Huyện ủy Ninh Hải lãnh đạo quân và dân địa phương tham gia chiến đấu giải phóng quê hương tháng 4 năm 1975

(NTO) Ninh Hải là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận, có vị trí chiến lược quan trọng. Phía Bắc giáp huyện Thuận Bắc, phía Nam giáp thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, phía Tây giáp huyện Bác Ái và sân bay quân sự Thành Sơn, phía Đông giáp cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và biển Đông. Huyện Ninh Hải có hai trục đường chính đi qua là quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc-Nam. Bờ biển dài 58 km, là khu vực phòng thủ chung của tỉnh.

Ở Ninh Hải, trong những tháng cuối năm 1974, đầu năm 1975, địch vẫn tiếp tục bung ra càn quét, đánh phá vào các vùng căn cứ, bàn đạp của ta, dùng phi pháo bắn vào căn cứ: Am, Đá Hang, Cầu Gãy (CK19), lùng sục vào căn cứ Hòn Giồ, Nha Thìn (thôn Mỹ Tường), Láng Sắn, Cà Đú. Bên trong ấp, địch ra sức củng cố bộ máy kìm kẹp, tiếp tục bắt lính tăng cường cho lực lượng cảnh sát, gián điệp, chúng tổ chức tuyên truyền chiến tranh tâm lý, củng cố ranh rào, gài mìn, lựu đạn, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc hòng tiêu diệt cán bộ, chiến sỹ của ta, khống chế cơ sở cách mạng, ngăn chặn phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân. Tại chi khu Ninh Chử, địch tăng cường lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực kho, cảng để bảo đảm nguồn hậu cần cung cấp bằng đường biển.

Trong thời gian này, Tỉnh ủy Ninh Thuận chủ trương “Tiếp tục mở rộng các hoạt động và xây dựng vào mùa khô 1974-1975, đánh bại cơ bản kế hoạch bình định, lấn chiếm mới của địch, trước mắt ở vùng trọng điểm phải tập trung sức, quyết đánh bại ý đồ, kế hoạch của địch mở rộng, chia cắt, đánh chiếm căn cứ, bao vây, phong tỏa hành lang của ta, đánh phá các khu vực địch bung ra lấn đất. Kết hợp với xây dựng căn cứ phía sau lưng một bước vững chắc, toàn diện. Huy động sức mạnh của căn cứ phục vụ cho tấn công phía trước, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đột ấp, đánh diệt ác, phá kìm, phát động quần chúng nhân dân tiếp tục đánh phá địch bung ra các ấp chiến lược giành quyền làm chủ. Song song các hoạt động, phải ra sức củng cố xây dựng lực lượng chính trị vũ trang, liên lạc củng cố các bàn đạp để bám ấp, bám dân, giữ vững liên lạc trong ngoài, bảo đảm thực hiện cho được yêu cầu hoạt động mùa khô và đón thời cơ, tranh thủ giành thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Đảng bộ huyện Ninh Hải bước vào hoạt động mùa khô đông-xuân 1974-1975 trong tình hình còn nhiều khó khăn, lực lượng vũ trang và các đội công tác bị hao hụt, sức có hạn. Nhưng tình hình chung trong cả nước, cả miền có những chuyển biến rất khả quan, thuận lợi, ta giải phóng thị xã Phước Long, báo hiệu cơn bão táp nổ ra trên toàn miền Nam.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Quân khu ủy khu 6, Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định nhiệm vụ cấp bách cho quân và dân toàn tỉnh là: Tập trung sức đánh phá, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc hành quân, càn quét, lấn chiếm, ủi phá địa hình, dồn dân, lập ấp của địch. Xây dựng và bảo vệ các khu căn cứ, mở rộng vùng nông thôn, vây ép thị trấn, thị xã, cắt đứt giao thông… tạo điều kiện thuận lợi để giành thắng lợi to lớn hơn khi thời cơ đến.

Thực hiện chủ trương trên, Huyện ủy Ninh Hải chỉ đạo lực lượng vũ trang và các đội công tác phối hợp đánh địch bung ra các bàn đạp, ven căn cứ, phục kích địch tại Ba Tháp, diệt 9 tên. Lực lượng vũ trang huyện tập kích ban ngày vào trung đội dân vệ lùng sục núi Hòn Giồ, gây sát thương 8 tên. Sau đó, đánh vào Hội đồng tề ở Ba Tháp, phá hủy trụ sở, lấy tài liệu, máy đánh chữ… bọn dân vệ và phòng vệ dân sự tháo chạy tán loạn, tiếp đến đánh bọn Bảo An ở Gò Sạn, sát thương một số tên. Phía Vùng 5, lực lượng ta đã được khôi phục, tổ chức đánh trụ sở các thôn Văn Sơn, Nhơn Sơn, Đài Sơn. Lực lượng Đại đội 2 đã phối hợp với du kích thôn Cầu Gãy tấn công địch ở chốt Tây Sa (Vĩnh Hy), diệt 8 tên địch, buộc chúng phải rút chốt này. Giữa tháng 3-1975, lực lượng của ta bước vào hoạt động đợt 2, mùa khô 1975 có nhiều thuận lợi. Tuy lúc này, địch vẫn tập trung sức phản kích ta để cố giành lại thế trận, nhằm cứu vãn tình hình suy sụp.

Ở Ninh Hải, thời gian này, tình hình chuyển biến ngày càng thuận lợi. Phát huy khí thế chung, Huyện ủy Ninh Hải chỉ đạo lực lượng vũ trang tiếp tục đột nhập vào ấp, các mũi, đội công tác bám sát bàn đạp, trực tiếp với cơ sở giáo dục, phổ biến tình hình nhiệm vụ mới, phát động quần chúng đấu tranh chính trị-binh vận, kêu gọi tề vệ bỏ hàng ngũ, về nhà làm ăn. Các hoạt động của ta đã làm tê liệt bộ máy kìm kẹp ở ấp Thái An, Mỹ Hòa. Lúc này, ta tập trung lực lượng ra phía trước. Lực lượng vũ trang huyện, du kích các xã, đội công tác đột nhập vào nhiều ấp, tranh chấp quyết liệt với địch. Tại Ba Tháp, ta phục kích đánh địch bung ra đi càn, diệt 9 tên. Ngày 29 và 30-3-1975, đội Bắc Phong với C2 phối hợp với lực lượng bên trong tiến đánh vào Ba Tháp, phá hủy trụ sở hội đồng tề ở 2 thôn, thu vũ khí của phòng vệ dân sự, 2 máy đánh chữ, hàng chục khẩu súng. Lúc này ở các ấp Thái An, Mỹ Hòa, Phương Cựu, ta và địch giành nhau từng tấc đất làm chủ bên ngoài và tranh nhau từng giờ làm chủ bên trong ấp. Đội du kích Bắc Trạch (xã Phương Hải ngày nay) phối hợp với lực lượng vũ trang huyện tấn công ấp Phương Cựu, Xóm Bằng, bọn tề vệ bỏ chạy, quần chúng nổi dậy và từng bước làm chủ thôn, xóm.

Tin chiến thắng trên khắp chiến trường đã cổ vũ quân và dân Ninh Hải tiến lên tấn công địch. Nhân cơ hội hàng ngũ địch đang rối loạn, lúc 2 giờ chiều ngày 2-4, lực lượng vũ trang huyện và các đội công tác đánh bật bọn tề vệ ở 2 thôn Thái An, Mỹ Hòa và làm chủ địa bàn. Lúc này, tại xã Bắc Khánh (Khánh Hải hiện nay), quân địch ở quận Thanh Hải, chi khu Ninh Chử rút chạy, bỏ ngỏ, bọn tề Ngụy xã, thôn tan rã; ở Dư Khánh, bọn tàn quân bỏ chạy, chôn lựu đạn, súng, máy đánh chữ, lực lượng ta đã phát hiện và thu hồi. Tiếp tục chớp lấy thời cơ, lực lượng cơ sở, cốt cán bên trong chủ động, hướng dẫn thanh niên xung kích và nhân dân nổi dậy lấy súng địch bỏ lại để tự trang bị, tổ chức các đội tự vệ vũ trang chống trộm cướp, bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân. Các thôn Dư Khánh, Ninh Chử đều tổ chức được từ một tiểu đội đến một trung đội tự vệ vũ trang và được trang bị vũ khí để bảo vệ xóm làng. Suốt thời gian địch bỏ ngỏ, nhân dân xã Bắc Khánh đã thực sự làm chủ xóm làng. Trong các ngày 3 đến ngày 5-4-1975, lực lượng ta đồng loạt tấn công vào các thôn Phương Cựu, Xóm Bằng, Mỹ Phong, Mỹ Tân và một số nơi ở Dư Khánh, Văn Sơn… bọn tề vệ chạy dạt đi nơi khác, đồn bót, chính quyền bỏ ngỏ, thế kìm kẹp tại ấp tan rã dần, quần chúng nhiều nơi đứng dậy làm chủ từng phần thôn, làng của mình.

Khi tuyến phòng thủ Phan Rang và Bộ Tư lệnh tiền phương Vùng 3 chiến thuật do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang làm Phó Tư lệnh được hình thành, chúng đưa Ngụy quân, Ngụy quyền trở lại nắm quyền, chuẩn bị phản kích ta.

Trên địa bàn huyện Ninh Hải, từ ngày 5 đến ngày 11-4-1975, địch phản kích quyết liệt. Đêm ngày 5-4-1975, chúng dùng phi pháo bắn suốt đêm dọc ven biển thôn Mỹ Hòa và Thái An. Sáng ngày 6-4-1975, địch dùng trực thăng và phản lực bắn vào các làng, phá hủy nhà cửa, gây sát thương một số đồng bào ta và gia súc. Từ ngày 6 đến ngày 8-4-1975, địch đưa quân án ngữ các ấp thuộc quốc lộ 1, lực lượng ta tạm thời dạt ra ngoài.

Chiến trường Ninh Hải lúc này vừa hết sức căng thẳng, ác liệt, nhưng cũng hết sức tưng bừng, sôi động. Cấp ủy Đảng ở đây đều thống nhất nhận định: Tuy địch ra sức phản kích quyết liệt và đã chiếm lại một số ấp, nhưng chúng lâm vào thế cùng, sự vùng vẫy cố thủ chỉ là tạm thời của kẻ ngoan cố sắp đến ngày cáo chung. Chính vì vậy, ở những nơi ta đã làm chủ như Mỹ Hòa, Thái An khẩn trương hình thành chính quyền quản lý và hỗ trợ các địa phương khác tiếp tục chiến đấu giành quyền làm chủ. Đến ngày 7-4-1975, lực lượng vũ trang huyện chiến đấu và đã làm chủ các thôn, ấp: Ba Tháp, Phương Cựu, Bỉnh Nghĩa, Xóm Bằng.

Ngày 12-4-1975, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 Sao vàng và Trung đoàn 25 Tây Nguyên (Quân khu 5) hình thành 3 mũi, phối hợp với lực lượng địa phương đánh vào 3 mục tiêu quan trọng gồm: thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn và cảng Ninh Chử (quân lỵ Thanh Hải). Cùng lúc này, trên địa bàn Ninh Hải, lực lượng vũ trang huyện cùng các mũi, đội công tác Bắc Trạch và bộ đội chủ lực giải phóng Khánh Tường, Phương Cựu, Tri Thủy, Tân An, Khánh Hội, quần chúng nổi dậy kêu gọi địch đầu hàng, ra trình diện, giao nộp vũ khí.

Trong các ngày 14 và 15-4-1975, Sư đoàn 3 triển khai lực lượng đánh chiếm quận lỵ Du long, Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp… ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch trên hướng quốc lộ 1. Ở hướng Tây, pháo của ta bắt đầu nhả đạn vào sân bay Thành Sơn và tấn công vào khu vực phòng thủ Đèo Cậu, vùng ngoại vi sân bay Thành Sơn; đồng thời một số ấp trên địa bàn Ninh Hải, ta đã làm chủ thì “lá chắn thép” phòng thủ Bắc Phan Rang đang lung lay sụp đổ.

Để giải quyết nhanh tình hình, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định tung thêm Sư đoàn 325 của Quân đoàn 2 chủ lực cùng với các đơn vị chủ lực của Quân khu 5 và lực lượng vũ trang địa phương phối hợp thần tốc, tấn công giải phóng Ninh Thuận. Sáng ngày 16-4-1975, sau nhiều đợt pháo binh cấp tập dội bão lửa xuống các mục tiêu quan trọng của địch, được sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, các lực lượng bộ binh, ta đồng loại nổ súng tấn công địch vào nhiều mục tiêu của sân bay. Cùng lúc đó, lực lượng chủ lực bộ binh cơ giới có pháo binh trên hướng quốc lộ 1 thẳng tiến, đánh bật các tuyến phòng thủ Ba Tháp, Gò Đền, Hộ Diêm, Cà Đú và chiếm lĩnh cơ quan chính quyền Ngụy tại Phan Rang.

Ở hướng Ninh Chử, lực lượng vũ trang huyện Ninh Hải phối hợp với lực lượng chủ lực đánh chiếm chi khu Ninh Chử (quận lỵ Thanh Hải), chặn không cho địch tháo chạy ra đường biển, đến 9 giờ 30 ngày 16-4-1975, quân ta đánh chiếm và làm chủ chi khu Thanh Hải. Đồng bào Ninh Hải vô cùng phấn khởi, tự hào, thay đổi cuộc đời mới. Chính quyền cách mạng từ huyện đến xã được thành lập để ổn định đời sống nhân dân, giải quyết an ninh trật tự ở địa phương, tiếp tục góp phần giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Nhìn lại những ngày tháng 4-1975 lịch sử, cùng với khí thế chiến đấu của quân và dân Ninh Thuận, cùng với bộ đội chủ lực, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Ninh Hải đã phát huy cao độ truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, kiên quyết chiến đấu với địch để giành giật từng tấc đất, làm chủ từng thôn ấp, tấn công, bao vây, cô lập quân địch trên địa bàn để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tỉnh và bộ đội chủ lực đập tan “lá chắn thép” Phan Rang–Tuyến phòng thủ từ xa của chính quyền Ngụy Sài Gòn, giải phóng quê hương Ninh Thuận.

Có những lúc phong trào cách mạng ở địa phương gặp khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được, lại xa sự chỉ đạo của Đảng; bên ngoài, bên trong không còn đảng viên, nhưng quần chúng nhân dân vẫn nhớ lời Đảng, nêu cao lòng yêu nước, nhân dân tin Đảng, Đảng dựa vào nhân dân; mỗi bước trưởng thành của tổ chức đảng là mỗi bước phát triển và lớn mạnh của phong trào cách mạng ở địa phương. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng ấy là các địa phương: Vĩnh Hải, Phương Hải, Khánh Hải, Xuân Hải, căn cứ Cà Đú, CK19… Chính những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Ninh Hải, cùng với 3 xã: Vĩnh Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng trong kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Hải hôm nay quyết tâm đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức mới, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Hải lần thứ X đã đề ra.