Giải phóng Ninh Phước - Một bộ phân quan trọng của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở Ninh Thuận

(NTO) Ninh Phước là huyện đồng bằng ven biển, nằm về phía Nam tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc giáp thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, phía Nam giáp huyện Thuận Nam, phía Tây giáp huyện Ninh Sơn và dãy núi Trường Sơn, phía Đông giáp biển Đông. Trung tâm huyện Ninh Phước nằm trên quốc lộ 1A và đường sắt Bắc–Nam, cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 10 km. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 xã, thị trấn, dân số 130.614 người, trong đó dân tộc kinh chiếm 67,22%, dân tộc Chăm chiếm 30,53%, dân tộc Raglai chiếm 1,85% và một số dân tộc khác chiếm 0,4%. Huyện được thiên nhiên cấu tạo thành thế liên hoàn cả 3 vùng: rừng núi, đồng bằng, vùng biển. Núi rừng Ninh Phước tạo thành thế hùng vĩ, hiểm trở, kín đáo, có nhiều hang động, núi cao, rừng rậm liên tiếp với đồng bằng, rất thuận lợi cho việc lập căn cứ kháng chiến, che giấu lực lượng, vừa lợi thế phòng thủ, vừa lợi thế tấn công. Vì thế, Ninh Phước phần lớn là nơi đặt các căn cứ kháng chiến của Tỉnh như CK7, CK35, Anh Dũng; từ đó, Ninh Phước đã trở thành tiền đồn của căn cứ ấy và là chiến trường tranh chấp thế chiến lược giữa ta và địch.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, huyện Ninh Phước (An Phước) là huyện đồng bằng nằm ở phía Tây trục đường số 1, giữa huyện căn cứ Anh Dũng ở phía Tây và Thuận Nam ở phía Đông, nên chủ trương của Tỉnh ủy xây dựng Ninh Phước là vùng đệm, là hành lang giao liên và cơ động lực lượng giữa các vùng căn cứ với trung tâm thị xã Phan Rang-Tháp Chàm. Chính vì tầm quan trọng của địa bàn nên Mỹ-Ngụy thường xuyên bố trí nhiều căn cứ quân sự với mật độ dày đặc, nhằm thống lĩnh đường số 1 và bao vây, chia cắt các chiến khu của Tỉnh, huyện; đồng thời bảo vệ cửa ngõ phía Nam, bảo vệ cho tuyến phòng thủ Phan Rang khi quân ta tiến công từ Bình Thuận ra, hoặc là đường huyết mạch cho chúng thoát chạy khi thất thủ ở Phan Rang.

Sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, địch tăng cường bình định bên trong và ra sức đưa quân lấn chiếm vòng ngoài, nhằm thực hiện cái gọi là: “Tái thiết, hậu chiến”. Chúng thực hiện di dân, lập ấp, chốt giữ, càn ủi lấn đất ở nhiều nơi, mở rộng địa bàn kiểm soát và mở các trận càn liên tiếp phá hoại sản xuất của nhân dân, ngăn chặn đường hành lang tiếp tế của ta. Đồng thời ra sức lập đồn, lập ấp, chiếm dân, tạo căn cứ vững chắc cho chúng. Năm 1974, địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “bình định lấn chiếm” và “kế hoạch hậu chiến” một cách khẩn trương, quyết liệt hơn. Chúng tăng cường củng cố và phát triển các khu vực đã lấn chiếm và tìm cách lấn sâu vào vùng của ta hơn nữa, với các thủ đoạn dùng máy bay ném bom và phi pháo bắn phá dữ dội, đồng thời mở các cuộc hành quân thọc sâu vào căn cứ của ta, cho trực thăng đổ bộ xuống các khu sản xuất của nhân dân đánh phá và bắt cóc một số chị em phụ nữ và cháu nhỏ đưa về thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, rồi cho các cơ quan chiêu hồi, chiêu hàng rêu rao tuyên truyền là “đã bắt được Việt Cộng” và tra tấn họ một cách tàn nhẫn.

Trước tình hình đó, quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là: Phải nắm vững bạo lực cách mạng, bất kỳ trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững tay súng, giữ vững đường lối chiến lược tiến công đưa cách mạng tiến lên”, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã tăng cường lực lượng cho Ninh Phước, điều động đồng chí Phan Thanh Châu về làm Bí thư huyện ủy, điều động đại đội 209 và đội công binh của tỉnh xuống hoạt động trên địa bàn huyện. Các lực lượng vũ trang do đồng chí Trần Dương, quyền Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy tác chiến, đồng chí Nguyễn Thân làm Huyện đội trưởng.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Ninh Phước ra sức củng cố tổ chức và các đội vũ trang công tác theo yêu cầu hoạt động của từng mũi, từng địa bàn; lực lượng du kích phát triển rộng rãi, các đội công tác bám sát quần chúng tuyên truyền, vận động sẵn sàng nổi dậy cướp chính quyền, cùng các lực lượng khác đánh vào các căn cứ của Ngụy, tiêu diệt hoặc kêu chúng bỏ súng, rã ngũ đi theo cách mạng.

Bước vào đầu năm 1975, tình hình trong nước có những chuyển biến mới, thắng lợi liên tiếp của lực lượng ta ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,… báo hiệu một trận cuồng phong sắp nổ ra trên toàn miền Nam Việt Nam, đã ảnh hưởng lớn trong nhân dân và tác động mạnh mẽ đến tinh thần đấu tranh cách mạng của quân, dân An Phước. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, huyện Thuận Nam và Ninh Phước sử dụng lực lượng vũ trang và các đội công tác, kết hợp với quần chúng nổi dậy đánh bọn bảo an dân vệ, tước vũ khí, diệt ác phá tề, giải phóng từng thôn, xã. Không ỷ lại ngồi chờ quân chủ lực, Huyện ủy đã lãnh đạo các tổ công tác, nhân dân vùng lên đấu tranh khí thế cách mạng mới, thực hiện tiến công và nổi dậy giành thắng lợi tại Cà Tuông từ cuối năm 1974. Ngày 6-3-1975, bộ đội công binh, đặc công của tỉnh đã tập kích đồn Hòa Trinh, diệt gọn một trung đội địch, thu vũ khí và quân trang, quân dụng; lực lượng vũ trang của huyện và các đội công tác đột nhập vào các ấp La Chữ, Nhuận Đức, Từ Tâm, Hòa Thủy,… củng cố, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh chống địch, đồng thời rải truyền đơn kêu gọi binh lính tề vệ bỏ hàng ngũ, trở về với gia đình và nổi dậy làm binh biến. Những cuộc đấu tranh chính trị, binh vận này đã có tác động đến tinh thần binh lính địch và góp một phần làm cho bọn tề vệ rệu rã.

Trưa ngày 2-4-1975, lực lượng vũ trang và các đội công tác tiến vào chiếm giữ Hậu Sanh và phát động quần chúng phá banh đồn, bốt, ranh rào, giải tán tề vệ, thu vũ khí, tổ chức tự vệ canh phòng giữ ấp. Hậu Sanh là một ấp tranh chấp nằm trước cửa căn cứ CK7, là một tuyến phòng thủ kiên cố của địch, án ngữ vùng ven về phía Tây Nam huyện Ninh Phước, khống chế cả vùng đóng quân của ta. Nay lại được giải phóng đầu tiên, mở đường cho cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Ninh Phước.

Trên đà thắng lợi, ngày 3-4-1975, lực lượng ta chia thành 2 mũi tiến công. Mũi thứ nhất đánh chiếm Hữu Đức. Mũi thứ hai đánh chiếm La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức. Khi mũi thứ nhất tiến vào Hữu Đức bị địch phản kích quyết liệt, dùng phi pháo bắn phá liên tục nên lực lượng ta phải rút ra ngoài bám giữ địa bàn hoạt động. Mũi thứ hai kết hợp với lực lượng tại chỗ, ta đã đánh chiếm và làm chủ ấp La Chữ. Sau đó, đồng chí Hồ Hữu Hạnh và Nguyễn Thành đưa quân vào đánh chiếm Mông Đức, Nhuận Đức, dùng loa kêu gọi “binh lính tề vệ nộp vũ khí đầu hàng”. Bọn địch lũ lượt kéo tới nộp vũ khí, trang bị cho cách mạng gần 3 xe lam. Huyện ủy tổ chức cuộc mít-tinh lớn tại Mông Đức, Nhuận Đức, đồng chí Hồ Hữu Hạnh thay mặt lãnh đạo huyện nói chuyện với đồng bào, phát động quần chúng phá banh đồn bốt, ranh rào, tổ chức lực lượng canh phòng, bảo vệ trật tự an ninh trong ấp. Sau đó, lực lượng cách mạng tập trung về Mông Đức, Nhuận Đức, đồng bào rất phấn khởi, lo tổ chức cơm nước, quà bánh cho cán bộ, chiến sỹ.

Tối ngày 4-4-1975, đồng chí Nguyễn Đình Tấn, Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp xuống gặp các đồng chí trong Ban Chỉ đạo huyện Ninh Phước tại Nhuận Đức, truyền đạt chủ trương tiến công và nổi dậy của Tỉnh ủy. Theo kế hoạch, Ninh Phước có nhiệm vụ đánh chiếm Phú Quý, Vĩnh Thuận, sau đó bám giữ quốc lộ 1 kết hợp với lực lượng Thuận Nam đánh bọn địch tháo chạy ở Phan Rang-Tháp Chàm vào, giải phóng và làm chủ địa bàn.

Khoảng 2 giờ chiều, ngày 5-4-1975, lực lượng vũ trang Tỉnh, huyện đã đánh chiếm Phú Quý, đồng thời tổ chức mít-tinh tại khu chợ, đồng chí Trần Dương, Thường vụ Huyện ủy thay mặt lãnh đạo, phát động quần chúng kêu gọi binh lính tề vệ nộp vũ khí đầu hàng. Trong lúc đó, bọn địch ở Vĩnh Thuận bám giữ công sự cố thủ. Trước tình hình đó, để tránh thiệt hại cho nhân dân, ta cử đại diện đội công tác vào gặp bọn chỉ huy để thuyết phục kêu gọi giao nộp vũ khí nhưng không thành. Lúc này, tên Huỳnh Ngọc Sắng, Phó Tư lệnh FULRÔ vùng Duyên Hải, cử Vạn Thanh Bình, tự xưng là lực lượng thứ ba đến gặp ta để thương lượng, ta giữ hắn lại một đêm thương lượng nhưng không có kết quả.

Ngày 6-4-1975, địch kéo quân lên Nhuận Đức phản kích nhưng bị lực lượng ta chặn đánh bất ngờ tại Nhà thờ Phú Đức, bọn chúng bị thương vong nặng (trong đó có một đại úy), phải rút quân về Phan Rang. Vào khoảng 2 giờ chiều đến đêm, địch cho hai trực thăng bay lượn khắp các ấp ta mới giải phóng ở phía Tây Nam huyện, dùng loa kêu gọi “cán bộ, chiến sỹ Việt Cộng về quy thuận quốc gia”, chúng cho máy bay thả pháo sáng liên tục, làm sáng rực cả một vùng đóng quân của Ninh Phước.

Ở các ấp Vĩnh Trường, Từ Thiện, Sơn Hải, Từ Tâm, Hòa Thủy, Thành Tín, mũi đội công tác, du kích và nhân dân nổi dậy giải tán tề vệ, cướp vũ khí phòng vệ dân sự tự giải phóng quê hương. Các ấp dọc theo đường quốc lộ 1 gồm: Hòa Trinh, Phú Quý, Long Bình, du kích và các đội công tác cùng với nhân dân nổi dậy diệt ác, phá tề giành quyền làm chủ, tạo nên khí thế cách mạng của quần chúng rất sôi nổi.

Ngày 9-4-1975, ta tập trung lực lượng xuống Phú Quý, bám giữ đường quốc lộ 1, ngăn chặn địch từ Phan Rang rút chạy về Phan Thiết. Chúng bị thất bại nặng nề ở Phan Rang, đã điên cuồng tập trung hỏa lực kéo lên đánh phá ác liệt vào Phú Quý, Nhuận Đức, Mông Đức. Vừa nã pháo dồn dập phía trước, vừa cho bộ binh tiến theo sau, đồng thời cho máy bay lượn sát khu vực La Chữ, Hậu Sanh để áp đảo lực lượng ta, hòng mở đường tháo chạy của chúng theo đường quốc lộ. Tình hình lực lượng ta lúc này hết sức căng thẳng, một mặt phải chống sự phản kích của các đơn vị bảo an, Ngụy quân; một mặt phải đối phó bọn FULRÔ từ Vĩnh Thuận lên Hữu Đức. Huyện ủy đã lãnh đạo các lực lượng và vận động Sư Cả trong Người Chăm ra làm công tác giáo dục hậu thuẫn để ta thương lượng với địch nhưng bọn chúng vẫn ngoan cố. Tuy nhiên, lúc này đại đa số các vùng, ấp trên địa bàn huyện đã cơ bản được giải phóng, chính quyền cách mạng mới được thành lập đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục ủng hộ chi viện cho các lực lượng vũ trang tiến công địch, không cho chúng mở rộng chiếm đóng, cô lập ở Phan Rang, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tiến công đập tan “lá chắn thép” của chính quyền Sài gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận vào ngày 16-4-1975.

Với bài học chủ động lãnh đạo quân và dân trong huyện nổi dậy tiến công địch, giải phóng địa bàn, tạo thế thuận lợi cho các lực lượng khác tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi cuối cùng trên quê hương Ninh Thuận, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, luôn chủ động quan tâm xây dựng thực lực cách mạng, huy động nhân lực, vật lực phục vụ kháng chiến, tổ chức mạng lưới cách mạng chặt chẽ, vững chắc cả bên trong và bên ngoài, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, tuyên truyền tác động vào hàng ngũ của địch, làm cho binh lính Ngụy hoang mang, giao động, mất ý chí chiến đấu, góp phần giành thắng lợi.

Hai là, nắm bắt thời cơ, chủ động tiến công khoét sâu vào điểm yếu của địch, kết hợp sức mạnh tổng hợp của đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận, tạo thế và lực cho cách mạng, góp phần đập tan “lá chắn thép” Phan Rang ở Ninh Thuận.

Ba là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, kêu gọi, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Ninh Phước vượt qua khó khăn, phát huy cao độ thế tiến công, chủ động, sáng tạo và táo bạo trong cách đánh và sử dụng lực lượng, từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, góp phần bẻ gãy chiến lược phòng thủ của địch ở cửa ngõ phía Nam tỉnh.

Bốn là, Phát huy sức mạnh lực lượng vũ trang, các tổ công tác của huyện, đồng thời kết hợp sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh, lực lượng vũ trang các huyện, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, hỗ trợ bổ sung cho nhau, tạo thế và lực cho quân và dân Ninh Phước tiến lên giành thắng lợi, mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào ngày 30-4-1975.

Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng trong kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kề vai sát cánh với quân và dân trong tỉnh góp sức cùng quân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.