Hành trình Di sản: Chưa tương xứng vì không đồng đều

Mặc dù đã có nhiều thay đổi rất lớn về phát triển du lịch, kinh tế - xã hội thời gian qua, song du lịch Bắc Trung Bộ chưa phát triển tương xứng với giá trị và tiềm năng của Hành trình Di sản miền Trung. Ngay giữa các tỉnh có di sản trong hành trình cũng sự phát triển không đồng đều.

Chính lãnh đạo ngành du lịch cũng thừa nhận “Có một sự phát triển không đồng đều giữa các điểm đến và các tỉnh có di sản, và cũng phải khẳng định rằng, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm”.

Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam mà cụ thể là Hội An luôn được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế cũng như cách làm, những địa phương còn lại thực sự chưa có sự chuyển mình về khai thác điểm đến, điển hình là Huế.

Ảnh minh họa.

Từ du lịch Huế bao năm vẫn thế

Trong 6 tỉnh dọc Hành trình Di sản miền Trung thì Huế có mật độ di sản dày đặc nhất cả về di sản thế giới đến di sản quốc gia, từ di sản vật chất đến di sản phi vật chất, bãi biển Lăng Cô là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ “Các vịnh biển đẹp nhất thế giới” vào tháng 6/2009.

Tuy nhiên sau bao năm làm du lịch, du lịch của Huế hầu như không có sự thay đổi. Nếu như Quảng Nam đã và đang khai thác rất tốt Hôi An bao năm qua với lượng khách tăng trưởng ổn định thì Huế đang dậm chân tại chỗ. Hầu như không có sản phẩm mới được đầu tư cho ra tấm ra món.

Du khách đến cố đô chỉ loanh quanh thăm cung điện lăng tẩm, rồi về khách sạn ngủ, ngày hôm sau lên xe đi tỉnh khác. Dịch vụ du lịch ngoài tham quan một số làng nghề, mặc áo vua chụp ảnh, đi thuyền trên sông Hương nghe ca Huế…bao năm nay vẫn thế.

Đặc biệt, mức độ hiệu quả khai thác di sản làm du lịch có xu hướng giảm dần từ Quảng Nam tới Huế, Quảng Bình… ra đến Thanh Hóa thì gần như là số không. Quảng Bình cũng mới bắt đầu làm du lịch mạnh hơn từ vài ba năm trở lại đây. Sức hút của động Thiên Đường, khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp tăng thêm khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng nhưng chỉ mới dừng lại ở đó. Thanh Hóa cũng vậy, du khách đến Sầm Sơn tắm biển, dạo phố đêm và về... khách sạn. Hôm sau lên đường đi thăm Thành Nhà Hồ và đi thẳng tới Nghệ An.

Doanh thu từ du lịch-dịch vụ của những địa phương này vẫn còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Theo lý giải của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thì điều đó là sự bình thường do thời gian, xuất phát điểm khai thác, khả năng tổ chức thực hiện, hiện thực hóa những ý tưởng, di sản thành sản phẩm du lịch hút khách giữa các tỉnh khác nhau.

Một lý do nữa khiến cho sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong hành trình di sản, theo ông Tuấn, là sự xuất hiện những nhà đầu tư chiến lược tại các địa điểm ấy ở mức độ khác nhau do cơ chế chính sách, mức độ thuận lợi khác nhau khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn khách quan này cũng là kết quả tất yếu của những hạn chế chủ quan về năng lực và tư duy làm du lịch.

Đến Thành nhà Hồ đang là “ngọc trong đá”

“Ở đây có 2 vấn đề đặt ra, mỗi địa phương có di sản nổi bật cần phải được phát triển để trở thành một sản phẩm điểm đến đồng bộ. Không phải chúng ta cứ có tài nguyên tốt, có di sản văn hóa là đã có sản phẩm đồng bộ và kéo được khách du lịch”, ông Tuấn phân tích.

Sản phẩm điểm đến ở đây phải được hiểu một cách đồng bộ, đó là sự tích hợp của 3 yếu tố. Thứ nhất, là tài nguyên, nhưng nó chỉ là tiềm năng; hứ hai là dịch vụ và thứ ba là tổ chức quản lý dịch vụ điểm đến đó. Chỉ khi nào chúng ta tích hợp đủ 3 yếu tố thì mới có một sản phẩm điểm đến đồng bộ, còn thiếu 1 trong 3 yếu tố đó cũng không thể hình thành 1 sản phẩm du lịch đúng nghĩa.

Điển hình nhất là câu chuyện di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Việc UNESCO công nhận đây là Di sản Văn hóa thế giới chính là một sự quảng bá tuyệt vời điểm đến này ra thế giới. Tuy nhiên, khó có thể nói Di sản Thành nhà Hồ là 1 sản phẩm – 1 điểm đến du lịch đúng nghĩa khi từ khi được công nhận tới nay, du khách đến tham quan vẫn chỉ thấy trơ trọi cổng thành. Không có dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ du khách. Ngoài những thuyết minh chung chung của thuyết minh viên điểm đến và một vài viên gạch, ngói tại nhà trưng bày đặt cạnh đó, du khách chỉ có thể tưởng tượng thành nhà Hồ qua sa bàn và tìm hiểu thêm qua trang mạng.

Theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc hãng lữ hành Mai Việt, điểm đến Thành nhà Hồ để làm hay rất khó do di sản này qua bao tàn phá nay chỉ còn duy nhất cổng thành và 1 số đoạn thành sót lại. Vì vậy, để du khách hình dung được sự hoành tráng của công trình, hiểu được giá trị độc đáo về kiến trúc, bề dày lịch sử và những câu chuyện, giai thoại xung quanh việc xây dựng ngôi thành này thì Thanh Hóa phải chú trọng đầu tư đúng cách.

Từ thuyết minh viên điểm đến phải chuyên nghiệp và thực sự nắm chắc giá trị của ngôi thành này, phải có sự hỗ trợ của máy chiếu, âm thanh để dựng lại ngôi thành bằng hình ảnh 3D để du khách hình dung được toàn cảnh và một cách tương đối đầy đủ về di sản một cách sống động. Nếu không mang lại sự hình dung và cảm giác thú vị khám phá về ngôi thành cổ này, Thành nhà Hồ không bao giờ có thể trở thành 1 điểm đến hút khách.

“Người ta không đi xa thế (từ Hà Nội đến Thanh Hóa là 160 km, từ TP Thanh Hóa về tới Thành nhà Hồ 40km) chỉ để xem 1 cái cổng thành và nghe những thuyết minh chung chung mà ai cũng biết”, ông Tráng nhận xét.

Thanh Hóa cũng là miền đất có nhiều di sản như Lam Kinh, Đàn Tế trời… tuy nhiên những điểm tham quan này nằm cách xa nhau. Đường xá đi lại chưa thuận tiện khiến việc kết nối các điểm trong 1 hành trình, sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Đây không chỉ là câu chuyện của Thanh Hóa mà đó cũng là bài toán khó với những địa phương mới đưa di sản vào khai thác phát triển du lịch như Quảng Bình.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Kỳ chia sẻ: “Quảng Bình hiện nay đang rất băn khoăn, trăn trở để tìm hướng đi tối ưu nhất trong việc vừa khai thác di sản làm du lịch, vừa bảo tồn. Cái khó của Quảng Bình đó là thiếu và yếu cả về người và của. Có thể nói nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển, nhưng hiện nay, đội ngũ những người biết làm du lịch từ quản lý tới dịch vụ, nhà hàng...tất cả chúng tôi đều thiếu”.

Thanh Hóa hiện có tập đoàn FLC đang đầu tư 1 hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân Golf rất hoành tráng. Dự kiến năm 2017 sẽ đưa vào khai thác. Quảng Bình có tập đoàn Trường Thịnh cũng đang đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực du lịch. Tại Huế có Công ty Thanh Tâm đang đầu tư khu nghỉ dưỡng, trạm dừng chân, hệ thống nhà hàng ăn uống tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, Vịnh Lăng Cô và đèo Hải Vân.

Mặc dầu vậy, hiện tại Quảng Bình và Thanh Hóa vẫn còn thiếu rất nhiều khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn. Chưa hề có dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách sau mỗi điểm tham quan, dừng chân nghỉ ngơi.

Vì thế, về tài nguyên du lịch, độ giàu có về di sản, điểm đến thì 6 tỉnh Bắc Trung Bộ trên Hành trình Di sản miền Trung không thua kém bất kỳ địa phương vùng miền nào. Tuy nhiên để khai thác phát huy được lợi thế, biển di sản điểm đến thành một sản phẩm du lịch thực sự hút khách thì chỉ có mỗi điểm đến tham quan thôi, thì chưa đủ. Đây chính là bài toán hóc búa, là trở ngại lớn nhất để Con đường Di sản miền Trung thực sự là một hành trình du lịch khám phá theo đúng nghĩa.

Nguồn www.chinhphu.vn