Nhớ nồi bánh tét đêm trừ tịch

(NTO) Tết, tết, tết… một năm mới lại đến. Năm mới gợi cho tôi bao kỷ niệm thân thương về gia đình. Và như bao năm qua, cứ đến giao thừa, thời khắc thiêng liêng nhất bắt đầu một mùa xuân tràn đầy hy vọng, ước mơ, bỗng dưng khóe mắt lại cay cay, trong luyến lưu ký ức.

Hồi còn nhỏ, như bao đứa trẻ khác, tôi vẫn háo hức mong Tết đến để được mặc quần áo mới, nhận tiền lì xì, nhưng điều mà tôi thích nhất là cảnh gia đình quây quần bên nhau, cùng gói bánh tét vào sáng 30 Tết, rồi phân công từng thành viên “trực” nấu đến tận giao thừa.

Ảnh minh họa.

Để có được nồi bánh tét thơm ngon, má tôi phải chuẩn bị thật công phu. Sáng 30, má dậy sớm, vo nếp, đãi vỏ đậu xanh, ướp thịt với gia vị thật thơm. Muốn có được những chiếc bánh tét thật vừa ý, ở công đoạn này má tôi thường tự tay làm, anh em chúng tôi không được giao phần việc này. Lá chuối hột được má đem phơi nắng cho ua úa, rồi lau thật sạch và xếp lại từng lớp ngay ngắn. Ba tôi nhận trách nhiệm chẻ nhỏ dây lạt, ngâm nước cho mềm. Tiếp đến là công đoạn gói bánh, mỗi người một việc, má tôi trải lá chuối trên mâm có dây lạt, đổ nếp lên trên và gạt nhẹ, nhân thịt và đậu xanh được đặt chính giữa. Dùng tay vỗ nhẹ vào thân bánh, lá còn dư ở hai đầu được má tôi gập lại, hai miếng lá chuối xếp chéo nhau trên đầu bánh. Sau đó, anh trai tôi buộc lạt thành các nút nhỏ dọc theo thân bánh thật nhuần nhuyễn. Má dặn buộc lỏng hoặc quá chặt sẽ làm bánh hư hoặc bị sống. Nhìn những đòn bánh tét vừa gói xong thật thích mắt. Bánh tét hình trụ, tròn, đầy đặn, tượng trưng cho dương tính, nói lên sự mạnh mẽ, kiên cường. Một đòn bánh tét tròn đầy bao giờ cũng hội đủ âm dương, ngũ hành, ngũ sắc. Thịt heo là dương. Đậu, nếp, lá chuối gói bánh là âm. Những đòn bánh tét gói xong được chị tôi xếp ngay ngắn vào nồi, dưới đáy nồi và bên trên đều được lót bằng một lớp lá chuối.

Bếp lò nấu bánh được làm bằng các viên gạch chụm lại theo thế chân vạc, đặt ở góc sân. Trong tiết trời se lạnh, cả gia đình cùng ngồi quanh bếp lửa chụm củi, nấu bánh. Tiếng lửa reo tí tách xen lẫn trong gió cuối đông xào xạc nghe thật vui tai. Khó nhất của công đoạn nấu bánh là phải giữ cho lửa cháy đều, thỉnh thoảng châm nước để không bị cạn mới giữ được màu xanh của lá và bánh không bị sống. Khi nước trong nồi sôi lên, mùi thơm của nếp và lá chuối quyện vào nhau, tỏa ngào ngạt. Sau một đêm thức trọn cùng nồi bánh, những chiếc bánh tét tròn lẳn đã được vớt ra cũng là lúc giao thừa đến, chiếc bánh được ba tôi trang trọng đặt lên bàn thờ gia tiên.

Bao nhiêu cái Tết đã đi qua. Ba Má của chúng tôi đã mãi mãi đi xa. Tất cả anh, chị và tôi đã xây dựng gia đình. Cuộc sống thời kinh tế thị trường đã cuốn mọi người vào công việc riêng nên những nền nếp cũ cũng dần phai. Nhưng tôi vẫn nhớ hoài nồi bánh tét của gia đình ngày trước, bởi đó là hương vị của tình cảm không hề nhạt theo năm tháng!