Bộ đội đặc công tỉnh phối hợp chiến đấu giải phóng quê hương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975

(NTO) Bộ đội đặc công tỉnh Ninh Thuận ra đời trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (ngày 18-9-1952 tại Núi Rồng, thuộc chiến khu Anh Dũng– CK7), với đơn vị đầu tiên của tỉnh gồm 12 chiến sỹ, do đồng chí Trịnh Cửu làm Đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thế Ninh làm Đội phó. Ngay sau khi được thành lập, bộ đội đặc công tỉnh đã tích cực huấn luyện, rèn luyện, xây dựng và phát triển lực lượng trở thành đội quân tinh nhuệ về kỹ chiến thuật, nhanh nhẹn, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu và đã bước vào thực hiện nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả cao ngay từ những trận đầu.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng đặc công tỉnh liên tục tổ chức các trận tiến công tiêu diệt hệ thống tháp canh, đồn, bốt của địch và hỗ trợ các đơn vị vũ trang trong tỉnh làm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, chống địch càn quét, đánh phá vào khu căn cứ, khu dân sinh của ta; đột nhập vào các khu địch dồn dân để vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá tề, xây dựng cơ sở. Điển hình là các trận đánh đồn Hoài Trung (rạng sáng ngày 5-4-1954), Hữu Đức (rạng sáng ngày 10-4-1954) và đồn ga Cà Ná (đêm ngày 30-4-1954), tiêu diệt hệ thống công sự trận địa kiên cố của địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược và quân trang, quân dụng, giải phóng nhân dân thoát khỏi khu tập trung, trở về làng cũ. Phát huy thắng lợi giòn giã của các trận đầu ra quân, lực lượng đặc công tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị vũ trang trong tỉnh lần lượt tiêu diệt các đồn: Lạc Nghiệp, Hậu Sanh, Vụ Bổn, Từ Tâm, bót Bình Quý, đồn Đắc Nhơn, Bỉnh Nghĩa, Mỹ Tường, tiểu khu Ninh Chử, đồn Mỹ An, Phước An… đã làm cho quân địch khiếp sợ.

Tuy mới ra đời, song bằng những kỹ thuật, chiến thuật tinh nhuệ, bộ đội đặc công đã mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng kẻ thù xâm lược. Trong điều kiện trang bị kỹ thuật phục vụ cho đánh địch có công sự vững chắc của lực lượng vũ trang tỉnh còn nhiều hạn chế, bộ đội đặc công ra đời đã phát huy chiến thuật mới, tạo thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang tỉnh, góp phần đánh bại chiến thuật phòng ngự bằng cứ điểm và tháp canh của địch trên chiến trường Ninh Thuận.

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, phần lớn cán bộ, chiến sỹ đơn vị đặc công tập kết ra Bắc, chỉ còn một số đồng chí được phân công ở lại hoạt động bí mật theo chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là có Nghị quyết 15 của Trung ương (khóa II) về phương thức tiến hành cách mạng ở miền Nam, lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận được hình thành để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân. Ngày 15-10-1959, các chiến sỹ đặc công được chi viện cho chiến trường Ninh Thuận đợt đầu tiên về đến xã Phước Trung (huyện Bác Ái), gồm 3 đồng chí Nguyễn Thế Ninh, Phùng Hưng, Bùi Xuân Dũng và được Tỉnh ủy, Tỉnh đội giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, bảo vệ căn cứ, diệt ác trừ gian, phá kìm, phối hợp xây dựng cơ sở quần chúng trong vùng địch tạm chiếm, chuẩn bị điều kiện, địa bàn cho bộ đội tập kết trở về hoạt động.

Lần đầu tiên sau khi từ miền Bắc trở về, ngày 5-11-1959, tại căn cứ Bác Ái Tây, các chiến sĩ đặc công nổ súng tiêu diệt 2 tên thám báo địch khi chúng đang lùng sục địa bàn để thực hiện âm mưu dồn dân về các khu tập trung.

Trong những năm từ 1961 đến cuối năm 1964, lực lượng đặc công tỉnh quân số tuy ít nhưng đã phối hợp các đơn vị vũ trang trong tỉnh đột nhập, bắt sống và tiêu diệt một số tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân ở các ấp La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức, Cà Thé; tiến công địch tại các khu tập trung dân ở Suối Nhúc, Đá Tang, Trại Thịt, Ma Nới; đánh trả và tiêu diệt địch thuộc đại đội lính bảo an hành quân càn quét vùng Rồ Ôn, Ma Nới; tập kích tiêu diệt một số tên địch tại ấp Mỹ Tường và các thôn Phương Cựu, Vĩnh Hy, Thái An, Mỹ Hòa,… tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều tháp canh, cứ điểm, đồn bốt, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và giải phóng hàng ngàn dân trong các khu tập trung, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Đầu năm 1965, sau khi được bổ sung quân số, đơn vị đặc công của tỉnh lấy phiên hiệu là Đội 402, với hơn 20 chiến sỹ, do đồng chí Phùng Hưng làm Đội trưởng. Sau một thời gian huấn luyện bổ sung, kiện toàn lực lượng, đêm ngày 21-3-1966, Đội đặc công 402 phối hợp với các đơn vị bộ binh của tỉnh tổ chức trận đánh vào yếu khu Nha Tiên Lễ (thôn Văn Lâm, nằm về phía Đông- Đông Nam của tỉnh), là một đơn vị hành chính kìm kẹp nhân dân và là cứ điểm có hệ thống công sự vững chắc; kết quả tiêu diệt gọn 1 đại đội lính bảo an, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và quân trang, quân dụng.

Sau chiến thắng Nha Tiên Lễ, Tỉnh đội quyết định thành lập Đại đội đặc công lấy phiên hiệu là C311 trên cơ sở quân số của Đội đặc công 402 được bổ sung một số chiến sĩ. Đại đội đặc công 311 của tỉnh gồm có 30 đồng chí, chia thành 3 trung đội (phân đội). Sau khi thành lập, để ghi dấu ngày ra đời của đại đội, Ban Chỉ huy đại đội lên kế hoạch và được Tỉnh đội đồng ý cho đánh một trận độc lập theo sở trường của bộ đội đặc công, mục tiêu là cảng hậu cần Ninh Chử. Đêm ngày 15-5-1966, toàn đại đội nổ súng tiến công, tiêu diệt 1 tiểu đội lính Mỹ, 1 tiểu đội lính Ngụy, phá hủy nhà máy bơm dầu, bắn cháy 2 xe bọc thép M.113, 1 xe vận tải GMC. Đây là trận diệt Mỹ đầu tiên của bộ đội đặc công Ninh Thuận.

Phát huy thành tích vang dội của trận đánh vào cảng hậu cần Ninh Chử, trong suốt những năm 1965-1972, Đại đội đặc công 311 liên tiếp dùng cách đánh linh hoạt, tinh nhuệ, mưu trí, dũng cảm; lúc thì đánh độc lập, khi thì phối hợp với các đơn vị trong lực lượng vũ trang của tỉnh tiến công địch ở khắp mọi nơi, từ các đơn vị địch đóng chốt ở vòng ngoài, đến các sở chỉ huy của chúng tại trung tâm đầu não Phan Rang–Tháp Chàm, hay sân bay, bến cảng được bao bọc bằng những hàng rào lưới kẽm gai, mìn các loại và lực lượng lính canh dày đặc; lúc ẩn, lúc hiện, Đại đội đặc công 311 đã đánh hàng trăm trận, tiêu hao, tiêu diệt hàng trăm tên địch và nhiều cứ điểm của chúng, nhất là những trụ sở của quân Mỹ đóng tại Phan Rang và sân bay.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27-1-1973), địch đưa quân lấn chiếm sâu vào khu căn cứ của ta, gây cho ta nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, chúng lập chốt ở đập Ô Cam nằm sâu trong vùng giải phóng, nhằm ngăn chặn ta đánh sân bay Thành Sơn. Nhận nhiệm vụ đánh địch, đêm ngày 23-12-1973, Đại đội đặc công 311 gồm 40 chiến sỹ do Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ huy, đã tổ chức tập kích, phá hủy hoàn toàn chốt Ô Cam, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Tháng 10-1974, Đại đội 311 tổ chức một bộ phận gọn nhẹ, luồn sâu vào khu vực nhà vòm sân bay Thành Sơn, tiêu diệt một tiểu đội lính gác, phá hủy 6 máy bay F.105 và kho bom hơn 10 ngàn tấn, làm suy yếu đáng kể sức chiến đấu của địch.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cuộc kháng chiến ở miền Nam diễn ra rất sôi động, so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi nhanh chóng, có lợi cho cách mạng và thời cơ giành thắng lợi lớn xuất hiện. Thời gian này, địch hết sức đề phòng, bắt đầu co cụm phòng thủ, giảm càn quét, lấn chiếm, tăng cường bình định vùng chúng kiểm soát, tiếp tục thực hiện chiến tranh tâm lý, gián điệp...

Để đối phó với âm mưu và hành động mới của địch, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Trung ương Đảng và Khu ủy đề ra, Ninh Thuận tập trung sức ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu và hoạt động của địch, xây dựng và bảo vệ căn cứ, mở rộng vùng nông thôn, vây ép thị xã, thị trấn, cắt đứt giao thông... tạo điều kiện để giành thắng lợi khi có thời cơ.

Những tháng đầu năm 1975, Đại đội đặc công 311 phối hợp với các đơn vị vũ trang đẩy mạnh hoạt động, đánh địch trong đồn, bốt, trong ấp chiến lược và bọn địch “bung” ra ngoài càn quét đạt nhiều kết quả, như: tấn công sâu vào sân bay Thành Sơn; diệt cứ điểm Ô Cam và giải phóng các xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Kháng của huyện Bác Ái; tập kích chi khu K’rông Pha; đánh đồn Hòa Trinh và một số nơi khác để mở rộng vùng giải phóng, tạo thế áp sát vùng địch kiểm soát.

Cuối tháng 3-1975, Đại đội đặc công 311 phối hợp với Đại đội bộ binh 610 và các đơn vị vũ trang tỉnh đánh phá có hiệu quả bọn địch lấn chiếm trên đường 11 như trận đánh chiếm cứ điểm của địch tại Cầu Chéo, Cầu Tân Mỹ chiều ngày 30-3-1975, diệt và bắt sống 17 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Đêm ngày 2-4-1975, Đại đội đặc công 311 phối hợp Đại đội bộ binh 610 tổ chức tập kích thị trấn Tân Sơn, trận địa pháo 105 ly của địch tại điểm cao 36, đánh chiếm các ấp Trà Giang, Sông Mỹ. Sau đó, tổ chức phối hợp đánh tan tác đoàn xe của địch rút chạy từ Đà Lạt xuống hướng Phan Rang và làm cho lực lượng địch ở quận lỵ K’rông Pha rúng động, cũng tháo chạy tán loạn; trận này, ta phá hủy 10 xe quân sự, diệt hơn 20 tên địch, bắt sống 7 tên, thu nhiều vũ khí, góp phần giải phóng hoàn toàn quận lỵ K’rông Pha, mở rộng hành lang để Sư đoàn 10 có đường hành quân vào tiến công địch ở Dầu Giây, Xuân Lộc và Trung đoàn 25 Tây Nguyên tiến xuống đánh địch tại khu vực Đèo Cậu, Hòn Giài, Phước Trung, trận địa pháo 105 mm của địch và khống chế sân bay Thành Sơn. Trong khi đó, tại ngã ba Cà Đú, trên đường quốc lộ 1 ở phía Bắc thị xã Phan Rang–Tháp Chàm, một bộ phận của Đại đội đặc công 311 phối hợp với Đội biệt động 314 của thị xã chặn đánh quân địch tháo chạy từ Khánh Hòa vào và phá hủy 2 khẩu pháo 105 mm của địch.

Sau khi thất thủ ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và nhiều địa bàn trọng yếu các tỉnh dọc Duyên hải miền Trung, địch hốt hoảng tìm mọi cách trấn giữ Sài Gòn– sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng vội vã xây dựng tuyến phòng thủ mạnh Phan Rang, hô hào “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn từ xa, ý đồ của chúng là “phải giữ cho bằng được Phan Rang, lập một cái lá chắn ở đây mà chặn đường bộ, đường biển của cộng sản”.

Về lực lượng, chúng thu gom bọn tàn quân ở hai tỉnh Ninh thuận và Bình Thuận để thành lập Trung đoàn bộ binh, cùng với Sư đoàn không quân số 6, Liên đoàn biệt động quân số 31, Lữ đoàn dù số 2, hai chi đoàn xe tăng–thiết giáp, một số đơn vị pháo binh 105 và 155 và quân lính ở chi khu Ninh Thuận với tổng số quân lên đến hơn 10 ngàn tên. Ngoài ra, còn có các chiến hạm túc trực ngoài biển và trên 150 chiếc các loại tại sân bay Thành Sơn sẵn sàng chi viện. Tất cả các đơn vị trên được bố trí tạo thành tuyến phòng thủ dày đặc từ Du Long vào đến trung tâm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, nơi Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 làm sở chỉ huy tiền phương. Để bảo vệ cho lực lượng chốt giữ trong tuyến phòng thủ, địch liên tục cho máy bay bắn phá các khu vực nghi có lực lượng của ta đóng quân và phá sập cầu cống ở hai hướng quốc lộ 1 và đường 11 để ngăn chặn bước tiến của quân ta.

Trong lúc địch đang lo chống đỡ với quân chủ lực của ta ở Du Long, Ban Chỉ huy Tiền phương C chủ trương sử dụng lực lượng đặc công đánh sâu vào hậu phương địch để chi phối hoạt động của quân địch. Sau khi đánh địch rút chạy trên đường 11 từ Đà Lạt xuống Phan Rang, Đại đội đặc công 311 được lệnh di chuyển về Bác Ái và nhanh chóng hành quân xuống căn cứ núi Cà Đú để chuẩn bị đánh địch tại quận lỵ Bửu Sơn (Tháp Chàm). Lúc này, lực lượng Đại đội đặc công 311 có 33 chiến sỹ (bao gồm 27 chiến sỹ đặc công 311 và 6 chiến sỹ của Đại đội biệt động 314 thị xã Phan Rang–Tháp Chàm mới được tăng cường), do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa làm Đại đội trưởng, Phan Thành Đặng làm Đại đội phó và Nguyễn Tiến Tài làm Chính trị viên.

Tối ngày 4-4-1975, toàn Đại đội 311 di chuyển từ Cà Đú vào Xóm Dừa, Đô Vinh, Tháp Chàm để làm công tác chuẩn bị nhưng không bắt được liên lạc với cơ sở bên trong nên phải lui quân về lại Cà Đú. Đêm ngày 5-4-1975, Đại đội 311 tiếp tục hành quân vào Xóm Dừa, lần này bắt được liên lạc với cơ sở. Sau khi cho toàn đơn vị bí mật ém quân ở khu vực phía Đông Bắc quận lỵ Bửu Sơn, đến 10 giờ ngày 6-4-1975, Ban Chỉ huy đại đội cùng Thị ủy, Thị đội họp bàn phương án tác chiến và phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận. Đến 12 giờ, Thị ủy họp với cơ sở bên trong để giao nhiệm vụ và phát động quần chúng nổi dậy tham gia đánh địch, giành chính quyền. Lúc này, cơ sở của ta đã cảm hóa được 25 người thuộc lực lượng phòng vệ dân sự của địch ở Đô Vinh làm nội tuyến cho ta và tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đại đội đặc công 311 tham gia đánh địch. Đến 17 giờ 30 phút, ngày 7-4-1975, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa, các mũi triển khai đội hình chiến đấu trên các hướng như sau:

- Mũi 1 (mũi chủ yếu): Do Đại đội phó Phan Thành Đặng chỉ huy, gồm 10 chiến sỹ đặc công và 6 phòng vệ dân sự nội tuyến, chia làm 2 tổ, có nhiệm vụ đánh vào cơ quan đầu não của quận lỵ Bửu Sơn, phát triển đến ngã ba chợ Tháp Chàm và đánh chiếm trại Nguyễn Hoàng của địch; sau đó chốt giữ vị trí sẵn sàng đánh địch từ hướng Phan Rang lên tiếp viện.

- Mũi 2 (mũi thứ yếu 1): Do Chính trị viên đại đội Nguyễn Tiến Tài chỉ huy, gồm 10 chiến sỹ đặc công và 4 phòng vệ dân sự nội tuyến, có nhiệm vụ đánh chiếm ngã ba Ngân hàng, Nhà đèn, Nhà ga, núi Tháp; sau đó chốt giữ vị trí sẵn sàng đánh địch từ sân bay Thành Sơn ra tiếp viện.

- Mũi 3 (mũi thứ yếu 2): Do đồng chí Phạm Tất Thắng chỉ huy, gồm 10 chiến sỹ đặc công và 4 phòng vệ dân sự nội tuyến, có nhiệm vụ đánh chiếm cầu Móng, Trung tâm huấn luyện An Phước, sau đó chốt giữ vị trí sẵn sàng đánh địch từ Phước Đồng chi viện.

Đến 7 giờ, ngày 8-4-1975, địch tổ chức lực lượng phản kích gồm 3 tiểu đoàn bộ binh trang bị hỏa lực mạnh có máy bay, pháo binh, xe tăng, xe bọc thép hỗ trợ từ 3 hướng sân bay Thành Sơn, Phan Rang và Phước Đồng đánh vào 3 chốt của Đại đội 311. Trận chiến vô cùng ác liệt, Đại đội 311 phối hợp với lực lượng du kích mật kiên cường đánh lui 16 đợt phản kích của địch, tiêu diệt nhiều tên, nhưng ta cũng thương vong một số chiến sỹ. Do lực lượng quá chênh lệch, đến tối cùng ngày, lực lượng chiến đấu của ta tại 3 chốt được lệnh rút về căn cứ núi Cà Đú.

Ngày 12-4-1975, cách Phan Rang 40 km về hướng Đông Bắc, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải thuộc quân chủ lực của ta họp cùng đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu V, Quân khu VI, Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu V) bàn kế hoạch tiến công đập tan “lá chắn thép” Phan Rang của địch. Qua đó, quyết định sử dụng Sư đoàn 3 có tăng cường Trung đoàn 25 (từ Tây Nguyên mới hành quân xuống), hình thành 3 mũi đánh vào 3 mục tiêu là thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn và cảng Ninh Chử. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Ninh Thuận mà chủ yếu là bộ đội đặc công phục vụ cung cấp tình hình trinh sát dẫn đường, hiệp đồng đánh địch, truy quét tàn quân.

Sáng ngày 14-4-1975, quân chủ lực bắt đầu tiến công, sử dụng trọng pháo và xe tăng đột kích đánh thẳng vào tuyến phòng thủ của địch trên đường 1 tại khu vực Du Long–Kiền Kiền. Địch bị vỡ phòng tuyến, tháo chạy tán loạn về hướng thị xã Phan Rang. Đến khu vực Ba Tháp–Hộ Diêm, quân địch tiếp tục bị Đại đội đặc công 311và Đại đội biệt động 314 thị xã từ căn cứ Cà Đú vận động xuống đánh tạt sườn gây tổn thất nặng nề.

Đến 5 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975, sau khi phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Du Long, Sư đoàn 3 được Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải tăng cường đoàn xe tăng của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tiếp tục tiến công địch trong hành tiến và phá vỡ các tuyến phòng thủ ở Hộ Diêm vào đến Cà Đú và bắt liên lạc với Đại đội 311. Theo sự phân công của cấp trên, Đại đội 311 cử lực lượng dẫn đường cho quân chủ lực đánh chiếm tiểu khu Ninh Thuận và thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn, khu vực Tháp Chàm và một mũi vu hồi đánh địch tháo chạy ở Ninh Chử. Đúng 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975, tại Phan Rang, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Hành chính tỉnh Ninh Thuận. Đến trưa cùng ngày, quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay Thành Sơn và khu vực Tháp Chàm.

Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta trên các hướng, các mũi, địch chống cự yếu dần rồi tháo chạy hỗn loạn, bỏ lại tất cả vũ khí, trang bị, phương tiện, khí tài quân sự, kể cả máy bay và pháo các loại. Một bộ phận tàn quân tháo chạy về hướng cảng Ninh Chử đã bị quân chủ lực và bộ đội địa phương chặn đánh tan tác.

Sau khi dẫn đường cho quân chủ lực đánh chiếm các mục tiêu, Đại đội đặc công 311 được lệnh đóng quân tại trại Nguyễn Hoàng ở Tháp Chàm, kiểm soát toàn bộ quận lỵ Bửu Sơn, Trung tâm nhập ngũ và kho hàng Nam Trung Bộ của địch.

Đến 19 giờ cùng ngày, chấp hành mệnh lệnh của Tỉnh đội, Đại đội đặc công 311 do Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ huy, đưa quân về phối hợp với Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 3 (Quân khu V) lập các chốt trên các tuyến đường quan trọng của thị xã Phan Rang, đặc biệt là trên đường 11 từ Phan Rang lên Tháp Chàm. Phát hiện có một đám tàn quân địch còn lẫn trốn lén lút, tìm cách vượt từ phía Nam sang phía Bắc đường 11 ở khu vực dọc theo mương Ông Cố-Phước Đức, cách Tháp Chàm khoảng 1 km về phía Đông, Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa triển khai đội hình phối hợp với một bộ phận Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 3) truy lùng, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên địch ngoan cố chống cự và bắt sống 25 tên, trong đó có tên Phạm Ngọc Sang, Chuẩn tướng, Phó Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 của địch. Sau đó, các đơn vị tiếp tục truy lùng dọc theo con mương khoảng 200 m thì bắt được một đám tàn quân khác khoảng 50 tên, trong đó có tên Nguyễn Vĩnh Nghi, Trung tướng Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 của địch.

Ngay sau khi phối hợp bắt được 2 tên tướng địch cùng đám quân bại trận, được lệnh của Tỉnh đội, Đại đội 311 bàn giao tất cả tù binh, hàng binh cho đơn vị quân chủ lực Sư đoàn 3 và triển khai đội hình tiếp tục truy lùng tàn quân địch từ khu vực Phước Đức-Mỹ Đức trên đường 11 xuống đến ngã ba Đài Sơn và đóng quân chốt giữ tại Trường Trung học Pô Klong.

Đến 23 giờ, ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng; “lá chắn thép” Phan Rang–Tuyến phòng thủ mà địch tập trung binh-hỏa lực và phương tiện kỹ thuật quân sự mạnh nhằm bảo vệ Sài Gòn từ xa, đã bị quân và dân ta đập tan hoàn toàn. Những nỗ lực của địch lập chốt chặn Du Long và tuyến phòng thủ Phan Rang tuy có gây khó khăn cho ta, nhưng không thể cản được đà tiến công thần tốc của quân ta hướng về Sài Gòn, mục tiêu cuối cùng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Kết quả phối hợp chiến đấu với các lực lượng trên các hướng, mũi được phân công trong các ngày từ đầu năm 1975 đến khi Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng (16-4-1975), Đại đội đặc công 311 Ninh Thuận đã tham gia tiêu diệt gần 70 tên địch, bắt sống trên 300 tên, tịch thu gần 500 súng các loại, 16 máy PRC–25, 2 xe GMC và 2 xe Jeep cùng nhiều quân trang, quân dụng, phá hủy 10 xe quân sự các loại và 2 khẩu pháo 105 mm.

Sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng đặc công Ninh Thuận với các đơn vị lực lượng vũ trang của Bộ, Quân khu và của tỉnh trong cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, góp phần tạo sự biến chuyển mạnh mẽ về cục diện chiến trường Ninh Thuận hoàn toàn có lợi cho ta. Với chiến thắng của việc đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, ta đã làm cho tinh thần binh lính địch thêm hoang mang, rệu rã, không còn sức chiến đấu. “Tuyến phòng thủ từ xa” của địch bị tan vỡ từng mảnh là thời cơ mở rộng đường cho đại quân của ta tiến sát cửa ngõ Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc hội quân cùng các cánh quân khác tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua thực tiễn phối hợp chiến đấu với các đơn vị lực lượng vũ trang trong giải phóng Ninh Thuận mùa Xuân năm 1975, Đại đội đặc công 311 rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

- Luôn nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành chủ trương, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch của cấp trên để xây dựng phương án phối hợp hiệp đồng tác chiến phù hợp với thực tiễn chiến trường; luôn bám sát chiến trường, kịp thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn để bổ sung, hoàn chỉnh phương án đánh địch nhằm đạt kết quả cao nhất, bảo toàn lực lượng tốt nhất.

- Phát huy truyền thống của đơn vị, đoàn kết nhất trí nội bộ, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo trong mọi tình huống, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để chiến thắng kẻ thù.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của đường lối chiến tranh nhân dân, tin dân, dựa vào dân để xây dựng và phát triển lực lượng ngày càng lớn mạnh, rộng khắp, tạo chỗ dựa vững chắc, đồng thời phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

- Luôn chú trọng tập trung xây dựng đơn vị cả về số lượng và chất lượng; trong điều kiện quân số còn ít nhưng luôn biết phát huy tốt lối đánh sở trường của bộ đội đặc công “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, lấy chất lượng bù số lượng là một trong những biện pháp cơ bản, chủ yếu để thực hiện tốt việc phối hợp hiệp đồng trong quá trình chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.