Thế giới trong tuần

1. Hơn 500 đại biểu, trong đó có hơn 20 Bộ trưởng Quốc phòng đến từ hơn 80 quốc gia và đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 5, khai mạc hôm 27-4 tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga với chủ đề chính “Chủ nghĩa khủng bố, mối đe dọa với an ninh toàn cầu”.

Trong lời phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Soigu kêu gọi cộng đồng quốc tế chung sức trong một mặt trận thống nhất thông qua việc thành lập một Liên minh chống khủng bố dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Về những thách thức an ninh và khả năng hợp tác quân sự quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Soigu nhấn mạnh, Nga là một phần của châu Á - Thái Bình Dương, bởi vậy củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực, trong đó có ASEAN, là ưu tiên hàng đầu của Nga.

Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần này một lần nữa khẳng định, Nga mong muốn duy trì đối thoại bình đẳng trong lĩnh vực an ninh châu Âu với EU và NATO, chủ trương thúc đẩy quá trình xây dựng mô hình an ninh mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc không tham gia liên minh quân sự, củng cố hệ thống an ninh tập thể. Qua đây cũng thể hiện cam kết của Nga áp dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và các đồng minh chỉ sau khi tận dụng hết các công cụ phi bạo lực như pháp lý, kinh tế, thông tin và các biện pháp khác.

Báo cáo tại hội nghị về quy mô hoạt động của các phần tử khủng bố và cực đoan trên toàn thế giới, Nga cho biết, số lượng các tay súng có liên hệ với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại khu vực Trung Á hiện nay lên đến gần 4.500 người. Ngoài ra, IS còn có kế hoạch mở rộng các vùng lãnh thổ chiếm đóng sang hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á như Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Số lượng các phần tử khủng bố IS tại Iraq và Syria đã lên đến gần 33.000 tay súng. Điều đáng nói tổ chức khủng bố này được trang bị xe tăng, xe bọc thép, các hệ thống chống tăng và pháo. Còn tại Libya có hơn 6.000 tay súng của IS đang hoạt động, tăng gấp đôi so với cách đây 1,5 năm.

Trong khi đó, tại châu Âu, trong vòng 4 năm qua đã có hơn 800 phần tử có tư tưởng cực đoan đã đến Đức, quốc gia đầu tàu tại châu Âu, làm tăng nguy cơ khủng bố tại “Lục địa già”. 

2. Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo An LHQ, ngày 27-4 đã thông qua nghị quyết về cơ chế gìn giữ hòa bình trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang đang gây những tổn thất rất lớn cho con người, dẫn đến những cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tại nhiều nơi trên thế giới.

Nghị quyết mở rộng khái niệm gìn giữ hòa bình để bao gồm thêm định nghĩa về “hòa bình bền vững” được hiểu như là “mục tiêu và tiến trình xây dựng tầm nhìn chung của một xã hội, đảm bảo nhu cầu của tất cả những cư dân trong xã hội đó.”

“Hòa bình bền vững” bao gồm các hoạt động nhằm ngăn chặn xung đột bùng nổ, leo thang, kéo dài và tái diễn; giải quyết các nguyên nhân gốc rễ; trợ giúp các bên chấm dứt các hoạt động thù địch; đảm bảo sự hòa giải dân tộc; và thúc đẩy sự phục hồi, tái thiết và phát triển.

Sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi văn kiện thể hiện quyết tâm tạo sự thay đổi về tư duy cũng như chiến lược đối với vấn đề gìn giữ hòa bình. Trên cơ sở nghị quyết này, hệ thống Liên hợp quốc sẽ tăng cường sự hợp tác chiến lược với các quốc gia cũng như các đối tác khác để không chỉ ngăn chặn xung đột tái diễn mà còn ngăn chặn xung đột nổ ra khi chớm có dấu hiệu.

Tổng thư ký cũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc thực thi những nghị quyết này, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên lớn nhất là đảm bảo hòa bình bền vững vì đó là điều kiện tiên quyết cho quyền của con người, sự phát triển bền vững và tất cả những nỗ lực khác.

Trong 10 năm qua, số các cuộc nội chiến đã tăng gấp ba và các nhu cầu nhân đạo đã tiêu tốn 20 tỷ USD.