Quân và dân Thuận bắc trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

(NTO) Thuận Bắc là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận, trung tâm huyện cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 20 km; cách thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) 25 km; có các tuyến đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc–Nam, tuyến đường ven biển đi qua. Với vị trí địa lý, phía Đông giáp huyện Ninh Hải và biển Đông; Tây giáp huyện Bác Ái; phía Nam giáp huyện Ninh Hải; phía Bắc giáp thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Huyện có 6 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Lợi Hải, Công Hải, Phước Chiến, Phước Kháng, Bắc Sơn, Bắc Phong, với 32 thôn; dân số gần 40.000 nhân khẩu (trong đó dân tộc Raglai chiếm 62%, Chăm chiếm 8% và Kinh chiếm 30% dân số).

Huyện Thuận Bắc ngày nay bao gồm một phần của huyện Bác Ái Đông và huyện Thuận Bắc cũ. Địa hình của huyện tương đối phức tạp, có các dãy núi chạy dọc theo hai bên tuyến đường Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc-Nam, có nơi khoảng cách giữa hai dãy núi phía Đông và phía Tây chỉ gần 1 km. Đây là điều kiện thuận lợi để cho quân đội Việt Nam Cộng hòa tổ chức phòng thủ, ngăn chặn quân ta từ phía Bắc tiến vào Phan Rang; nhưng đồng thời cũng tạo nên vị trí thuận lợi cho quân ta áp sát, nắm tình hình địch và tổ chức các cuộc tấn công bất ngờ vào các điểm quân sự của địch.

Trong khi đó, tại đây, địch đã có các căn cứ quan trọng, đó là chi khu quân sự Du Long án ngữ phía Bắc thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, phía Tây Nam có sân bay Thành Sơn, phía Đông có quân cảng Ninh Chử và tiểu khu quân sự Ninh Thuận.

Với các điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ nên sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Duyên Hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn đã quyết định xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn. Trong đó, lấy Du Long làm nơi chốt chặn chủ yếu, nhằm củng cố lại lực lượng, ngăn chặn thế tiến công của quân ta, bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.

Là huyện xa trung tâm lãnh đạo của tỉnh, dân số còn ít, cư trú không tập trung, địa bàn đồng bằng đa số bị Mỹ-Ngụy đóng chốt canh giữ khá dày, bao vây hầu hết các thôn ấp; vùng miền núi chủ yếu đồng bào dân tộc Raglai. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Thuận Bắc sớm được giác ngộ cách mạng và nguyện một lòng một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ đến cùng để đấu tranh giành cơm no, áo ấm và sẵn sàng kề vai, sát cánh cùng cán bộ, bộ đội đấu tranh chống lại kẻ thù để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Truyền thống của quân và dân Thuận Bắc đã được khẳng định qua sự kiện quân và dân ta nổi dậy phá khu tập trung Bà Râu (7-2-1959)-sự kiện mở đầu cho cả phong trào Đồng khởi phá ách kìm kẹp của Mỹ-Diệm ở vùng cực Nam Trung Bộ.

Những ngày đầu tháng 4-1975, trên địa bàn huyện Thuận Bắc, Bộ Tư lệnh tiền phương Ngụy bố trí Liên đoàn 31 biệt động quân, Trung đoàn bộ binh 5 và các đơn vị bảo an cùng với pháo binh dọc theo tuyến quốc lộ 1, lấy hẻm Du Long làm nơi chốt chặn chủ yếu và tổ chức chốt giữ tại các ấp Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp; trong đó, tập trung nhiều nhất là ở Kiền Kiền và Bà Râu, chúng cho lính canh gác ngày đêm, kết hợp với gài mìn dày đặc ở 2 nơi này.

Sau khi bố trí đội hình phòng ngự, địch thường huy động lực lượng tổ chức các cuộc tiến công, sử dụng máy bay trực thăng đổ bộ xuống một số điểm thuộc vùng kiểm soát của ta tại các xã giáp ranh như Phước Kháng, Phước Chiến, nhằm dò la tin tức, phản ứng và tìm kiếm lực lượng bộ đội chủ lực của ta; tổ chức ném bom phá sập các cầu cống nhằm làm chậm bước tiến của quân ta.

Về ta, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy tỉnh đội, Huyện ủy Thuận Bắc đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang như: Đại đội 2, các trung đội du kích và đội công tác của huyện bám trụ ở các địa bàn, tổ chức gặp các chi bộ, cốt cán và quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kìm và vũ trang đột vào các ấp làm suy yếu, tê liệt bộ máy địch ở Ba Tháp, Xóm Bằng, Phương Cựu. Ở vùng núi, lực lượng du kích ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến cùng đội công tác giáp ranh của huyện Bác Ái Đông bám đánh địch bung ra hướng Đông Bắc, đột kích vào các ấp Bà Râu, Kiền Kiền, Ma Trai, bắt bọn tề điệp. Lực lượng dân công ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Phước Trường, Phước Sơn và các xã của huyện Bác Ái được huy động sang Cam Ranh vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường.

Đối với lực lượng vũ trang, chủ trương của huyện tập trung toàn lực lượng du kích các xã bổ sung vào lực lượng chiến đấu của Huyện đội liên tục đánh phá vào đội hình địch ở Kiền Kiền, Bỉnh Nghĩa, làm cho binh lính Ngụy thêm nhiều nao núng tinh thần.

Ngày 13-4-1975, khi nghe lực lượng chủ lực chuẩn bị tiến công Du Long, lực lượng vũ trang Thuận Bắc và Bác Ái Đông tổ chức lực lượng trinh sát đi bắt liên lạc với Sư đoàn 3 (Quân khu 5), kịp thời thông báo tình hình và phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiến công tuyến phòng thủ của địch. Khi biết tin bộ đội chủ lực vào, lần đầu tiên được thấy đội quân lớn mạnh của đại quân ta, nhân dân trong huyện rất vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào thắng lợi. Nhân dân đem lương thực, thực phẩm ủng hộ cho bộ đội, sẵn sàng góp sức cùng bộ đội để giải phóng quê hương.

Sáng ngày 14-4-1975, sau tiếng pháo công kích của đại quân ta đã nổ tại các điểm chốt của địch ở Bà Râu, lực lượng vũ trang Thuận Bắc đã phối hợp với Trung đoàn bộ binh 2 (Sư đoàn 3) đánh chiếm được Bà Râu, Suối Đá. Đến chiều, ta tiến công Kiền Kiền, Ba Tháp, làm cho bọn địch ở Du Long hoảng loạn đầu hàng, quận Du Long hoàn toàn giải phóng, cửa ngõ phòng thủ chủ yếu của địch bị phá vỡ.

Sau khi làm chủ Kiền Kiền, Ba Tháp, ngày 15-4-1975, lực lượng vũ trang Thuận Bắc tiếp tục dẫn đường cho Sư đoàn 3 tiến công địch trên các hướng: Trung đoàn 141 cơ động theo hướng Đông đánh chiếm Bỉnh Nghĩa, Phương Cựu và áp sát quận Thanh Hải; ở hướng Tây đường quốc lộ 1, Trung đoàn 2 tiếp tục cơ động dọc đường tàu, áp sát sân bay Thành Sơn. Do có lực lượng vũ trang huyện dẫn đường, các đơn vị của Sư đoàn 3 đã nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh áp sát vào trung tâm phòng thủ của địch.

Tuyến phòng thủ Du Long bị phá tan, mở toang cánh cửa để đại quân ta thẳng tiến vào giải phóng thị xã Phan Rang-Tháp Chàm (16-4-1975) và xa hơn nữa là giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975).

Nhìn lại chiến thắng Du Long, cửa ngõ tử thủ của chính quyền Ngụy Sài Gòn tại Phan Rang cho thấy một chiến thắng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những giải phóng huyện Thuận Bắc mà còn mở toang cánh cửa cho quân ta đập tan tuyến phòng thủ mà địch luôn hy vọng sẽ đảo ngược được tình thế chiến trường. Chiến thắng đó có sự tham gia to lớn, sự chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân huyện Thuận Bắc.

Qua chiến thắng Phan Rang, Thuận Bắc là địa phương “đầu sóng ngọn gió”, lực lượng vũ trang mỏng nhưng luôn kiên trung bám trụ địa bàn, quần bám đánh địch làm suy yếu tinh thần đang rệu rã của binh lính địch, làm cho chúng tiếp tục hoang mang, nhất là đồng bào các xã Phước Kháng, Phước Chiến đã trở thành lực lượng quan trọng trong công tác tham gia, phục vụ chiến đấu và phối hợp cùng bộ đội chủ lực nhanh chóng tiến công địch, giải phóng cửa ngõ Du Long và toàn tuyến phòng thủ Phan Rang của địch.

Những ngày hào hùng Tháng Tư lịch sử đó, quân và dân huyện Thuận Bắc rất tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành được thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó cũng trở thành động lực to lớn, sẽ tiếp tục nâng bước các thế hệ quân và dân Thuận Bắc hôm nay và mai sau, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng huyện phát triển, xứng đáng là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận.