Cầu An Đông bắt nhịp tới tương lai

(NTO) Trước ngày khánh thành cầu An Đông, chúng tôi trở lại thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Từ vùng đất gần cửa biển nổi tiếng với động cát trắng, được ví như ốc đảo bên hữu ngạn sông Dinh, nhìn lên chiếc cầu dây văng vươn cao giữa không gian trong xanh nối liền phường Mỹ Đông bên kia bờ, ai cũng xuýt xoa trước vẻ đẹp của chiếc cầu hùng tráng và thẩm mỹ nhất từ trước tới nay ở tỉnh Ninh Thuận. Anh Phạm Huy Cường, cư dân thôn Phú Thọ, phấn khởi: Có cầu An Đông, từ nay, mọi người sẽ biết nhiều hơn về địa danh Phú Thọ, đó là niềm hãnh diện lớn nhất của người dân chúng tôi.

Cầu An Đông.

Dự án cầu An Đông bắc qua sông Dinh, nối 2 bờ giữa phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) với xã An Hải (Ninh Phước). Cầu An Đông sẽ là điểm nhấn trên tuyến đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná. Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh nhà, có tác động phá thế chia cắt và kết nối Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với trung tâm sản xuất giống thủy sản huyện Ninh Phước và khu vực phát triển công nghiệp huyện Thuận Nam. Đặc biệt, tạo các chuỗi liên kết, mở ra triển vọng lớn phát triển du lịch, kinh tế biển trong tỉnh cũng như khu vực Nam Trung Bộ.

Bắt đầu khởi công ngày 19-5-2011, cầu An Đông là 1 trong 8 dự án thành phần của tuyến đường ven biển tỉnh ta, có tổng mức đầu tư trên 1.327 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và cuối tháng 8 năm nay đã hoàn thành. Cầu có tổng chiều dài 3,5km (trong đó đường dẫn hai đầu cầu dài gần 2,5km, cầu chính dài gần 1,18km), mặt cắt ngang nền là 27m, mặt đường rộng 14m, có bố trí dải phân cách ở giữa đối với đường dẫn đầu cầu; mặt cầu chính rộng 20,5m. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, đây là chiếc cầu có quy mô vĩnh cửu, thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng kết hợp dây văng, đặt qua 4 trụ tháp cao 14,5m tính từ mặt cầu, do nhà thầu Hyundai Amco (Hàn Quốc) thi công.

Cho đến thời điểm hiện tại, ở tỉnh ta chưa có công trình nào tạo dấu ấn mạnh như cầu An Đông, không chỉ ở vai trò kết nối tuyến đường ven biển, mà còn ở chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao. Theo đồng chí Phạm Trọng Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, tất cả các loại vật tư, phụ kiện dùng xây dựng cầu đều được lựa chọn kỹ; trong đó có nhiều loại vật tư quan trọng như gối cầu, khe co giãn, cáp dự ứng lực, cáp dây văng... được nhập ngoại, như hệ thống cáp dây văng là do Công ty Freyssinet (Pháp) trực tiếp cung ứng và lắp đặt. Với nhịp cầu lớn 140m, cầu An Đông là một trong những công trình cầu Extradosed (cầu dầm và cáp dây văng hỗn hợp) có nhịp lớn nhất cả nước hiện nay. Để có được chiếc cầu An Đông như ngày hôm nay, trong quá trình thi công, dù gặp một số khó khăn nhất định như thời tiết khắc nghiệt, địa chất lòng sông khá phức tạp... nhưng với quyết tâm cao, các nhà thầu đã huy động một khối lượng lớn các loại máy móc, thiết bị hiện đại và hơn 300 nhân công chuyên nghiệp làm việc 3 ca mỗi ngày/đêm nhằm bảo đảm tiến độ công trình.

 
Cầu An Đông hôm nay. Ảnh: Văn Miên

Ngay sau khi hợp long cầu vào ngày 21-5, các nhà thầu đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giai đoạn hoàn thiện công trình để thông xe kỹ thuật vào tháng 7 vừa qua. Từ thời điểm đó, đã có nhiều người háo hức tìm đến tham quan, chụp ảnh. Anh Đoàn Minh Thật (thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) đứng ngắm nhìn cây cầu từ phía Mỹ Đông, phải thốt lên: Trước đây, đã nghe nói về dự án làm cầu An Đông nhưng tôi không nghĩ nó to lớn và đẹp đến như vậy. Vẻ đẹp của chiếc cầu An Đông hiển hiện dưới đủ mọi góc nhìn, có người tưởng tượng các nhịp dây văng treo trên 4 trụ tháp như dải lụa mềm mại vắt ngang qua sông, làm cho bức tranh phong cảnh đôi bờ sông Dinh thêm hùng vĩ hơn. Anh Lưu Giang Nam, Trưởng thôn Phú Thọ, chia sẻ: Vào mỗi buổi chiều, người dân trong thôn thường rủ nhau đi bộ lên cầu ngắm cảnh, mơ ước từ bao đời đã trở thành hiện thực, ai cũng nghĩ tới triển vọng tương lai của Phú Thọ khi cầu An Đông khánh thành. Do cách trở bởi dòng sông, trước kia Phú Thọ nép mình thầm lặng, chịu đựng thiệt thòi trên mọi lĩnh vực đời sống. Bây giờ, tất cả đang đổi khác, từ Phú Thọ chỉ mất 5-10 phút đi bộ qua cầu An Đông, người dân đã tiếp cận được nhịp sống thành phố và có nhiều cơ hội để bước vào tiến trình đô thị hóa.

Từ cầu An Đông xuôi về phía Nam chừng hơn 1km là vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung An Hải (Ninh Phước), nơi được hưởng lợi rõ nét nhất từ công trình cầu. Anh Kiều Choan, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH tôm giống Châu Phi, khẳng định: Không riêng công ty chúng tôi, tất cả các doanh nghiệp sản xuất giống ở đây đều chọn con đường qua cầu An Đông bởi những lợi thế về giao thông và giao tiếp khách hàng. Nếu trước kia, đường bê-tông nhựa An Thạnh- Hoà Thạnh dài 5,288km được coi như “tấm thảm trải” mời gọi các nhà đầu tư đến, thì nay cầu An Đông đã đóng vai trò thay thế. Dưới tác động của cầu An Đông, tiềm năng du lịch, kinh tế biển của dải đất ven biển Ninh Phước, Thuận Nam nói riêng, tỉnh ta nói chung đang được đánh thức.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH THI CÔNG CẦU AN ĐÔNG:

 
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu Trung ương dự lễ khởi công xây dựng cầu An Đông (tháng 5-2011).
 
 
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công cầu An Đông (tháng 9-2014).
 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức hợp long cầu An Đông (21-5-2015).
 
 
Thi công nước rút để hoàn thành đúng tiến độ.