DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Liên kết nhóm trong chăn nuôi bò ở Tà Dương

(NTO) Tà Dương là một trong 8 thôn của xã Phước Thái (Ninh Phước) được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Đây cũng là thôn duy nhất của xã triển khai mô hình nhóm cùng sở thích (NST) nuôi bò Heifer.

Anh Ja-ghê Hoàng Thọ, trưởng thôn, cho biết: “Toàn thôn có 138 hộ, hơn 600 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Raglai. Nhận thấy thế mạnh của thôn phù hợp với việc phát triển chuỗi giá trị nuôi bò và tạo nguồn sinh lợi về lâu dài cho người dân, nên khi triển khai thực hiện Dự án HTTN, Ban Phát triển xã Phước Thái đã hướng dẫn thôn thành lập 2 NST nuôi bò với sự tham gia của 60 hộ thành viên (đa phần là hộ nghèo và cận nghèo), chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện chất lượng đàn gia súc”.

Chị Vi-môn Thị Lặng tham gia NST nuôi bò của Dự án HTTN.

Để phân biệt, NST do trưởng thôn Ja-ghê Hoàng Thọ làm trưởng nhóm được đặt tên là nhóm 1 và nhóm còn lại là nhóm 2 do anh Ja-kia Mảnh (người có uy tín trong cộng đồng) làm trưởng nhóm. Năm 2014, Ban Phát triển xã tiến hành bàn giao cho 2 NST 8 con bò sinh sản và 2 con bò đực phối giống do Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) thuộc Dự án HTTN tài trợ. Ngoài ra, các nhóm còn được hỗ trợ 3.000kg giống cỏ voi VA-06 và kinh phí làm chuồng trại với số tiền hơn 200 triệu đồng. Tham gia các NST của Dự án HTTN, đồng bào Raglai trong thôn bước đầu làm quen với mô hình liên kết trong chăn nuôi và được trang bị kiến thức về nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, cách phòng và nhận biết một số bệnh trên đàn gia súc. Đặc biệt, người dân không còn nỗi lo bị thương lái ép giá vì thông qua Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã liên kết với cơ sở thu mua cam kết bảo đảm đầu ra cho chăn nuôi ở địa phương.

Anh Ja-kia Mảnh, Trưởng NST chăn nuôi bò 2 của thôn, cho hay: Nhận được 5 con bò từ Dự án, thành viên trong nhóm ai nấy đều phấn khởi và coi đây như là con giống ban đầu được Nhà nước hỗ trợ để bà con luân phiên chăm sóc, dần dà có nguồn thu nhập tích lũy. Nhóm đã tổ chức bốc thăm chọn ra 2 hộ thành viên nuôi trước, mỗi hộ 2 con bò cái, đến khi sinh sản, hộ nuôi sẽ giữ lại bò mẹ và hoàn trả bằng 2 con bò cái như ban đầu đã nhận nuôi để chuyển cho hộ thành viên tiếp theo; còn bò đực giống thì hộ nào có nhu cầu phối giống thì chịu trách nhiệm chăm sóc. Hiện nay, 2 hộ này đã có bò đẻ, đang nuôi cho cứng cáp rồi tách mẹ để bàn giao con giống cho các hộ kế tiếp tiếp tục nuôi hưởng lợi. Theo tính toán, bò cái mà Dự án hỗ trợ cho nhóm ở thời điểm triển khai mô hình có giá 13-15 triệu đồng/con. Khoảng 18 tháng nuôi cho sinh sản, với một đôi bò mẹ mà hộ thành viên được sở hữu sau khi đã bàn giao bê con cho các hộ kế tiếp thì giá bán cũng từ 40-45 triệu đồng. Đây cũng chính là phần lãi hoàn toàn mà các hộ này nhận được, từ đó có điều kiện để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, trên thực tế so với các chuỗi giá trị chăn nuôi khác, chuỗi giá trị nuôi bò mất khá nhiều thời gian để người dân có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, với cách làm phù hợp cùng sự đồng thuận của người dân khi trực tiếp tham gia vào dự án thì nguồn sinh lợi về sau nhất định mang lại hiệu quả cao hơn. Chị Vi-môn Thị Lặng, thành viên NST đã có bò đẻ và chuẩn bị bàn giao cho hộ khác, cho hay: Qua hơn 1 năm nuôi bò của Dự án HTTN, gia đình đã có thêm 2 con bò cái trị giá vài chục triệu đồng. Sau khi bàn giao bê con cho hộ kế tiếp, chúng tôi quyết định không bán mà tiếp tục chăm sóc, nuôi theo hướng sinh sản đã được Dự án tập huấn kỹ thuật để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.