Mộc mạc với món dưa hành

Trong ngọn gió rét cuối mùa, dĩa dưa hành muối chua càng không thể thiếu trong danh mục ẩm thực ngày Tết. Cùng với các loại thịt, cá, bia, nước ngọt… vậy là các món chua ngọt như dưa giá, dưa cải hay dưa hành được dịp lên ngôi. Người ta ưu ái đặt chúng giữa nơi trịnh trọng nhất của mâm tiệc đó là món khai vị.

Dưa hành hợp với những món ăn có nhiều chất béo như thịt nấu đông, thịt luộc, thịt kho trứng, thịt quay hay nướng… bởi những món này không có mỡ thì không ngon. Nhưng hợp với khẩu vị hơn cả là dưa hành ăn với bánh tét hoặc bánh chưng, món đặc biệt không bao giờ thiếu trong suốt mùa lễ Tết.

Ảnh minh họa.

Dưa hành ăn giòn, có vị chua ngọt, hơi cay cay, thơm mùi đặc trưng, nó kích thích tiêu hoá và kháng khuẩn khá tốt. Quy trình chế biến lại đơn giản, không cầu kỳ như các món dưa khác nên nó là lựa chọn số một của các bà nội trợ không có nhiều thời gian dành cho việc bếp núc.

Các bạn nên lựa hành tím loại củ nhỏ, đều tép mua về. Đừng ham củ lớn vì muối lâu chín, mùi vẫn còn nồng. Lớp vỏ ngoài phải có màu thật tươi, da căng cứng thì cơm mới rắn chắc. Ngâm hành vào nước vo gạo hay nước tro bếp một ngày một đêm, sau thay nước ngâm này bằng dung dịch nước muối pha loãng đồng thời ngâm thêm một ngày nữa cho hành được trắng và giòn.

Tiếp theo là lột lớp vỏ già của củ hành và cắt bỏ cội rễ của nó, tuy nhiên phải cắt cho thật khéo, không nên phạm sâu quá sẽ không để được lâu. Cuối cùng, nấu nước để muối hành theo tỉ lệ một lít nước, 50g muối, 10g đường và một muỗng canh rượu trắng hay giấm. Đổ hỗn hợp này vào hũ thủy tinh sau khi để nguội, nên chế nước ngập mặt hành để hành không bị đen, cuối cùng là gài nan tre để không cho hành nổi. Khoảng một tuần sau là ăn được.

Bánh tét hoặc bánh chưng bạn nên sử dụng bằng sợi chỉ mảnh để khi xiết, mặt bánh sẽ láng mịn như làn da con gái. Từng lát bánh được trình bày theo vòng tròn dĩa, trang điểm thêm xung quanh là những củ dưa hành có màu hồng hồng, chen thêm vài quả ớt ngâm giấm xanh xanh, vài lát cà rốt chua đo đỏ được tỉa thành những hình đẹp cùng với tép củ kiệu trắng ngần… tất cả giống như một bó hoa tươi thắm với đủ hương thơm lẫn sắc màu. Món khai vị được chế biến thành công là phải có độ giòn tan, vị ngọt ngọt, chua chua, để càng lâu ăn càng đậm đà, không nổi bọt…