DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị về chăn nuôi ở Phước Trung

(NTO) Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), xã Phước Trung (Bác Ái) đã chú trọng phát triển các chuỗi giá trị về chăn nuôi để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Đây là lựa chọn được cho rất phù hợp với thực tế của địa phương thuộc vùng “tâm hạn” của tỉnh gần 2 năm qua.

Xã Phước Trung hiện có khoảng 555 hộ dân, với trên 2.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã khoảng 11.980ha, trong đó rừng và đất rừng chiếm 70%, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.954ha. Phước Trung lại rất có tiềm năng và điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc có sừng. Hiện tổng đàn gia súc của xã có trên 5.300 con, trong đó chủ yếu là bò và cừu, với số lượng trên 4.500 con. Có thể nói tiềm năng phát triển chăn nuôi của xã còn lớn, nếu được tập trung đầu tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Một buổi sinh hoạt của nhóm chăn nuôi cừu thôn Đồng Dày.

Trong năm 2014, xã đã thành lập được 5 nhóm sở thích về chăn nuôi, chủ yếu là bò và dê. Hầu hết các nhóm sở thích được triển khai theo mô hình chăn nuôi Heifer, mô hình nuôi hưởng lợi xoay vòng. Qua đánh giá, hiệu quả bước đầu mang lại rất khả quan, các mô hình đang tạo được sự đồng thuận rất cao từ người dân, nhất là các hộ nghèo.

Theo chị Phạm Thị Mỹ Nga, cán bộ chuyên trách Ban Phát triển xã, tính đến cuối năm 2015, hầu hết các nhóm bò, dê đã tăng số lượng đàn lên rất nhiều và đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Trong số các hộ nghèo tham gia đã có 2 hộ thực hiện bàn giao bò luân chuyển cho hộ kế tiếp và toàn quyền được hưởng lợi con giống “sản phẩm” được sinh ra kể từ thời điểm luân chuyển.

Mặc dù trong gần 2 năm qua, thời tiết nắng hạn, nguồn nước sản xuất trên địa bàn xã thiếu, tuy nhiên nhờ tập huấn về nâng cao chất lượng trong chăn nuôi, thành viên các nhóm chăn nuôi đã chăm sóc, ủ, dự trữ phụ phẩm thức ăn rất hợp lý, do đó hầu hết các con giống được hỗ trợ đều sinh trưởng và phát triển tốt, không có tình trạng đau bệnh hay bị suy kiệt. Từ kết quả thuận lợi của việc phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi, trong năm 2015, đã thành lập thêm được 8 nhóm chăn nuôi, chủ yếu cừu, dê và bò để hỗ trợ người dân phát triển.

Ông Katơr Tân, Trưởng Ban quản lý thôn Đồng Dày, cho biết: “Ngoài nhóm nuôi bò thì thôn Đồng Dày vừa thành lập thêm một nhóm cừu với 12 thành viên, trong điều kiện đất canh tác bị hạn chế và ảnh hưởng do hạn hán, thì việc hỗ trợ cho bà con phát triển chăn nuôi rất phù hợp. Hơn nữa, từ rất lâu nhiều hộ đã muốn chuyển đổi sang chăn nuôi nhưng lại chưa có điều kiện, nay được dự án hỗ trợ tạo điều kiện bà con rất vui”. Được biết, mỗi thành viên trong nhóm sẽ nhận được 7 con cừu, với tổng giá trị khoảng 14 triệu đồng, trong đó, các hộ sẽ bỏ khoảng 2,3 triệu đồng tiền đối ứng (số tiền này được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay), còn lại do dự án hỗ trợ. Theo kế hoạch, trước Tết Nguyên đán này, các thành viên nhóm chăn nuôi cừu thôn Đồng Dày sẽ nhận con giống về chăm sóc.