Qua hơn 4 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Lâm Sơn

(NTO) Được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), trong những năm qua, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) có thêm nguồn lực tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Ban Phát triển tam nông xã Lâm Sơn, qua hơn 4 năm thực hiện, có thể nói tác động của Dự án mang lại cho địa phương khá lớn. Trong đó, nổi bật có thể kể đến là hoạt động hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương. Tính đến cuối năm 2015, toàn xã đã được Dự án hỗ trợ xây dựng 5 tuyến đường giao thông nội đồng, nâng cấp 2 kênh mương thủy lợi và xây dựng 2 sân phơi nông sản. Trong số đó, nhiều công trình bê-tông các tuyến đường vào những khu sản xuất trọng điểm như: Tuyến đường nối khu sản xuất từ Quốc lộ 27 lên giáp kênh chính Tây để phục vụ chuỗi giá trị lúa và cây ăn quả; tuyến đường nội bộ đi khu sản xuất Suối Le nối liền thôn Lâm Bình với thôn Lâm Phú; đường nội đồng đi khu sản xuất thôn Lập Lá phục vụ chuỗi giá trị bò, lúa, bắp…, đã thật sự mang lại hiệu quả và tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân, nhất là tại những thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, canh tác trên những cánh đồng gần triền núi.

 
Chuỗi giá trị cây ăn quả đặc sản đang được xã Lâm Sơn tập trung phát triển. Ảnh: T.M

Ông Lê Tấn Lực, thành viên Ban Phát triển Dự án HTTN xã, cho biết: Trước đây, để đến được các khu sản xuất trên, người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa thu hoạch, nông dân phải thuê xe cơ giới để vận chuyển hàng hóa, nên tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập. Từ khi các công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng, tính hiệu quả đã được phát huy, nhiều hộ tới mùa thu hoạch đã có thu nhập tăng hơn trước nhiều. Ngoài ra, các công trình xây dựng trên cũng góp phần tích cực giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về hạ tầng giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đối với hoạt động hỗ trợ các chuỗi giá trị vì người nghèo, tính đến nay, xã Lâm Sơn đã thành lập được 14 nhóm đồng sở thích, tập trung phát triển vào 3 chuỗi giá trị bắp, chuối, bò. Trong đó, chuỗi giá trị nuôi bò được đánh giá khá hiệu quả và đang tiếp tục được nhân rộng ra tại các thôn khó khăn với mô hình nuôi bò Heifer hưởng lợi xoay vòng. Trong 3 năm (từ 2013-2015), Dự án đã hỗ trợ hơn 43 con bò cái cho 5 nhóm nuôi bò tại địa phương chăm sóc. Đến nay, tổng đàn bò của các nhóm đã gần 60 con; trong đó, các nhóm nuôi bò thôn Lập Lá, Gòn 2 theo dự kiến trong quý I-2016 sẽ thực hiện chuyển giao, nhân rộng cho các hộ nghèo kế tiếp nuôi hưởng lợi.

Đánh giá về chuỗi giá trị nuôi bò, ông Đoàn Ngọc Anh, Trưởng nhóm nuôi bò thôn Gòn 2, cho biết: Qua tính toán, khi dự án kết thúc, các hộ nghèo trong thôn sau khi tham gia vào nhóm nuôi bò sẽ có ít nhất 2 con bò, tương đương vài chục triệu đồng để làm “vốn” phát triển sau này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với đặc thù và thế mạnh của Lâm Sơn lâu nay là cây ăn quả, Ban Phát triển xã cũng đã tiến hành rà soát, vận động các hộ dân tích cực tham gia vào nhóm phát triển chuỗi giá trị về cây ăn quả đặc sản của địa phương, với một số loại cây thế mạnh như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Thực hiện chuỗi giá trị cây ăn quả này, địa phương đã tập trung xây dựng quy hoạch tại khu vực phía Nam suối Sakai với diện tích khoảng 30ha. Vào cuối tháng 6-2015, Ban Phát triển xã đã cung cấp hơn 9.400 giống cây ăn quả cho 66 hộ dân gồm: Măng cụt, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, dừa… trồng tại khu vực trên. Số cây giống này do Doanh nghiệp tư nhân Uy Chất (tỉnh Bến Tre) cung cấp, trị giá trên 284 triệu đồng, trong đó Nhân dân đối ứng gần 57 triệu đồng, còn lại do Dự án hỗ trợ.