Bọ xít hút máu xuất hiện tại tỉnh ta

(NTO) Như Báo Ninh Thuận đã đưa tin, vừa qua, Trung tâm Phòng chống sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng tỉnh nhận một số mẫu côn trùng từ người dân phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).

Ông Phạm Văn Ký
Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng tỉnh

Kết quả định loại, số côn trùng trên đều là loài Triatoma rubrofasciata, hay còn gọi là bọ xít hút máu (BXHM). Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Ký, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng tỉnh về loại côn trùng này.

Phóng viên: Xin ông cho biết đặc điểm, sự nguy hiểm của BXHM đối với sức khỏe con người như thế nào?

Ông Phạm Văn Ký: Những năm qua, BXHM đã được phát hiện tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tại tỉnh ta, đây là lần đầu tiên phát hiện BXHM. BXHM thuộc họ Reduviidae, là họ bọ xít bắt mồi thuộc bộ cánh nữa (Hemiptera), lớp côn trùng. Trong họ này, phần nhiều là côn trùng có ích, chuyên săn bắt côn trùng khác để ăn; song cũng có một số là loài BXHM, có kim chích dài 3 đốt, rất khỏe. Chúng sống bằng máu người hoặc động vật - khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Hiện chưa có nghiên cứu y học cụ thể nào công bố về tác hại của loài BXHM đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, khi bị bọ xít hút máu chích, đốt, trên cơ thể có các triệu chứng: sưng to, tấy đỏ, đau rát tại chỗ bị chích, đốt. Một số trường hợp bị phù nề trên diện rộng, mưng mủ, gây sốt, nhất là đối với trẻ em.

Phóng viên: Làm thế nào người dân nhận biết BXHM với các loại bọ xít khác? Cách phòng chống và biện pháp xử lý khi bị BXHM đốt, chích như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Ký: BXHM có chiều dài từ 1-3,5cm tùy thuộc vào con còn non hay trưởng thành; phần bụng rộng và dẹp; đầu thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu… Chúng không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt ở các khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. BXHM thường sống ở giường, đệm, tủ khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi… Chúng có thể làm ổ ở trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày, BXHM thường trốn vào các khe tối như khe tường, tủ… đêm đến mới hoạt động, nên con người thường không biết sự có mặt của chúng. Thông thường thời kỳ sinh sản của BXHM là vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Loài bọ xít này thường đẻ trứng trên thành giường, tủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà; trứng có kích thước khoảng 1-1,5mm và màu trắng ngà.

Người dân nên thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới nệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe tường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm…

Nếu bị BXHM đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tuyệt đối không gãi vết đốt, tránh gây trầy xước dễ viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Không nên gãi hay đánh ngay bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn. Ở vùng đã phát hiện bọ xít và trứng bọ xít thì nên ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.

Đến thời điểm này ở Việt Nam chưa phát hiện ra trường hợp nào bị bệnh do bọ xít này là trung gian lây truyền bệnh. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, tốt nhất nên thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, hướng dẫn như trên. Ngoài công tác tuyên truyền, ngành Y tế đang tiếp tục theo dõi để chủ động có biện pháp xử lý, đối phó trong trường hợp BXHM phát triển trên diện rộng nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!