Vấn đề hôm nay:

Gỡ “khó” cho du lịch “cất cánh”!

(NTO) Những năm gần đây, bằng nhiều nỗ lực, nhìn chung du lịch tỉnh nhà đã có nhiều đổi mới và phát triển cả về cơ sở vật chất, tăng nhiều loại hình du lịch, thay đổi cung cách phục vụ… Mặt khác, thương hiệu du lịch Ninh Thuận được quảng bá ngày càng rộng rãi trong và ngoài nước nên đã thu hút du khách đến nghỉ dưỡng tại các cơ sở du lịch trong tỉnh ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước và bình quân không dưới 20%/ năm.

Chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, toàn ngành đã đón trên 1,38 triệu lượt du khách, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 25% so với năm trước. Trong số này có trên 95.000 lượt du khách quốc tế, tăng 11,76% cùng kỳ. Theo tính toán, cùng với tăng lượt du khách đã đem đến nguồn thu nhập xã hội đáng kể với trên 550 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước… Phát huy “thắng lợi” đó, năm 2015 toàn ngành tiếp tục đặt ra mục tiêu thu hút 1,5 triệu lượt du khách, trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế, đồng thời tỷ lệ thuận với đó là thu nhập xã hội sẽ tăng lên ước chừng 630 tỷ đồng.

Du khách nước ngoài nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Ninh Chử.

Có thể nói toàn ngành đã có bước khởi đầu khá thuận lợi, theo ước tính trong quý I này sẽ thu hút trên 450.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ta, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, những con số nêu trên cũng chưa thể làm nên “sức bật” mới cho du lịch tỉnh nhà bởi thực tế cho thấy vẫn còn nhiều “cản ngại” cả khách quan lẫn chủ quan. Đầu tiên cần đề cập đến, đó là nhận thức về phát triển du lịch còn nhiều điều đáng nói trong lãnh đạo một số ngành, địa phương và nhân dân. Do vậy đã dẫn đến hệ quả là sự phối hợp từ tạo điều kiện đầu tư hạ tầng, tổ chức tour, tuyến, quảng bá xúc tiến đến tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù từng vùng, miền… để thu hút du khách chưa được chặt chẽ, “ăn ý” với nhau. Tất nhiên trong vấn đề này còn có yếu tố khách quan là nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập… Nhân lực cho ngành du lịch cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thực trạng hiện nay là tỷ lệ được đào tạo chuyên nghiệp chưa nhiều nên cung cách phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu du khách. Vấn đề cũng cần đặt ra là các dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu du khách như ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm, nhà hàng, quán bar… tuy có nhưng vẫn còn manh mún, lại thiếu đầu tư chuyên nghệp nên mới ở tầm “bình dân”, trong khi nhu cầu về các nhà hàng Âu, Á có quy mô tương đối để phục vụ đối tượng du khách có yêu cầu cao như khách quốc tế… lại chưa có!. Đó là chưa nói đến các dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí nhất là khai thác các lợi thế của biển như lướt ván diều, ca nô, Jetski… chưa được đầu tư đúng mức, phần lớn còn dưới dạng tự phát của một số nhóm du khách có nhu cầu… Vấn đề tuy nhỏ nhưng lại không… nhỏ đó là vệ sinh môi trường tại các làng nghề, ven biển, khu di tích văn hóa… chưa được tốt nên dễ tạo ấn tượng không đẹp cho du khách.

Suy cho cùng, để du khách đến đi và trở lại nhiều lần đòi hỏi phải có sự cuốn hút bằng nhiều hình thức, nhất là phải tạo sự hấp dẫn từ nghỉ dưỡng đến vui chơi, giải trí, trong đó có cả tình cảm của “đất” và “người” sở tại. Đặt ra vấn đề này để thấy rằng muốn du lịch tỉnh nhà “cất cánh” trước tiên là phải nhận rõ hạn chế để khắc phục có hiệu quả, chắc chắn.