Vấn đề hôm nay:

Cơ hội và thực hiện!

(NTO) Sự kiện đôi tàu du lịch đường sắt STC1 và STC2 tuyến Tháp Chàm-Sài Gòn-Tháp Chàm chạy hàng ngày với tên gọi khá hấp dẫn “Phan Rang-Khám phá mới” đã mở thêm cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà trước mắt cũng như lâu dài, như nhận định của nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành.

Tuy nhiên, để chuyển từ cơ hội thành hiện thực không phải giản đơn. Nhìn lại “hiện trạng” hoạt dộng du lịch, của tỉnh, có thể nói đã có những khởi sắc đáng ghi nhận như nhiều lợi thế du lịch nhất là du lịch biển đã được khai thác với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, resort… mặc dù chưa đạt đến đẳng cấp quốc tế như khu nghỉ dưỡng Amanơi nhưng cũng đủ để đáp ứng nhu cầu “khó tính” của nhiều du khách. Hầu hết các điểm du lịch văn hóa lịch sử như Tháp Po Rome, Po Klong Girai hay các làng nghề truyền thống mang đậm dấu ấn của đồng bào Chăm như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc... đều đã được đầu tư nâng cấp, tôn tạo, khôi phục...nhiều năm qua, nhờ đó đã tạo nên “thương hiệu” trong lòng du khách cả trong và ngoài nước.

 
Những du khách đầu tiên đến Ninh Thuận bằng tàu du lịch STC2.

Đó là chưa nói đến hạ tầng du lịch được đầu tư khá bài bản, thuận tiện cho du khách có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá. Đặc biệt tuyến đường ven biển nối từ Công Hải đến Cà Ná chạy dọc tuyến biển của tỉnh dài trên 105km là một “điểm nhấn” cho loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm nếu được khai thác đúng mức. Thế nhưng bên cạnh nhiều mặt được vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết rốt ráo như cần tổ chức tốt phương tiện “trung chuyển” du khách đi lẻ, không theo "tua" từ ga Tháp Chàm đến các nơi nghỉ dưỡng thuận tiện nhất, tránh tình trạng chèo kéo, chặt chém. Vệ sinh môi trường hiện vẫn đang là vấn đề “bức xúc” cả “khách” lẫn “chủ” do thiếu ý thức của một số du khách, người dân trong tỉnh đến tắm biển, vui chơi ăn uống nhưng lại “quên” dọn dẹp mà xả thải bừa bãi xem như “chốn không người”. Mặt khác, một số quán ăn cũng chỉ biết “sạch” quán nhưng lại đẩy rác ra bên ngoài gây dơ bẩn, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan tại điểm du lịch. Tình hình an ninh trật tự, an toàn cho du khách cũng còn nhiều chuyện đáng bàn, nhất là tình trạng tranh kéo khách, trộm cắp vẫn còn xảy ra...

Chung quy lại, để thực sự thu hút du khách không chỉ “ăn ngon, ngủ ấm” mà chủ yếu vẫn là sự chuyên nghiệp từ cung cách giao tiếp, phục vụ chu đáo, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng, khám phá của du khách khi đến tỉnh ta. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh với chất lượng cao như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định, trong đó có sự đóng góp của đoàn tàu du lịch đường sắt nói trên, thiết nghĩ ngành Du lịch tỉnh nhà cần nhận rõ thực trạng để có giải pháp thực hiện bằng chiến lược lâu dài. Trước mắt, Lễ hội Katê 2015 sắp diễn ra sẽ là "phép thử" về hiệu quả của đôi tàu du lịch và cả sự "sẵn sàng" của ngành Du lịch.