Đổi thay trên vùng đất anh hùng Bác Ái

(NTO) Phát huy tinh thần yêu nước, kiên cường trong kháng chiến, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn huyện Bác Ái đoàn kết, chung một niềm tin cùng Đảng, Nhà nước nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Phạm Văn Hoa
Bí thư Huyện ủy Bác Ái

Về kinh tế, huyện xác định ngành sản xuất chính là nông nghiệp và tập trung lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai hoang mở rộng đất sản xuất... tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện, trong 5 năm đã thực hiện 68 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, trong đó đặc biệt có những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất lúa giống cao sản tại xã Phước Tiến, cho năng suất đạt trên 5,5 tấn/ha; thí điểm trồng cây ăn trái ở Phước Bình, Phước Thành, thí điểm trồng cây cao su, cây lâm nghiệp ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Chính, Phước Thành... Mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho trên 1.500 lao động tại chỗ. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện những gương điển hình nông dân sản xuất giỏi là người dân tộc thiểu số. Bà con các dân tộc cũng đang từng bước biết tận dụng, phát huy lợi thế kinh tế từ việc khôi phục và gìn giữ các nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm đặc thù của vùng đất Bác Ái như măng khô (đã được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ độc quyền), heo đen, gà thả vườn đã vươn xa và được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Đây cũng sẽ là một kênh quảng bá cho các tour du lịch sinh thái-văn hoá-ẩm thực...hứa hẹn một tương lai khởi sắc của vùng đất Bác Ái trong thời gian tới.

Trung tâm huyện lỵ Bác Ái ngày nay. Ảnh: Văn Miên

Nét khởi sắc của Bác Ái trong những năm qua không thể không kể đến việc phát triển vượt bậc kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất phát triển và đời sống dân sinh. Chỉ từ năm 2009 đến nay, được sự đầu tư của Nhà nước thông qua Chương trình 135 và Nghị quyết 30a Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức kinh tế trong nước và các chương trình lồng ghép khác với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho huyện phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã và thôn. Hệ thống thủy lợi, điện, giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... được đầu tư xây dựng đồng bộ cũng góp phần làm bộ mặt huyện nhà thêm khởi sắc. Giao thông thông suốt từ huyện đến xã, về tận thôn. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng kiên cố, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học. Các hồ chứa nước Sông Sắt, Phước Trung, Trà Co, tổng dung tích trên 80 triệu m3 phục vụ tưới, giúp bà con thay đổi thói quen canh tác, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cây trồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 9/9 xã đang triển khai thực hiện theo đồ án và đề án đã được phê duyệt; trong có 50% số xã đã đạt được từ 7-14 tiêu chí. 

Thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh, bền vững, trong những năm qua, cùng sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức kinh tế khác đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách và hỗ trợ khác cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất…Nhờ vậy, đến nay hầu hết các thôn, xóm trên địa bàn huyện đã ổn định tái định canh, định cư, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết làm lúa nước và sản xuất lúa lai đưa lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Phước Trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa đạt năng suất 45- 50 tạ/ha.

Với những giải pháp đồng bộ trên, năm 2014 đánh dấu sự chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với kết quả: 21/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt trên 90% và 1 chỉ tiêu đạt 80%. Từ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với tinh thần đoàn kết của nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đều đạt trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 8,27% , đến cuối năm 2014 giảm còn 29,83% (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,2 triệu đồng/người (năm 2008) lên 16 triệu đồng/người (năm 2014); tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 674 tỷ đồng, tăng 21%; thu ngân sách đạt 10,2 tỷ đồng tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2013. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân Bác Ái đã đóng góp được hơn 500 triệu đồng, gần 450 ngày công lao động và hiến 49.030 m2 đất... góp phần xây dựng các công trình nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đời sống văn hóa, tinh thần của đại bộ phận đồng bào được cải thiện rõ rệt, nhiều hủ tục dần dần được xóa bỏ. Đến nay, huyện đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, 100% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. 65% dân số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Các hoạt động văn nghệ, thể thao được khơi dậy và tổ chức sôi nổi. Nhất là việc phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào thông qua các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại và lễ hội văn hóa... góp phần làm cho văn hóa cộng đồng các dân tộc của tỉnh càng thêm phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc. Sự nghiệp y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tiến bộ cả về nề nếp, quy mô và chất lượng; các chính sách xã hội thực hiện kịp thời, hiệu quả; tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tiềm lực quốc phòng được củng cố, nhiệm vụ quân sự địa phương đạt kết quả tốt.

Trường THPT Bác Ái đưa công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học. Ảnh: Sơn Ngọc

Hệ thống chính trị cơ bản đã được sắp xếp, kiện toàn từ huyện đến cơ sở và gắn với thực hiện chấn chỉnh kỷ cương, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, nâng cao trách nhiệm công vụ theo hướng gần dân, hiểu dân, sâu sát cơ sở, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc từ cơ sở...từ đó đã tạo được hiệu quả trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiêm vụ chính trị, nhất là thực hiện tốt việc khắc phục, sửa sai sau kiểm điểm theo tinh thần NQ Trung ương 4 (khóa XI), tạo được niềm tin trong cán bộ và quần chúng nhân dân tin tưởng.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH huyện 2011-2015, năm 2015, huyện Bác Ái sẽ tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện có hiệu qủa Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào các dân tộc vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 8-10%. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đầu tư trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và hướng dẫn, vận động đồng bào ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, chế biến nông lâm sản để tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập ổn định; đồng thời gắn việc phát triển kinh tế với công tác quản lý, bảo vệ rừng và giao đất lâm nghiệp, góp vai trò to lớn trong việc chống xói mòn đất và bảo vệ môi trường.

Phát huy truyền thống của một huyện anh hùng, trong sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế-xã hội, quân và dân Bác Ái đã, đang đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt qua thử thách, khó khăn để đạt được những thành tựu quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.