DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Phước Chiến tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ, nhóm

(NTO) Phước Chiến là xã miền núi thuộc huyện Thuận Bắc được hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông (dự án). Toàn xã có 1.024 hộ/4.609 khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Raglai chiếm gần 98%, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành trong đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất nên đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định triển khai có kết quả các hợp phần của dự án sẽ góp phần đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, nên đặc biệt quan tâm.

Đường nội thôn Động Thông (xã Phước Chiến) được xây dựng từ nguồn kinh phí Dự án Hỗ trợ Tam nông.

Đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, cho biết: Xuất phát từ thực tế của địa phương, ban đầu triển khai dự án, xã ưu tiên áp dụng phương thức phát triển cộng đồng dựa vào nội lực, do người dân làm chủ theo khung sinh kế bền vững và kinh doanh nông nghiệp theo yêu cầu, nhu cầu thị trường. Ban Phát triển (BPT) xã đã điều tra, phân tích thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, qua đó đã xác định được các chuỗi giá trị bò, dê, cừu, chuối, bắp, đậu để tập trung đầu tư phát triển.

Sau một thời gian ngắn, xã đã thành lập được 9 nhóm đồng sở thích; trong đó, 6 nhóm nuôi bò, 1 nhóm nuôi cừu, 1 nhóm nuôi dê, 1 nhóm trồng chuối. Để tạo điều kiện cho các nhóm hoạt động, từ nguồn vốn của dự án, BPT xã tiến hành hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện có hiệu quả hợp phần phát triển năng lực con người. Cụ thể, đã hỗ trợ 60 con bò, 60 con dê, 40 con cừu sinh sản và chuối giống cho các nhóm đồng sở thích; đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Hoạt động có hiệu quả của nhóm góp phần vào sản xuất ngày càng phát triển, tổng đàn vật nuôi tăng hơn nhiều so với ban đầu, giúp hàng chục hộ thoát nghèo bền vững. Đơn cử, nhóm đồng sở thích nuôi dê thôn Đầu Suối B sau 21 tháng hoạt động, từ 20 con giống ban đầu đã tăng lên 32 con, có 2/7 hộ đã thoát nghèo. Chuyển biến tích cực đáng kể nhất trong hoạt động của các nhóm đồng sở thích gần đây là xây dựng được mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các tổ, nhóm, tạo cơ hội cho nông dân tham gia vào thị trường tốt hơn.

Từ năm 2013 đến nay, hoạt động của dự án hướng vào đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ các chuỗi giá trị bò, cừu, dê, chuối. Đến nay, trên địa bàn đã đầu tư, nâng cấp, cứng hóa đường giao thông nội đồng từ thôn Tập Lá đến thôn Đầu Suối A dài 275m; nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng ở vùng sản xuất bắp, đậu, chuối, dài 200m; kiên cố hóa hệ thống kênh ở xứ đồng thôn Đầu Suối A dài 930m; bê-tông đường nội đồng thôn Động Thông dài 356m, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Thời gian tới, dự án tiếp tục hỗ trợ củng cố các tổ, nhóm đồng sở thích đi sâu về mặt tổ chức, năng lực, quy chế, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kết nối với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Tăng cường năng lực các nhóm và giám sát cộng đồng để vận hành bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung Quỹ Tài trợ cạnh tranh nhỏ đến tất cả các nhóm đồng sở thích xây dựng hồ sơ xin tài trợ kinh phí để mở rộng sản xuất.