Lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương tháng 4 năm 1975

Những tháng cuối năm 1974 đầu năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, đã kết luận: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nỗ lực hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Bộ Chính trị còn dự kiến: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Chiến trường Ninh Thuận là nơi có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nên địch đã tập trung xây dựng thành một khu quân sự vững chắc. Tính đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, lực lượng địch đóng trên địa bàn tỉnh với hơn mười ngàn tên gồm đủ mọi sắc lính. Phương tiện chiến tranh có 118 máy bay, 263 xe quân sự. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát, bình định nông thôn, tề điệp, tâm lý chiến, thám báo,... chúng bố trí dày đặc ở những khu vực trọng điểm.

Về ta, để thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 6, Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định nhiệm vụ cấp bách cho quân và dân toàn tỉnh là: “Tập trung sức đánh phá, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm, ủi phá địa hình, dồn dân lập ấp của địch. Xây dựng và bảo vệ các khu căn cứ, mở rộng vùng nông thôn, vây ép thị trấn, thị xã, cắt đứt giao thông... Tạo điều kiện thuận lợi để giành thắng lợi lớn hơn khi có thời cơ đến”. Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập 2 Ban Chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tham gia Tổng tiến công.

Tiền phương C ở hướng Bắc tỉnh, được xác định là hướng trọng điểm. Ban Chỉ huy đóng tại xã Phước Đại, Bác Ái Đông. Lực lượng vũ trang ở Tiền phương C gồm có các đại đội: 610, 311, 317A, H15, 80 Anh Dũng, 90 Bác Ái Đông, C2 Thuận Bắc, các trung đội của Bác Ái Tây, lực lượng đội mũi công tác và du kích vành đai các xã vùng ven Bác Ái.

Tiền phương A ở hướng Nam tỉnh, Ban Chỉ huy đóng tại CK7. Lực lượng vũ trang ở hướng này gồm các đơn vị: 211C, 209, 317B, cùng lực lượng của huyện An Phước và Thuận Nam.

Thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, đứng chân tại Bắc và Đông Bắc núi Cà Đú. Lực lượng C314 và đội mũi công tác đã được triển khai, sẵn sàng phối hợp hành động khi có lệnh.

Để cuộc Tổng tiến công đạt hiệu quả, Tỉnh chủ trương chia thành 2 đợt hoạt động:

- Đợt 1: từ ngày 9-12-1974 đến ngày 2-2-1975. Mở đầu bằng các trận đánh của đơn vị 610, 311 tổ chức lực lượng tập kích địch trên đường 11 (đoạn ngã ba Ninh Bình), diệt 15 tên, bắt sống 3 tên, thu 3 súng AR15. Đêm 14, sáng ngày 15-1-1975, đơn vị 311 đặc công tiếp tục tổ chức một bộ phận đánh vào sân bay Thành Sơn, diệt 25 tên Mỹ-Ngụy, phá hủy 6 máy bay. Cũng trong tháng, đơn vị đã tổ chức tập kích địch tại chốt Ô Cam, diệt và làm bị thương 25 tên. Tiếp đó, cùng du kích Bác Ái Đông vây lấn, đánh bức rút chốt này. Lực lượng Bác Ái Tây liên tục phục kích đánh địch tuần tiểu khu vực quận K’rông Pha, làm cho địch ở đường 11 thương vong và rất hoang mang, dao động.

Ở An Phước, ngày 6-2-1975, đại đội 209 tổ chức vây ép, đánh bức rút địch trong chốt Cà Tuông, xóa sổ 1 trung đội, thu toàn bộ vũ khí. Đơn vị 211C phối hợp cùng lực lượng huyện tập kích, diệt trung đội dân vệ ở Hòa Trinh.

Phía Thuận Nam, Thuận Bắc, lực lượng ta cũng hoạt động mạnh, đã hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh của quần chúng phá ấp, bung ra làm ăn.

Sơ kết hoạt động đợt 1, toàn tỉnh đã đánh 92 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 378 tên, tiêu diệt 2 trung đội, bức rút 2 chốt, phá hủy 6 máy bay, 4 xe ủi, đánh sập 6 trụ điện cao thế, phá hỏng 1 cầu và 1 ống dẫn nước của nhà máy thủy điện Đa Nhim. Kết quả đợt hoạt động tuy mức độ còn hạn chế, hiệu quả chưa cao nhưng đã có tác động lớn cho phong trào cách mạng của quần chúng trong vùng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng bên ngoài áp sát các mục tiêu quan trọng.

Trên chiến trường Bắc miền Trung và Tây Nguyên, sau mùa khô 1974–1975, nhất là thất thủ Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, địch rơi vào tình thế suy yếu nghiêm trọng, chúng gấp rút chuyển vào phòng ngự chiến lược, co cụm, cố giữ những vị trí quan trọng và then chốt nhất. Ở Ninh Thuận, địch ráo riết đôn quân bắt lính, tăng cường phòng thủ trong sân bay Thành Sơn, cảng Ninh Chử, kết hợp với kìm kẹp, khống chế quần chúng, nhằm ngăn chặn các đòn tiến công của quân ta.

Thời cơ lịch sử đã đến, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy tỉnh đội quyết định: Bước vào hoạt động đợt 2, bắt đầu từ ngày 6-3-1975 với khí thế quyết tâm thật cao độ. Quán triệt chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 6: Đợt 2, phải phối hợp chặt giữa các lực lượng để giải phóng hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy tiếp tục hoạt động mở rộng địa bàn, nhằm vào các mục tiêu mà địch đã lấn chiếm, đưa phong trào đấu tranh của quần chúng tiến lên giành quyền làm chủ. Để tăng cường lực lượng cho phía trước, Tỉnh đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, du kích ở các huyện căn cứ bổ sung cho các đơn vị đẩy mạnh hoạt động đánh địch trên đường 11, vòng ngoài của sân bay Thành Sơn và quận Du Long.

Hướng Tiền phương C, thành lập Ban Cán sự đường 11 trực tiếp chỉ đạo lực lượng Bác Ái, Anh Dũng phối hợp C311, 610 tiến công địch ở Krông Pha, sẵn sàng chặn đánh địch tháo chạy trên hướng Lâm Đồng xuống và khi có thời cơ giải phóng ngay đường 11. Thực hiện chỉ đạo, đêm ngày 15-3-1975, đơn vị 311 tập kích bót Cầu Chéo, đơn vị 610 và 317A làm nhiệm vụ chặn viện. Kết quả diệt 1 tiểu đội, phá sập bót, thu 4 súng. Đêm ngày 21-3, một bộ phận của đơn vị 610 cùng lực lượng vũ trang 311 và 317A, tập kích vào ấp Mỹ Hiệp, tiêu hao trung đội dân vệ. Tiếp theo, đêm ngày 29-3, cũng lực lượng trên tập kích ấp Quảng Thuận, bọn dân vệ và phòng vệ dân sự ở đây bỏ chạy, ta bắt sống 9 tên, thu 12 súng. Sau đó, lực lượng triển khai làm công tác tuyên truyền về chính sách của Mặt trận giải phóng cho đồng bào công giáo.

Đầu tháng 4, đơn vị 610 cùng lực lượng 311 triển khai lực lượng phục kích ở Trà Co, diệt trung đội dân vệ, các đội mũi công tác dọc đường 11 liên tục bám dân, vũ trang tuyên truyền đồng thời tổ chức những trận đánh nhỏ, lẻ, kết hợp gài mìn tự tạo trên đường, phá hủy 1 xe GMC chở đầy lính.

Đội mũi công tác Thuận Tây và lực lượng huyện Bác Ái Tây đã mưu trí, dũng cảm, tập kích tiêu diệt 1 trung đội biệt kích ở Hòn Vàng, thu nhiều vũ khí.

Hướng An Phước, ta phát triển mạnh cách đánh vây lấn, đã bức rút chốt Chà Vân. Ở Thuận Bắc, Thuận Nam và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, lực lượng ta đã liên tục tiến công địch, buộc chúng phải co cụm, nhân thời cơ này, ta tổ chức lực lượng thọc sâu tiêu hao sinh lực địch và phá rã bọn tề vệ. Khí thế cách mạng của quần chúng trong tỉnh đang phát triển rộng khắp và rất sôi nổi. Gần một tháng hoạt động, toàn tỉnh đã đánh trên 40 trận lớn nhỏ, diệt 134 tên địch, thu 22 súng, bức rút thêm 1 chốt, mở rộng địa bàn hoạt động trên đường 11 và huyện An Phước.

Tiếp tục thất thủ ở các tỉnh Duyên hải miền Trung, địch điên cuồng điều quân phản kích hòng chiếm lại, nhưng toàn bộ kế hoạch đều bị đập tan. Những thắng lợi to lớn liên tiếp của ta trên khắp chiến trường đã dồn địch vào thế hết sức bất lợi. Chúng gấp rút sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thành vùng III chiến thuật, cấp tốc gom quân, tăng quân, quyết giữ bằng được sân bay Thành Sơn và Phan Rang. Sau khi khảo sát, chính quyền Ngụy Sài Gòn quyết lập ở Ninh Thuận một tuyến phòng thủ mạnh và coi đây là “lá chắn thép” để bảo vệ Sài Gòn từ xa. Địch gấp rút hình thành Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang làm Phó Tư lệnh, sở chỉ huy đóng tại sân bay Thành Sơn, cùng với lực lượng chúng thu gom, điều động được lên đến hơn 10 ngàn quân đủ sắc lính, cùng với số lượng máy bay lên đến 150 chiếc các loại, hàng chục xe tăng, xe bọc thép và pháo binh bố trí dày đặc ở hướng Bắc từ Du Long vào Phan Rang và cố thủ tại sân bay Thành Sơn, Đèo Cậu.

Sau khi “lá chắn thép” cơ bản được hình thành, địch dùng không quân và pháo binh điên cuồng đánh phá vào các khu vực: Đồng Mé, Phú Thạnh, Tân Mỹ, Phước Đại, Phước Trung, Phước Kháng, Phước Chiến, Du Long,... nhằm ngăn chặn sự tiến công của ta. Trên đường 11, cầu Tân Mỹ và cầu đường sắt nối liền Tháp Chàm-Ninh Sơn-Đà Lạt bị máy bay đánh sập; quốc lộ l, nhiều cầu, cống bên ngoài Du Long cũng bị đánh phá, nhằm ngăn chặn không cho xe tăng của chủ lực ta tiến công, đánh chiếm vào thị xã Phan Rang-Tháp Chàm và sân bay Thành Sơn. Ở hướng Tây, địch sử dụng Trung đoàn 4 bộ binh phản kích, hòng chiếm lại một số ấp bị mất như: Đắc Nhơn, Lương Cang, Nha Hố... nhưng đều bị lực lượng 610 và du kích của ta đánh bật ra, buộc chúng phải co cụm lại và chốt giữ ở Đèo Cậu.

Về ta, thực hiện chỉ đạo của Quân khu 6, Ban Chỉ đạo tiền phương C điều động đơn vị 610 và 311 hành quân cấp tốc lên Bác Ái Tây phối hợp cùng lực lượng đường 11 và 317A, đêm ngày 1-4, tiến công và làm chủ 3 ấp chiến lược: Sông Mỹ, Ninh Bình và Trà Giang; đồng thời liên tục tổ chức lực lượng chặn đánh địch tháo chạy từ Đà Lạt, Bảo Lộc xuống. Sau khi làm chủ các ấp trên, đơn vị 610 và 311 thần tốc hành quân về lại Tiền phương C nhận nhiệm vụ mới: Đơn vị 3l1 đặc công hành quân ngay trong đêm xuống Cà Đú cùng lực lượng thị xã chuẩn bị tiến công Tháp Chàm, đơn vị 610 phối hợp cùng đội mũi công tác tập kích vào ấp Đồng Mé, Phú Thạnh và đánh địch phản kích từ Đèo Cậu lên, đơn vị H15 cùng lực lượng Bác Ái Đông tập kích ấp Tân Mỹ.

Đúng giờ G, đêm ngày 4-4-1975, các bộ phận đồng loạt nổ súng, các hướng tiến công đều diệt được địch, giải phóng các ấp theo nhiệm vụ được giao. Những ngày sau đó, địch phản ứng điên cuồng, chúng dùng máy bay dội bom, pháo binh bắn phá dữ dội vào các ấp Đồng Mé, Tân Mỹ, nhưng lực lượng ta vẫn bám trụ và đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.

Đến ngày 5-4, ta giải phóng hoàn toàn đường 11 đoạn từ Đèo Cậu đến đèo K’rông Pha, đồng thời nhanh chóng tổ chức ngay chính quyền tự quản cho từng thôn ấp. Cùng thời gian trên, Tỉnh đội chỉ thị cho huyện Bác Ái Đông khẩn trương sắp xếp, tổ chức lại lực lượng du kích thành 1 đại đội, triển khai bám đánh địch xung quanh sân bay Thành Sơn và sẵn sàng phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh chiếm sân bay.

Ở khu vực Phan Rang–Tháp Chàm, đơn vị 314 phục đánh địch rút chạy từ Khánh Hòa vào diệt nhiều tên, phá hủy 2 khẩu pháo 105 mm. Phối hợp với lực lượng du kích, tự vệ Xóm Dừa (Đô Vinh) đột nhập kho vũ khí tại quận Bửu Sơn, thu 30 khẩu súng, cùng nhiều đạn dược. Đêm ngày 7-4-1975, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Minh, các đơn vị đặc công 311, biệt động 314, đội mũi công tác thị xã cùng với lực lượng du kích và thanh niên nòng cốt trong Xóm Dừa đã bí mật, bất ngờ tiến công vào khu vực Tháp Chàm, đánh chiếm và làm chủ toàn bộ 2 phường Đô Vinh, Bảo An. Đồng thời, triển khai chuẩn bị tốt mọi mặt để trụ lại sẵn sàng đánh địch phản kích. Đúng như nhận định, sáng ngày 8-4-1975, từ sân bay Thành Sơn, địch dùng 3 tiểu đoàn bộ binh có máy bay, pháo binh và xe bọc thép yểm trợ, điên cuồng phản kích trên nhiều hướng hòng đánh chiếm lại 2 phường Bảo An, Đô Vinh. Lực lượng của ta tuy ít nhưng với quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bám trụ kiên cường đã đánh lui 16 đợt phản kích của địch. Kết quả, ta diệt 120 tên, bắt sống hàng trăm tên, bắn cháy 5 xe quân sự, thu 460 súng các loại và 10 máy thông tin PRC 25; sau đó lui quân về Cà Đú để củng cố đội hình, bảo toàn lực lượng.

Để phối hợp với hướng trọng điểm và tranh thủ chớp thời cơ địch đang tháo chạy hỗn loạn, Tiền phương C chỉ đạo các đơn vị của tỉnh phối hợp với bộ đội địa phương, du kích và lực lượng tại chỗ huyện Thuận Nam, An Phước nổi dậy đánh chiếm, làm chủ các thôn: Thương Diêm, Lạc Nghiệp, Sơn Hải, Từ Tâm, Hòa Thủy, Thành Tín, Vụ Bổn, Hiếu Thiện, La Chữ, Mông-Nhuận Đức, Hậu Sanh. Ở Thuận Bắc, đến ngày 7-4, ta đã làm chủ các thôn, ấp: Phương Cựu, Bỉnh Nghĩa, Xóm Bằng... Giải phóng và làm chủ đến đâu, từng thôn, ấp đã nhanh chóng phát triển lực lượng du kích, đội tự quản để đánh địch bảo vệ địa phương. Ngày 10-4, các lực lượng địa phương phía Nam tỉnh cơ bản đã đánh tan rã lực lượng địch, giải phóng các ấp và đại đa số các xã của huyện Thuận Nam và An Phước.

Đối với lực lượng chủ lực, sau khi tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng, ngày 7-4, Cánh quân Duyên Hải đã áp sát Ninh Thuận, bắt liên lạc được với Huyện ủy Bác Ái Đông. Để tranh thủ thời gian tiến quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn–Gia Định, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh trưởng và đồng chí Lê Quang Hòa, Chính ủy Mặt trận Duyên Hải đã ra lệnh cho Sư đoàn 10 nhanh chóng tổ chức lực lượng tiến quân theo đường 11, lên đường 20, xuống Dầu Dây, Xuân Lộc, áp sát hướng Tây, sẵn sàng tiến công giải phóng Sài Gòn. Các đơn vị còn lại gồm sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5 và trung đoàn 25 thuộc Quân đoàn 3 mới chi viện cho Cánh quân Duyên Hải phối hợp với quân và dân địa phương giải phóng tỉnh Ninh Thuận.

Để tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực tiến quân thần tốc, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy tỉnh đội đã huy động trên 2.000 đồng bào Bác Ái phối hợp cùng các đơn vị của Tỉnh và chủ lực trong 2 ngày mở 50 km đường từ Ba Ngòi vào Tà Lú-Ma Ty, đến Tân Mỹ. Với khí thế khẩn trương, chỉ trong 6 tiếng đồng hồ, đồng bào Bác Ái và bộ đội ta đã hoàn tất và khai thông đường. Mặt khác, lực lượng công binh của tỉnh (đơn vị 317A) đã phối hợp với lực lượng công binh chủ lực, nhanh chóng làm đường vượt sông ở đoạn cầu Tân Mỹ. Ngày 9-4, Sư đoàn 10 từ Ba Ngòi ào ạt tiến quân vào Tân Mỹ, cơ động dọc theo đường 11 lên chiếm lĩnh đường 20 theo kế hoạch với sự bí mật, bất ngờ hoàn toàn đối với quân địch đang cố thủ tại Phan Rang.

Trên hướng Cam Ranh–Du Long, để giữ vững “lá chắn thép”, lúc này, địch tập trung mọi nỗ lực với không quân, pháo binh, pháo hạm đánh phá vào đội hình các đơn vị ta, hòng ngăn cản bước tiến thần tốc của quân chủ lực ta tại tuyến phòng thủ Phan Rang.

Trước yêu cầu của chiến trường, ngày 13-4, Quân khu 6 cũng tăng cường kịp thời cho Ninh Thuận đại đội 2 và đại đội 5 bộ binh. Với quyết tâm chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải sử dụng Trung đoàn 25 cơ động theo đường từ Ba Ngòi-Tà Lú-Ma Ty tiến quân áp sát phía Tây và Tây Bắc sân bay Thành Sơn. Hướng chính diện theo đường quốc lộ 1 và đường sắt Bắc–Nam, quân chủ lực chuẩn bị tiến công địch ở Du Long–Kiền Kiền. Các đơn vị trong tỉnh tiếp tục chủ động tiến công các căn cứ còn lại của ngụy ở ngoại vi Phan Rang–Tháp Chàm và sẵn sàng hỗ trợ cho các lực lượng chủ lực tiến công vào giải phóng Phan Rang và sân bay Thành Sơn–Trung tâm chỉ huy của địch.

Mệnh lệnh tiến công của Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải đã được phát ra, sáng sớm ngày 14-4-1975, pháo binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt nã đạn vào quân địch ở Du Long, Suối Vang, Suối Đá, làm cho quân địch náo loạn. Đến 7 giờ sáng, pháo binh chuyển làn, lực lượng bộ binh nhanh chóng cơ động tiến công địch, đánh chiếm quận lỵ Du Long, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Cửa ngõ tử thủ Du Long bị thất thủ, địch rút chạy co cụm phòng thủ tại Bà Râu, Kiền Kiền, Ba Tháp quyết ngăn cản bước tiến công của quân giải phóng; đồng thời tổ chức nhiều lần phản công ta cả bằng không quân, bộ binh, pháo binh nhưng đều bị đẩy lùi. Trong thế giằng co giữa ta và địch, Bộ Tư lệnh Duyên Hải quyết định tung Sư đoàn 325 chủ lực thuộc Quân đoàn 2 mới hành quân tới để tăng viện cùng các đơn vị chủ lực Quân khu 5 và lực lượng của tỉnh phối hợp thần tốc tiến công giải phóng Ninh Thuận.

Trước sức mạnh của Đại quân ta với các đơn vị bộ binh cơ giới, pháo binh yểm trợ hành tiến đánh thẳng theo quốc lộ 1, sáng ngày 15-4, ta đánh chiếm Kiền Kiền, Ba Tháp. Sáng sớm ngày 16-4-1975, quân chủ lực ta tiếp tục dội bão lửa bằng nhiều đợt pháo binh cấp tập xuống các mục tiêu quan trọng của địch, sau đó lực lượng bộ binh và xe tăng ta hình thành ba mũi tiến công giải phóng Phan Rang, Ninh Chử, sân bay Thành Sơn. Đúng 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975, ta đánh chiếm và làm chủ toàn bộ Phan Rang, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Ninh Thuận.

Cùng với quân chủ lực, ở hướng Tây và Tây Bắc sân bay, bộ đội địa phương tiến công toàn bộ khu vực phòng thủ của trung đoàn 4 Ngụy. Sau 2 ngày chiến đấu quyết liệt các, mục tiêu ngoại vi sân bay Thành Sơn và thị xã Phan Rang đã vào tay Quân giải phóng, “lá chắn thép” của Ngụy đang lung lay sụp đổ.

Ở phía Nam, lực lượng vũ trang huyện An Phước, Thuận Nam, các đội mũi công tác và đơn vị: 317B, 209, 211C hình thành mũi tiến công giải phóng vùng phía Nam tỉnh. Trên hướng Tây Nam, đại đội 610 và đại đội 2, Quân khu 6 lần lượt giải phóng các thôn: Liên Sơn, Phước An, Phước Thiện, Ninh Quý và vượt qua cầu Móng đánh vào khu vực phía Nam phường Bảo An, đồng thời làm nhiệm vụ đón lõng không để cho bọn tàn quân trong sân bay chạy thoát.

Để không bỏ lỡ thời cơ, Ban Chỉ huy tỉnh đội điều đơn vị 211C từ An Phước, phối hợp cùng đại đội 5, Quân khu 6 phát triển theo đường 11 truy kích số địch sống sót đang chạy trốn, thu vũ khí và bắt tù binh.

Trong sân bay, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi quyết “tử thủ”. Chúng đã tập trung tối đa lực lượng hiện có để phản kích, đồng thời cũng triệt để tận dụng vào hệ thống công sự sẵn có để cố thủ. Chúng tiếp tục sử dụng hàng chục lần máy bay xuất kích và hàng ngàn quả pháo bắn phá điên cuồng vào các thôn ấp và lực lượng ta xung quanh sân bay, nhằm mục đích kéo dài thời gian để kêu quân cứu viện từ Sài Gòn ra giải vây. Nhưng với lòng dũng cảm, chí căm thù của quân dân Ninh Thuận, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của bộ đội chủ lực, quân ta đã liên tiếp dội bão lửa lên đầu bọn chúng ở sân bay Thành Sơn. Từng phút, từng giờ, cứ thu nhỏ trong vòng vây của quân ta, đến nỗi Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và đại tá Lưỡng, Tư lệnh lữ đoàn dù, không kịp lên máy bay chạy thoát, đã lén lút bỏ lại đồng bọn trong sân bay chạy trốn theo đường bộ. Trưa ngày 16-4, ta làm chủ hoàn toàn sân bay Thành Sơn, khu vực Tháp Chàm và bắt sống bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 Ngụy, trong số đó có trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và 1 sĩ quan Mỹ Gia vét lơ vít.

Ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng, là tỉnh thứ 15 ghi nhận thêm bước tiến mới, chiến công mới của quân đội ta. Quân ta đã sử dụng tổng hợp sức mạnh và nghệ thuật quân sự táo bạo, mãnh liệt để đánh vào tập đoàn phòng ngự kiên cố của địch. Chiến thắng đó cũng thể hiện sức mạnh lớn nhất và là chiến công lớn nhất của lực lượng vũ trang Ninh Thuận, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.