Quân và dân huyện Bác Ái trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng quê hương Ninh Thuận tháng 4 năm 1975

(NTO) Bác Ái là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 58 km. Có đường quốc lộ 27B chạy ngang qua, nối liền vùng Duyên hải miền Trung với cao nguyên Lâm Đồng. Phía Nam giáp huyện Ninh Sơn; phía Bắc giáp huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng); phía Đông giáp thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), huyện Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; phía Tây giáp huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng);

Từ xa xưa, nơi đây có tên là É Lâm. Giữa É Lâm có một thung lũng bằng phẳng, bình độ trên 100 m, chiều ngang nơi hẹp khoảng 4.000-5.000 m, nơi rộng khoảng 10.000 m, chạy từ Nam đến Đông Bắc, chia đôi É Lâm thành hai mảng, đặt tên là É Lâm Thượng và É Lâm Hạ. Với địa hình hiểm trở, rừng rậm, núi cao, nhiều hang động. Bác Ái có vị trí khá quan trọng, lực lượng ta từ đây tiến về phía Đông, có thể uy hiếp quân cảng Cam Ranh, quốc lộ l, đường sắt Bắc–Nam; về phía Nam có thể uy hiếp quốc lộ 11 (nay là quốc lộ 27), đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt và sân bay Thành Sơn.

Xưa kia và trong thời kỳ kháng chiến, dân cư Bác Ái chỉ có đồng bào Raglai, Churu, K’Ho là chủ yếu. Hiện nay, trên mảnh đất Bác Ái, có sự hiện diện ít nhất 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Raglai, Churu, K’Ho, Kinh, Chăm, Hoa. Người Raglai với khoảng trên 20.000 người, chiếm 90% dân số toàn huyện. Tuy có sự đa dạng về thành phần các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn huyện, cũng như sự khác nhau về phong tục, tập quán, nhưng trong suốt hai cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc Bác Ái luôn đồng lòng, chung sức để đánh đuổi cái ác, bảo vệ làng bản và làm cách mạng theo lời gọi của Đảng, của Bác Hồ.

Từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Ái đã được Tỉnh ủy chọn là căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh, từ những hạt giống cách mạng được Tỉnh ủy cử lên xây dựng cơ sở như Trần Huỳnh, Trần Hiếm, Trần Kỷ, Ba Min, Sáu Dư, Đào Kỷ, đến Đại đội vũ trang Mai Văn Tấn, đã trở thành một khu căn cứ kháng chiến của Tỉnh mà kẻ thù bất khả xâm phạm.

Mặc dù bị thực dân Pháp tập trung lực lượng tổ chức càn quét, với nhiều thủ đoạn như dồn dân vào các khu tập trung để kiểm soát chặt chẽ, hòng chia rẽ lực lượng cách mạng với đồng bào các dân tộc miền núi Bác Ái. Song, với niềm tin sâu sắc vào cách mạng, đồng bào Bác Ái kiên quyết cùng cán bộ, cùng bộ đội Cụ Hồ đứng lên đánh đuổi kẻ xấu, dùng mũi tên, cái ná tiêu diệt bọn ác ôn giết hại đồng bào, để giữ lấy mảnh đất của ông bà. Tháng 10-1950, căn cứ Bác Ái đã trở thành huyện miền núi đầu tiên trong tỉnh có chính quyền, có cấp ủy trực tiếp lãnh đạo để cùng với quân và dân trong tỉnh tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi năm 1954.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Ái vẫn luôn là căn cứ vững chắc để quân và dân Ninh Thuận xuất phát, tiến công đánh bại mọi âm mưu đánh phá của địch. Từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, lực lượng vũ trang tỉnh và cơ quan đầu não của tỉnh cơ bản được giải tán và tập kết ra Bắc, chỉ còn một số nòng cốt tiếp tục được đồng bào Bác Ái nuôi dưỡng, che giấu để lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trở mặt và dùng đủ mọi thủ đoạn để truy diệt đến cùng mầm mống cộng sản.

Mặc dù địch đưa quân liên tục càn quét, vây bắt đồng bào về các khu tập trung để chia cắt cán bộ cách mạng với nhân dân nhưng đồng bào các dân tộc Bác Ái vẫn một lòng, một dạ với cán bộ, với cách mạng, chịu cảnh “đói cơm, nhạt muối” để nuôi cán bộ, nuôi bộ đội. Càng gian khổ, hy sinh bao nhiêu thì tấm lòng son sắt với cách mạng càng gắn bó, bền chặt bấy nhiêu, và cũng từ đó, các phong trào diệt Mỹ, Ngụy ngày càng sục sôi, khí thế. Không có vũ khí hiện đại như quân Mỹ, đồng bào Bác Ái sáng tạo ra các loại vũ khí thô sơ như: cung tên, cạm bẫy và các loại chông đu, chông treo, chông lá, hầm chông,… đã bao lần làm cho quân thù khiếp sợ, hoặc những phong trào bắn máy bay bằng súng bộ binh, những trận đánh quần lộn, đánh du kích với quân địch đã để lại bài học quý báu cho lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận nói riêng và vùng cực Nam Trung Bộ nói chung. Đó là những trận tập kích khu tập trung Bà Râu đêm 30 Tết Kỷ Hợi (đêm ngày 7-2-1959), kêu gọi gần 5.000 đồng bào nổi dậy trở về với núi rừng, hay trận đánh đồn Tà Lú–Ma Ty, giải phóng gần 2.000 dân đêm 28, rạng sáng ngày 29-8-1960 và đến trận phục kích đánh 1 đại đội lính Ngụy càn quét tại đèo Gia Túc bằng bẫy đá của đồng chí Pi Năng Tắc, đã nói lên tinh thần mưu trí, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của bộ đội, dân quân du kích và nhân dân đã biến núi rừng Bác Ái thành thế trận bao vây, tiêu diệt địch, chúng đến đâu cũng bị hầm chông, cạm bẫy, mang cung sát thương, không tiến quân được và cuối cùng phải chịu thất bại thảm hại với cả bàn chông sắt theo chân hoặc bị trúng phải những mũi tên tẩm thuốc độc trở nên điên loạn, bắn giết lẫn nhau. Đó là những ám ảnh khiếp sợ khiến kẻ thù không dám tổ chức lực lượng bung ra càn quét, khủng bố.

Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ và Ngụy quân tại Ninh Thuận vẫn coi Bác Ái như một cái gai trước mắt chúng, nhất là khi sân bay Thành Sơn được xây dựng hoàn thành, chúng liên tục dùng pháo binh và máy bay đánh phá vùng căn cứ Bác Ái, cày đi, xới lại với hàng chục ngàn tấn bom và đạn pháo, hỗ trợ cho bộ càn quét, khủng bố “dồn dân, lập ấp”, lấn chiếm, cài cắm để vừa làm hành lang ngăn cách, bao vây căn cứ Bác Ái, vừa làm cơ sở cho chúng. Táo bạo hơn, địch tổ chức các lực lượng biệt kích nhỏ lẻ thọc sâu vào các xã: Phước Đại, Phước Trung, Phước Chính, Phước Kháng, nơi được xem là trung tâm đầu não của ta để gài mìn, đột kích, quấy rối, tiến lên đánh úp, hòng phá tan bộ máy lãnh đạo của huyện căn cứ Bác Ái.

Đảng bộ, quân và dân huyện Bác Ái đã nhất tề đứng dậy chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều trận càn quét của địch, ngày đêm đeo bám địch, giăng bẫy phục kích, đánh trả nhiều cuộc hành quân lớn của địch vào địa bàn. Tiến xuống tập kích địch ở các đồn, bốt dọc quốc lộ 11, cắm cờ Tổ quốc, giành giật từng mảnh đất quê hương với kẻ thù. Ở Bác Ái Đông, dân quân, du kích các xã: Phước Trung, Phước Kháng, Phước Chiến kiên trì bám địch cả ngày lẫn đêm; bao vây địch ở chốt Ô Cam, không cho chúng mở rộng vùng ảnh hưởng. Tháng 10-1974, quán triệt Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “tấn công đánh phá âm mưu bình định, lấn chiếm của địch”. Đảng bộ hai huyện Bác Ái Đông và Bác Ái Tây đã huy động đồng bào, chiến sĩ đẩy mạnh hoạt động vũ trang, hỗ trợ cho đồng bào vùng Mỹ Hiệp, Cà Dập đấu tranh chính trị với địch; đánh địch ở hướng Trà Co, Sông Cái, Hòn Vàng, Suối Chà Panh, Bến Cây Bưởi; vây ép địch ở chốt Ô Cam; tập kích địch ở đồi 181, chốt cầu Sông Cái, tiến lên đánh bại các cuộc hành quân cấp tiểu đoàn vào hai xã Phước Chiến, Phước Đại. Đến cuối năm 1974, quân địch bị đánh bật khỏi vùng Bác Ái Đông, riêng chốt Ô Cam, Phước Trung, quân địch co cụm lại cố thủ, chờ sự chi viện từ trung tâm đầu não của địch từ sân bay Thành Sơn.

Cuộc chiến đấu chống địch hành quân lấn chiếm giành đất, giành dân của quân và dân Bác Ái trong những năm 1973-1974 đã tạo phong trào tiến công địch rộng khắp, thường xuyên, liên tục trong toàn vùng căn cứ. Trong năm, Đảng bộ huyện đã tổ chức lực lượng tham gia phục kích chống địch càn quét, tiến lên tập kích đánh địch 130 trận, diệt và làm bị thương 190 tên, bắn rơi 1 chiếc máy bay trực thăng HU-1A và bắn bị thương nhiều chiếc khác; phá hủy 3 chiếc xe ủi đất, 3 xe GMC, thu giữ một số vũ khí, quân trang của địch. Giáo dục, cải tạo một số binh lính Ngụy. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, bền bỉ, tự lực tự cường, quân dân Bác Ái đã đập tan âm mưu lấn chiếm, cắm cờ, giành đất, giành dân.

Bước vào những tháng đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam có những chuyển biến, sôi động lớn chưa từng có, báo hiệu một trận cuồng phong sắp nổ ra trên phạm vi toàn miền để đánh cho “Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ cấp bách: Tập trung đánh phá, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm, ủi phá địa hình, dồn dân lập ấp của địch. Xây dựng và bảo vệ khu căn cứ, mở rộng vùng nông thôn, vây ép vùng thị trấn, thị xã, cắt đứt giao thông của địch,... sẵn sàng giành thắng lợi khi thời cơ đến. Tỉnh ủy phân công cụ thể đối với quân chủ lực của tỉnh và các huyện thị, tập trung công kích địch ở 3 hướng chính: Tây-Tây Bắc; Đông-Đông Bắc và hướng Nam. Đồng thời xác định cuộc nổi dậy chia thành hai đợt.

Theo sự phân công trên, ở Phước Đại, Bác Ái Đông là nơi đứng chân của tiền phương C. Ban Chỉ huy tiền phương C có các đồng chí: Nguyễn Đức Thành, Trình Các, Phạm Thân, Huỳnh Hữu Lộng và đồng chí Tô Văn. Lực lượng được bố trí gồm các Đại đội: 610, 311, 317 A, 315 (H 15), 80 Anh Dũng, 90 Bác Ái Đông và các Trung đội của Bác Ái Tây, lực lượng các mũi công tác, dân quân du kích vành đai các xã vùng ven Bác Ái Đông. Bước vào năm 1975, thực lực của quân và dân trên địa bàn huyện Bác Ái rất hùng hậu.

Chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong đợt I-năm 1975, quân dân Bác Ái liên tiếp chặn đánh địch nhiều trận rất ác liệt, không cho chúng lấn sân vào căn cứ. Thế thắng lợi như chẻ tre của quân dân Bác Ái làm cho quân địch hoang mang cực độ, nhiều trận quân ta vừa nổ súng, quân địch đã tháo chạy khỏi vành đai. Thừa thắng, quân ta tiến xuống vùng đồng bằng, phối hợp với quân dân huyện Anh Dũng bám và tiến công địch dọc đường 11, nơi chúng làm bàn đạp để hành quân lấn chiếm vùng ta giải phóng. Đêm ngày 12, rạng ngày 13-1-1975, quân ta tiến công địch đang ẩn nấp tại Quảng Thuận (vùng Quảng Sơn, Ninh Sơn ngày nay), sát thương 1 tên địch, số còn lại tháo chạy. Nhân dân trong ấp Quảng Thuận mừng rỡ, tiếp đón niềm nở. Bọn địch xung quanh không dám chi viện, ứng cứu cho nhau. Đêm ngày 14, rạng ngày 15-1, du kích Bác Ái cùng bộ đội đặc công tỉnh tiến công sân bay Thành Sơn, phá hủy 6 chiếc F5E. Sau một tiếng đồng hồ lửa cháy dữ dội, tiếng súng đạn nổ chát chúa, 26 tên địch bị ta tiêu diệt. Ngày 15-1, du kích Bác Ái Đông vây ráp địch ở chốt Ô Cam, diệt 23 tên, số còn lại phải rút vào cố thủ chờ địch chi viện bằng trực thăng, nhưng các lần chi viện, quân địch đều bị du kích bắn hạ. Ở đội công tác Thuận Tây, quân và dân ta phục kích địch ở Tầm Ngân, tiêu diệt một số tên địch bung ra chiếm đất; phục kích, tiêu diệt một số tên địch đi tuần tiễu khu vực Krông Pha.

Tháng 3-1975, quân ta giải phóng Huế, Buôn Ma Thuột, địch hoảng loạn tháo chạy. Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, Mỹ-Ngụy huy động một lực lượng lớn, xây dựng phòng tuyến thép phía Bắc Ninh Thuận, tăng cường phòng thủ sân bay Thành Sơn.

Thời cơ lịch sử để quân dân Ninh thuận nói riêng và toàn miền Nam nói chung nổi dậy đánh cho “Ngụy nhào”, tiến lên giải phóng Ninh Thuận. Chớp thời cơ trên, quân dân Ninh Thuận bước vào giai đoạn II của chiến dịch: Giai đoạn Tổng tiến công và nổi dậy từ ngày 6-3 đến ngày 16-4-1975.

Từ tháng 2-1975, sau khi học tập, quán triệt nhiệm vụ hoạt động chiến dịch Đông–Xuân 1975, Đảng bộ Bác Ái huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến ra phía trước phối hợp với quân chủ lực làm cuộc tổng công kích, tiêu diệt địch, tạo ra những trận quyết định. Hòa trong không khí khẩn trương, sôi động của chiến trường Ninh Thuận trong những ngày tháng 4 lịch sử, quân dân Bác Ái đã huy động gần 70% quân số tiến ra phía trước. Thực lực Bác Ái được thành lập thành 3 khu vực hoạt động, tấn công địch:

Khu vực 1: Gồm 1 trung đội bộ đội địa phương huyện cùng 79 du kích các xã Phước Đại, Phước Chiến, Phước Nghĩa và Phước Thành, phối hợp với đội công tác Thuận Tây và đơn vị công binh hoạt động, đánh địch từ Krông pha đến Nhơn Hội.

Khu vực 2: Gồm 58 du kích xã, 1 trung đội bộ đội địa phương huyện phối hợp với đội công tác Thuận Đông đánh địch ở hướng sân bay Thành Sơn.

Khu vực 3: Gồm 64 du kích xã, 1 trung đội bộ đội địa phương huyện phối hợp với bộ đội chủ lực Đông Bắc giải phóng quận Du Long.

Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; với quyết tâm lớn, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất...”. Chấp hành tinh thần trên, cuối tháng 3-1975, đơn vị 610 cùng với lực lượng vũ trang Bác Ái tập trung tấn công tiêu diệt địch ở ấp Quảng Thuận. Đội công tác Thuận Tây phục kích, đánh 1 trung đội địch bung ra giành dân ở Trà Co. Ngày 1-4-1975, lực lượng 610 cùng với lực lượng vũ trang Bác Ái chặn đánh, tiêu diệt nhiều tên địch từ Đà Lạt chạy xuống Krông Pha. Địch ở đồn Krông Pha hoang mang, dao động cực độ, chớp thời cơ này, ta tấn công vào quận lỵ, buộc một số tên địch đầu hàng, số còn lại tháo chạy. Quận Krông Pha trở thành quận lỵ đầu tiên ở Ninh Thuận được giải phóng vào ngày 2-4-1975. Thừa thắng, quân ta truy quét địch từ Krông Pha xuống đến Quảng Thuận. Trên dọc tuyến đường 11, lực lượng vũ trang hỗ trợ cho cho đồng bào nổi dậy phá kìm, giải phóng quê hương.

Ngày 12-4-1975, quân giải phóng của ta từ Đà Nẵng rầm rập kéo về, tập kích ở phía Bắc sân bay Thành Sơn, chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng Phan Rang. Hàng ngàn chiến sĩ Nam tiến đi qua căn cứ Bác Ái trong tiếng hò reo, phấn khởi của đồng bào vùng Bác Ái Đông. Nghe tin bộ đội vào giải phóng miền Nam, đồng bào các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Phước Thành, Phước Trung đã chuẩn bị mít, thơm, bưởi để tiếp tế cho đoàn quân hỏa tốc.

Ở hướng Đông Bắc, Bộ đội địa phương huyện Bác Ái và 2 trung đội du kích Bác Ái Đông phối hợp với quân chủ lực Sư đoàn 3 Quân khu 5 và Trung đoàn 25 Tây Nguyên, 2 đại đội Đặc công và Công binh tiến công tiêu diệt địch. Đến 7 giờ sáng ngày 14-4, quân ta đập tan các điểm chốt quân sự ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất, giải phóng toàn bộ các ấp từ Trại Láng đến Cà Rôm. “Lá chắn thép” Phan Rang của địch bị chọc thủng.

Chấp hành mệnh lệnh của Ban Chỉ huy Tỉnh đội, lực lượng vũ trang, dân quân du kích cùng nhân dân Bác Ái được huy động tối đa tiến ra phía trước, phục vụ kháng chiến như đi dân công tải đạn, tải lương thực và phục vụ nuôi quân. Đặc biệt, để các đội quân hỏa tốc kịp thời tiến vào giải phóng Sài Gòn, phối hợp cùng các cánh quân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dưới sự chỉ huy của Huyện ủy, hàng ngàn đồng bào không kể già trẻ, gái trai thuộc các xã Phước Nghĩa, Phước Lâm, Phước Hà, Phước Hải, Phước Thành, Phước Đại tiến ra phía trước đắp đường Tà Lú-Ma Ty-Tân Mỹ. Với tinh thần khẩn trương, chỉ sau 6 giờ đồng hồ, tuyến đường được khai thông. Hàng trăm xe quân sự, xe tăng cùng đoàn quân Nam tiến của Sư đoàn 10 từ Khánh Hòa chiếm lĩnh đường 11 và tiến thẳng lên đường 20 trong tiếng hò treo, cổ vũ của đồng bào Bác Ái.

Trong cuộc tiến công đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận ngày 16-4-1975, nhân dân các dân tộc huyện Bác Ái đã đóng góp nhân tài, vật lực, không quản ngại hy sinh gian khổ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đến ngày toàn thắng. Kết thúc chặng đường 21 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ của quân và dân ta trước đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng trên mảnh đất Bác Ái đã chuyển dần từ thế hoạt động tuyên truyền sang đấu tranh vũ trang, từ chỗ là một “vùng trắng cách mạng”, nhiều cơ sở cách mạng đầu tiên đã được xây dựng ở mé núi, bìa rừng, đồng bào đã hiểu về Đảng và làm theo lời cán bộ, mạnh dạn tham gia vào các phong trào cách mạng. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, không biết mệt mỏi của cán bộ và nhân dân Bác Ái. Đồng bào các dân tộc huyện Bác Ái đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đấu tranh anh dũng, với phương châm “một tấc không đi, một li không dời”, đồng bào nơi đây đã xây dựng Bác Ái trở thành chiến khu, căn cứ địa vững mạnh, toàn diện của tỉnh.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Ái được mệnh danh là “căn cứ thép” của vùng cực Nam Trung Bộ, là chiến trường vô cùng khắc nghiệt trong cuộc chiến giữa một bên là lực lượng quân đội chính quy, nhà nghề với phương tiện chiến tranh hiện đại của địch và một bên là những người lính áo vải, chỉ có vũ khí thô sơ là súng trường, hầm chông, bẫy đá cùng với lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, sáng tạo. Trong các cuộc chiến đó, quân và dân Bác Ái đã viết nên bản trường ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết một lòng cùng quân dân trong tỉnh và cả nước đánh thắng mọi kẻ thù, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc trên quê hương Bác Ái trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn, ác liệt. Đồng bào đã chịu đựng biết bao hy sinh gian khổ, tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đồng bào Bác Ái đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, kiên trung, anh dũng để cùng đồng bào cả nước đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng, xứng danh là pháo đài bất khả xâm phạm, là căn cứ địa vững mạnh, là mảnh đất anh hùng. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Ái luôn là căn cứ địa cách mạng của huyện, tỉnh Ninh Thuận và Quân khu 6. Là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam, góp phần cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Tên tuổi và chiến công của các vị anh hùng như: Pi Năng Tắc, Chamaléa Châu, Pi Năng Thạnh, Đặng Quang Cầm đã trở thành huyền thoại. Các trận đánh đồn Tà Lú-Ma Ty, Bẫy đá Pi Năng Tắc tại đèo Gia Túc, Phước Bình; đó là tấm gương chị Pô Pô Thị Dú, khi bị địch bắt dẫn đường tìm cán bộ trên núi, chị quyết từ chối và nhảy xuống vực thẳm tự vẫn, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật, bảo vệ cán bộ thoát khỏi tội ác của kẻ thù,… là những móc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, đồng bào các dân tộc huyện Bác Ái đã đoàn kết thống nhất thành một khối, kiên cường, anh dũng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và đã giành được thắng lợi vô cùng vẻ vang. Thắng lợi đó có ý nghĩa rất to lớn, vừa củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, vừa để lại nhiều bài học quý báu cho những năm tháng đấu tranh tiếp theo; đồng thời, thắng lợi trên còn cổ vũ tinh thần đấu tranh cho nhân dân các dân tộc anh em trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, góp phần cho sự thắng lợi vĩ đại chung của cả nước.

Những chiến công hiển hách của quân và dân huyện Bác Ái đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương, ghi nhận, tặng thưởng rất nhiều danh hiệu cho tập thể và cá nhân. Đặc biệt là đã được phong tặng danh hiệu anh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 10 đơn vị, tập thể và 4 cá nhân. Nhân dân huyện Bác Ái luôn khẳng định niềm tin vào Đảng, nguyện theo Đảng với lòng sắc son và ý chí, nghị lực mới để vươn lên làm chủ cuộc sống mới, xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương và dân tộc anh hùng.