Phú Thọ niềm vui mới

(NTO) Những ngày chuẩn bị đón mừng sự kiện khánh thành cầu An Đông, có dịp đến thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), không ai không nhận ra vẻ háo hức trên khuôn mặt những người dân địa phương. Không háo hức, vui mừng sao được, qua bao đời mơ ước, bây giờ, vùng đất biệt lập bên bờ Nam sông Dinh này đã kết nối với đô thị trung tâm tỉnh, mở ra một giai đoạn phát triển mới.

“Tất cả đang đổi khác, từ Phú Thọ chỉ mất 5-10 phút đi bộ qua cầu An Đông, người dân chúng tôi có điều kiện giao thương và thụ hưởng mọi tiện nghi cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội của trung tâm Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Nếu có công việc cần phải đến trụ sở phường, hay thăm bà con cũng không còn phải đi đường vòng qua ngả An Hải mất hơn 10km như trước kia nữa”- anh Lưu Giang Nam, Trưởng thôn Phú Thọ hào hứng nói. Nếu ai đã từng đến Phú Thọ vào 15 đến 20 năm trước mới cảm thấu niềm vui tột cùng của cư dân nơi đây. Ngày ấy, được mệnh danh là “Bạch sa động”, Phú Thọ chỉ toàn những con đường cát lún không đi xe máy, xe đạp được. Thực ra, năm 2008, Phú Thọ từng có lần được “đánh thức” nhờ việc hình thành con đường vào vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung Ninh Phước. Nhưng do nằm ở một góc bên cửa biển, lại ngăn cách bởi sông Dinh, Phú Thọ vẫn là một thôn hẻo lánh, không có điều kiện phát triển. Hôm nay, với chiếc cầu An Đông nối liền bờ Bắc sông Dinh, lại có vị trí sát đường ven biển, Phú Thọ mới thật sự được “đánh thức”.

 
Cầu An Đông. Ảnh: Văn Miên

Như bao vùng dân cư ven biển khác, trong số 604 hộ (2.800 nhân khẩu), Phú Thọ có trên 90% người dân làm nghề khai thác hải sản hoặc liên quan đến biển. Toàn thôn có 78 tàu thuyền, hầu hết đều có công suất nhỏ từ 20-30CV, ngoài đánh bắt thủy sản còn có nghề nuôi tôm hùm con. Theo những ngư dân ở đây, sự cách trở của dòng sông cũng là nguyên nhân khiến nghề cá không phát triển. Hải sản khai thác được đưa về bến đậu của thôn, hoàn toàn phụ thuộc các đầu nậu từ Cảng cá Đông Hải qua thu mua, giá thường thấp hơn giá thị trường. Muốn mua sắm ngư lưới cụ, máy móc, trang thiết bị không thể đưa cả tàu sang, ngư dân phải dùng thúng vận chuyển hoặc thuê xe chở bằng đường bộ vừa xa, vừa bất tiện. Nay thì không còn phải lo nữa, các ngư dân đang kỳ vọng nhờ chiếc cầu An Đông, các xe cơ giới trực tiếp đến vận chuyển hải sản sẽ giúp nghề cá có cơ hội phát triển hơn. Không riêng nghề biển hưởng lợi từ cây cầu, chị Nguyễn Thị Nhị, một người bán tạp hóa trong thôn, cũng chia sẻ: Bây giờ, đi lấy hàng về qua ngả cầu An Đông vừa nhanh, vừa an toàn.

Tác động của cầu An Đông đối với phát triển kinh tế-xã hội của Phú Thọ là điều hiển nhiên, nhưng có lẽ tác động thấy rõ trước hết là việc học của các cháu trong thôn. Những năm trước đây, khi lên THCS, các cháu phải đến học ở Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai ở xã An Hải, Ninh Phước. Do đường xa (khoảng 5-6km), nhiều cháu gia đình khó khăn không có phương tiện đi lại, đành bỏ học. Nhưng từ năm học mới này, nỗi vất vả ấy đã chấm dứt, chỉ cần đi bộ qua cầu An Đông là các cháu được tung tăng đến trường. Anh Nguyễn Văn Dạn, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hải, vui mừng nói: Năm học 2015-2016, trường đón 57 học sinh Phú Thọ vào lớp 6, vừa rồi có 9 em trong thôn đang học các lớp 7, 8, 9 ở Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai chuyển về, con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nhiều…

Rời Phú Thọ, đi trên cầu An Đông, phóng tầm mắt về hướng Đông, có thể trông rõ điểm cuối của dòng sông Dinh trước khi đổ ra cửa biển, ở đó thấp thoáng những tàu cá đang hướng ra khơi hoặc trở về sau chuyến đánh bắt hải sản dài ngày. Phong cảnh tươi đẹp của Phú Thọ hôm nay đang hứa hẹn triển vọng về sự bứt phá vươn lên. Từ cầu An Đông kết nối trung tâm Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, người dân địa phương có quyền mơ ước về một khu đô thị mới Phú Thọ ở bờ Nam sông Dinh trong tương lai.