Lực lượng vũ trang và nhân dân Ninh Sơn tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận tháng 4 năm 1975

Ninh Sơn là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây Nam giáp huyện Ninh Phước và Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), huyện Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Với vị trí chiến lược đó, Ninh Sơn là căn cứ địa cách mạng của tỉnh, là trọng điểm đánh phá của địch. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trên vùng đất Ninh Sơn đã thành lập tuyến đường giao liên đi từ vùng tự do Liên khu 5 vào Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ (đường mòn Hồ Chí Minh). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường lịch sử ấy lan tỏa theo các tuyến hành quân của quân giải phóng, các tuyến đường vận tải từ Lâm Đồng, Tuyên Đức xuống Ninh Thuận, Bình Thuận. Cũng trên vùng đất Ninh Sơn này, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ còn làm các con đường chia cắt căn cứ Bác Ái–Anh Dũng, để tạo hành lang đánh phá các vùng căn cứ của ta.

Trong 2 cuộc kháng chiến, Ninh Sơn là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi đây vinh dự được Đảng chọn làm nơi thành lập Đảng Cộng sản đầu tiên của Ninh Thuận (Đồn Kiểm lâm Tân Mỹ). Trong quá trình đấu tranh cách mạng, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong huyện đã nếm trải và vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên cường chiến đấu với kẻ thù bằng nhiều hình thức đấu tranh, từ hợp pháp đến bất hợp pháp, với tất cả mọi vũ khí trong tay. Nhiều tên đất, tên người đầy khí phách, kiên trung đã làm kẻ thù khiếp sợ. Những thế hệ đi trước đã không ngại hy sinh, gian khổ để chiến đấu, giành độc lập, tự do cho huyện nhà.

Vào những tháng đầu năm 1975, tình hình trên chiến trường chung có những biến động lớn, tác động đến phong trào cách mạng của quân dân cả nước. Trên chiến trường Ninh Thuận, địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu bình định, ra sức củng cố các ấp chiến lược trong vùng chúng kiểm soát, vùng tranh chấp và tiếp tục đánh phá vùng giải phóng, vùng làm chủ của ta. Chúng tổ chức càn quét trên đường 11 (địa phận huyện Ninh Sơn), ven ranh căn cứ nhưng đều bị quân dân huyện nhà đánh trả quyết liệt.

Trên địa bàn huyện Ninh Sơn, thực hiện quyết tâm chiến lược của cấp trên, quân dân Bác Ái–Anh Dũng và các xã dọc đường 11 với khí thế tiến công sôi nổi, rộng khắp. Những ngày đầu tháng 1-1975, bộ đội du kích Bác Ái chặn đánh địch càn quét vào phía Tây của huyện, diệt 17 tên và thu một số súng đạn. Ngày 12-1-1975, đánh địch ở ấp Quảng Thuận bung ra lấn chiếm, diệt 1 tên và thu 1 súng, địch bỏ chạy tán loạn.

Tiếp đến, sáng ngày 13-1-1975, pháo binh của ta bắn vào chi khu quân sự Krông Pha, làm sập nhiều nhà cửa, phá hủy một cối 81 và diệt một số tên địch. Đêm ngày 14-1-1975, du kích các xã vành đai cùng bộ đội đặc công đánh vào sân bay Thành Sơn, phá hủy 6 máy bay, diệt và làm bị thương 26 tên địch. Ngày 15-1-1975, bộ đội huyện cùng du kích bao vây địch ở chốt Ô Cam, diệt 23 tên, buộc địch phải dùng trực thăng đến bốc số lính ở chốt này. Tiếp đến, địch ở ấp Tầm Ngân bung ra lấn chiếm đất, đã bị đội công tác Thuận Tây phục kích, diệt một số tên địch.

Trên mặt trận an ninh trật tự, ở vùng căn cứ, tinh thần cảnh giác phòng gian bảo mật của nhân dân được nâng cao, nên đã hạn chế hoạt động của bọn biệt kích và bọn thám báo. Ở các thôn, ấp thuộc đường 11, lực lượng an ninh trật tự và tự vệ mật đã bám sát quần chúng nhân dân, hướng dẫn đấu tranh và tiến hành diệt ác từng bước khi có điều kiện.

Những ngày Tháng Tư lịch sử tại Ninh Thuận, trước khí thế thắng lợi dồn dập trên các chiến trường, quân dân Ninh Thuận nói chung và quân dân huyện Ninh Sơn nói riêng vô cùng phấn khởi, đẩy mạnh hoạt động với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quê hương. Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy khu 6, Tỉnh ủy Ninh Thuận thành lập Ban Chỉ huy tiền phương C và Ban cán sự đường 11 với nhiệm vụ phối hợp lực lượng căn cứ Bác Ái và các đội mũi công tác phối hợp đánh địch ở Đà Lạt chạy xuống, đồng thời hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy giải phóng các ấp dọc đường 11 từ Nhơn Hội đến Krông Pha và tiến về giải phóng thị xã Phan Rang-Tháp Chàm.

Từ ngày 2-4, biết bọn địch tan rã từ hướng Đà Lạt tháo chạy về Phan Rang, Ban cán sự đường 11 chỉ đạo các lực lượng của tỉnh, huyện và du kích xã liên tục phục kích đánh địch, tiêu diệt nhiều tên địch, thu vũ khí, phương tiện và giải phóng các ấp dọc đường 11; đồng thời, huy động lực lượng làm đường từ Tân Mỹ qua Tà Lú–Ma Ty ra Sông Cạn, Trại Láng (Cam Ranh, Khánh Hòa) cho quân chủ lực tiến lên đường 20 vào giải phóng Sài Gòn.

Đêm ngày 2-4-1975, lực lượng huyện, du kích xã cùng đội công tác Thuận Tây phối hợp với Đại đội đặc công 311, đơn vị 610 tổ chức tập kích thị trấn Tân Sơn, trận địa pháo 105 ly của địch tại điểm cao 36, đánh chiếm các ấp Trà Giang, Sông Mỹ. Sau đó, tổ chức phối hợp đánh tan tác đoàn xe của địch rút chạy từ Đà Lạt xuống hướng Phan Rang và làm cho lực lượng địch ở quận lỵ Krông Pha rúng động, cũng tháo chạy tán loạn; trận này, ta phá hủy 10 xe quân sự, diệt hơn 20 tên địch, bắt sống 7 tên, thu nhiều vũ khí, góp phần giải phóng hoàn toàn quận lỵ Krông Pha, mở rộng hành lang để Sư đoàn 10 có đường hành quân vào tiến công địch ở Dầu Giây, Xuân Lộc và Trung đoàn 25 Tây Nguyên tiến xuống đánh địch tại khu vực Đèo Cậu, Hòn Giài, Phước Trung, trận địa pháo 105 ly của địch và khống chế sân bay Thành Sơn.

Tuyến đường 11 từ Krông Pha đến Đèo Cậu, ta hoàn toàn làm chủ, đã góp phần mở rộng hành lang cơ động của các lực lượng trong tỉnh và lực lượng Quân khu 6 tăng cường cho Ninh Thuận. Từ đó, tạo điều kiện cho lực lượng của Tỉnh di chuyển xuống đường quốc lộ 1 phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công địch ở dọc tuyến từ Du Long vào thị xã Phan Rang-Tháp Chàm.

Trên hướng sân bay Thành Sơn, lực lượng du kích các xã giáp ranh tích cực tham gia với các đơn vị của tỉnh, tiến công đơn vị Lữ dù 2 Ngụy, bảo vệ phía vành đai sân bay, gây cho chúng nhiều thương vong và nao núng tinh thần chiến đấu. Đến ngày 12-4, lực lượng vũ trang và dân quân du kích dọc các tuyến đường mòn Tà Lú–Ma Ty–Tân Mỹ tham gia làm nhiệm vụ dẫn đường, đưa Trung đoàn 25 Tây nguyên về áp sát Tây Bắc sân bay Thành Sơn; đồng thời, phối hợp với đơn vị Trung đoàn 25 trinh sát nắm tình hình, đánh phá hỏa lực vào sân bay, ngăn chặn số lần cất cánh của các loại máy bay địch chi viện cho hướng đường quốc lộ 1. Lực lượng khác tổ chức tiến công Trung đoàn 4 Ngụy án ngữ từ Đèo Cậu xuống Phan Rang, vây ép chúng từng bước co cụm về thị xã.

Ở hướng Anh Dũng, các lực lượng của huyện, xã được tổ chức thành 4 bộ phận. Một bộ phận do đồng chí Tà No Thắng lãnh đạo cùng một tổ du kích ở thôn Giá ra hoạt động ở vùng suối nước nóng Trà Giang; một bộ phận lực lượng quân sự huyện và tiểu đội du kích xã Tây Phước, Tương Phúc hoạt động từ Tân Mỹ đến Km 40, giáp với mũi của đồng chí Thắng; một bộ phận hoạt động ở đội mũi Ninh Thọ do đồng chí Tiến lãnh đạo và đồng chí Vinh, Phó Ban An ninh huyện cùng với 6 du kích xã Rồ Ôn tham gia đánh địch. Ngoài ra, huyện còn điều 2 tiểu đội du kích của xã Giá và Là A phối hợp với lực lượng tỉnh, cùng với đại đội của đồng chí Rách hoạt động ở địa bàn huyện An Phước, còn du kích xã Hà Dài, Tà Mau điều về làm lực lượng ứng chiến tại huyện.

Sau khi “lá chắn thép” cơ bản được hình thành, địch dùng không quân, pháo binh điên cuồng đánh phá vào các khu vực Đồng Mé, Phú Thạnh, Tân Mỹ… Cầu Tân Mỹ và cầu sắt nối liền Tháp Chàm–Đà Lạt qua Ninh Sơn bị đánh sập. Địch dùng Trung đoàn 4 bộ binh phản kích, hòng chiếm lại một số ấp bị mất như Đắc Nhơn, Lương Cang, Nha Hố… nhưng đều bị lực lượng 610 và du kích của ta đánh bật ra, buộc chúng phải co cụm lại và chốt giữ Đèo Cậu.

Quyết tâm đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, cùng với lực lượng Sư đoàn 3 ở hướng đường quốc lộ 1, trên hướng đường 11 và Tây Bắc sân bay Thành Sơn, từ ngày 14 đến 15-4, lực lượng vũ trang huyện Ninh Sơn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Trung đoàn 25 liên tiếp tiến công quân Ngụy cố thủ ở Đèo Cậu và vành đai sân bay, từng bước đẩy lùi chúng về hướng thị xã.

Bị tiến công liên tục, lại nghe tuyến phòng thủ chủ yếu Du Long thất thủ, bọn địch hoang mang dao động cực độ, một số được các tổ đội công tác và quần chúng cách mạng tuyên truyền đã giao nộp súng, về với gia đình hoặc rã ngũ làm cho sức kháng cự của chúng ở khu vực Đèo Cậu giảm hẳn. Tranh thủ thời cơ, sáng 16-4, ở hướng Tây và Tây Bắc sân bay Thành Sơn, trước sự tiến công mãnh liệt của các lực lượng ta từ Đèo Cậu đến Đắc Nhơn, buộc Trung đoàn 4 Ngụy và các đơn vị lính bảo an đã nhanh chóng tan rã. Quân ta tiếp tục tiến công vây giáp sân bay Thành Sơn và đến 13 giờ 30 phút, cùng với lực lượng chủ lực của ta ở các hướng, bộ đội huyện Ninh Sơn, Bác Ái phối hợp với Trung đoàn 25 giải phóng sân bay và khu vực đường 11 đến Tháp Chàm, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương Ninh Thuận tháng 4-1975 đã giành thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến thắng đó, có sự đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của của quân và dân huyện Ninh Sơn. Qua thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, có thể rút ra một số bài học như sau:

Một là, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng: Do địa hình vùng núi hiểm trở, Ninh Sơn trở thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Sơn đã ra sức xây dựng, củng cố và bảo vệ vững chắc căn cứ địa, làm hậu phương tại chỗ, là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, góp phần quyết định thắng lợi cho công cuộc kháng chiến của tỉnh, huyện. Căn cứ Bác Ái, Anh Dũng là nơi các cơ quan lãnh đạo tỉnh, Ban cán sự Cực Nam, các đơn vị chủ lực đứng chân và cũng là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến của tỉnh.

Hai là, tác động cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng Ninh Thuận: Ninh Sơn là huyện cửa ngõ phía Tây của tỉnh, là hướng phòng ngự quan trọng của địch để phòng thủ Phan Rang. Những ngày Tháng Tư năm 1975, chớp thời cơ địch đang hoang mang cực độ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự đường 11, lực lượng vũ trang Ninh Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của tỉnh và bộ đội chủ lực liên tiếp tiến công, chặn đánh địch tháo chạy từ hướng Đà Lạt xuống, tiến công tiêu diệt địch ở quận lỵ và các ấp từ Krông Pha đến Tân Mỹ, giải phóng vùng rộng lớn phía Tây của tỉnh, làm chủ đường 11, đã có tác động, cổ vũ rất lớn đến các địa phương khác trong tỉnh đấu tranh giành chính quyền, giải phóng nhân dân.

Ba là, đóng góp sức người sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Ninh Thuận: Sau khi được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân trong huyện nhanh chóng ổn định tình hình, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở những nơi giải phóng; đồng thời huy động sức người, sức của làm đường, vận chuyển đạn dược, cung cấp lương thực phẩm… cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Ninh Thuận.

Bốn là, phối hợp chiến đấu, giải phóng các địa phương khác trong tỉnh: Làm chủ địa bàn, các đơn vị lực lượng vũ trang huyện đã chi viện tối đa cho cuộc chiến đấu cuối cùng giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận. Phối hợp với đơn vị của tỉnh và quân chủ lực tiến công tiêu diệt địch ở quận Tây Du Long, sân bay Thành Sơn, quận lỵ Bửu Sơn góp phần giải phóng toàn bộ các ấp Tây đường quốc lộ 1, dọc đường 11 từ Đèo Cậu xuống Tháp Chàm. Cùng với các đơn vị của Quân khu 5 tiến công giải phóng ấp Liên Sơn, Trại Thịt và góp phần giải phóng phần phía Tây huyện An Phước.

Năm là, mở đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn: Để đáp ứng yêu cầu cơ động nhanh của Sư đoàn 10, tiến lên làm chủ đường 20 xuống Dầu Giây, tiến công Xuân Lộc, quân và dân trong huyện với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, đã nỗ lực, cố gắng góp sức mở đường từ Trại Láng (Cam Ranh, Khánh Hòa) vào Tà Lú–Ma Ty đi Tân Mỹ, chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ, con đường dài 50 km đã được khai thông giúp cho các đơn vị cơ giới, quân chủ lực thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.

Nhìn lại suốt 30 năm đấu tranh cách mạng (1945-1975), vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, tự lực tự cường, đoàn kết, anh dũng, hy sinh, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Ninh Sơn đã không ngừng khí thế tiến công, giành độc lập, tự do, góp phần to lớn vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận vào ngày 16-4-1975. Đây cũng là bài học quý báu để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện Ninh Sơn hôm nay học tập, noi theo, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.