Giải pháp "làm thuê"?

(NTO) Có lẽ chẳng ông thủ trưởng nào lại muốn cấp dưới, nhân viên của mình làm việc kém, ảnh hưởng đến kết quả công tác. Vậy nên, khi được giao “cầm cờ”, sếp mới cơ quan bạn tôi tổ chức ngay cuộc thi “giải pháp mới, ý tưởng mới” để nâng cao chất lượng công tác. Hiệu quả thế nào thì phải có thời gian kiểm chứng nhưng bước đầu tạo nên hiệu ứng “hiến kế” mà ai ai cũng bàn tán tham gia, hy vọng mình sẽ là người đề xuất “giải pháp mới, ý tưởng mới” hay nhất.

Thế rồi “sáng kiến” nảy nở như hoa mùa xuân. Giải pháp mới sếp cho áp dụng ngay là tổ chức ghi “nhật ký công vụ” của từng cá nhân. Mỗi người được cấp quyển sách dày cộp để ghi công việc đã làm trong ngày, tuần, tháng và trình cấp trên trực tiếp xác nhận. Vậy là, ngoài làm việc trên máy tính thì nay mỗi người có thêm kỹ năng rèn luyện chữ viết từ chép lại những gì đã làm vào sổ tay công vụ. Thời gian đầu việc ghi chép, họp hành đánh giá kết quả công tác của từng cá nhân, tập thể xem ra nền nếp. Cứ tưởng như vậy sẽ hạn chế được kiểu làm việc “shop online”, chơi game trên mạng, uống cà phê sáng… nhưng rồi đâu lại vào đó: Ghi hết sổ tay công vụ này sang sổ khác mà chuyển biến chẳng bao nhiêu.

Trực tiếp mục thị, sếp mới phát hiện ra lỗ hổng: Sổ tay công vụ chỉ làm nhiệm vụ thống kê tên việc đã làm, còn hiệu quả về thời gian, chất lượng ra sao thì không thấy đâu. “Thế này thì còn gì là kỷ luật, kỷ cương hành chính nữa”, phải có giải pháp mới triệt để hơn, sếp hạ quyết tâm. Thế là quy chế làm việc, quy định đánh giá kết quả công tác của cá nhân, tập thể được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến mọi người, rồi sau đó ban hành. Cơ chế giám sát lẫn nhau, tự đánh giá, tập thể đánh giá kết quả công tác được triển khai. Sau một tháng áp dụng sáng kiến mới, trật tự kỷ cương được củng cố và tăng cường. Việc đi làm muộn, về sớm, tranh thủ giữa giờ đi chợ, shopping… của một số cá nhân không còn.

Tiếng lành bay nhanh, một số cơ quan “copy” sáng kiến cơ quan bạn tôi về áp dụng và kết quả ngoài mong đợi. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, cụ thể ra sao chỉ những người trong cuộc mới rõ. Nhân dịp gặp nhau, tôi dò hỏi bạn: Cơ quan ông đang là điểm sáng nhất thành phố, chắc sáng kiến áp dụng do ông đề xuất phải không? Anh thừa nhận: “Từ ngày có sếp mới, cơ quan mình đổi thay rõ rệt, cái được lớn nhất không chỉ là duy trì kỷ cương, kỷ luật mà chính là hiện tượng “lợi ích” nhóm, bè phái không còn, đoàn kết nội bộ thực sự được củng cố và phát huy” và thông báo “nhưng đó là sáng kiến của sếp tớ”. Tôi tỏ vẻ tiếc nuối: “Thông minh như cậu mà chưa có sáng kiến tớ không tin”? Như gãi đúng chỗ, anh tâm sự: Thực ra thì còn nhiều việc phải làm để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực, sở trường và chất lượng công tác cơ quan mới thực sự nâng lên. Rồi bất chợt hỏi tôi: Ông còn nhớ lần tôi kể chuyện về lúc mới chuyển sang cơ chế kinh tế hộ, có anh giáo viên nhờ bạn dạy học thay trả tiền công bằng 300% chế độ dạy ngoài giờ, còn mình thì đi nuôi tôm nhờ, vậy mà có nhà lầu không? Chắc anh có ý tưởng gì mới đây, tôi nói khích: “Sao quên được, nhưng bây giờ khác, hồi đó khác, sao có thể như anh giáo viên đó được”!? Không để ý đến việc tôi trả lời, anh tiếp tục: Ông cứ nghĩ xem, ở đâu cũng vậy, người thì làm không hết việc, người thì không có việc làm. Cấp trên giao việc họ nhận hết, làm xong hết nhưng hiệu quả sử dụng thì bằng không, để rồi người khác phải làm thay. Có điều bất bình đẳng ở chỗ chế độ tiền lương như nhau không khuyến khích được người tài giỏi, còn số “cắp ô” thì vẫn yên vị như “hòn đá tảng”. “Vậy theo ông thì giải pháp nào để ít nhất là hạn chế “bất bình đẳng” trong mỗi cơ quan, đơn vị”?

Bị hỏi ngược, tôi phản xạ như cái máy: Đơn giản, báo chí đang nói ầm ầm việc xác định vị trí việc làm của mỗi cá nhân, rồi tinh giản biên chế những ai hai năm không hoàn thành nhiệm vụ… Nghe xong anh cười: Ai ngờ đến ông cũng mắc bệnh “cán bộ phòng lạnh”, rồi giảng giải: Tình hình này chỉ có giải pháp làm thuê mới trả lại đúng bản chất của lao động là làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít và không làm thì… đói”. Trở lại chuyện cơ quan tớ đúng đang là điểm sáng nhưng liệu có thực sự bền vững khi vẫn còn đó người làm nhiều hưởng ít, người giỏi không hơn người yếu kém. Vậy nên, ai làm không được thì bỏ tiền ra “thuê” người khác làm cho mình để ít ra kết thúc năm công tác ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ đúng nghĩa. Nghe bạn nói, tôi như bừng tỉnh: Cậu đúng là thông minh, nếu được vậy tớ cũng xin “làm thuê” để còn có tiền sử dụng mỗi khi có chuyện hiếu hỉ, chứ ngửa tay xin vợ “em ơi!...” đúng là mất mặt “cánh mày râu”!

Có lẽ cụm từ được mọi người hay nhắc trong mỗi lần họp hành là “làm chủ”. Theo đó, trong mỗi tập thể dù nhỏ hay lớn thì mỗi cá nhân đều là chủ, còn “làm thuê” chỉ là chuyện bên lề góp vui lúc bạn bè gặp nhau cuối tuần. Giải pháp “làm thuê” của anh bạn tôi chỉ là ý tưởng, có thể phản ánh một phần thực trạng ở một số cơ quan, đơn vị và biết đâu đấy nó gợi mở đôi điều đối với các nhà lãnh đạo, quản lý trong việc sử dụng nguồn nhân lực tối ưu nhằm phát huy tiềm năng của họ trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh để phát triển hiện nay.