời gian tới. Tin rằng với thủ tục vay đơn giản, qua nhóm bảo lãnh của PN, không cần tài sản thế chấp và không phải đóng bất kỳ khoản lệ phí nào, quỹ sẽ thu hút ngày càng nhiều PN nghèo tham gia vào các nhóm TK-TD.